ThienNhien.Net - “Việc cấp phép khai thác mỏ tràn lan tại các địa phương cộng với việc làm ăn vô tội vạ của các doanh nghiệp khai thác đã khiến Nhà nước bị thất thu khá lớn. Do đó, cần phải nâng trần thuế lên thì mới ngăn chặn được kiểu khai thác vô tội vạ hiện nay” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế Tài nguyên ngày 21/10.
Theo lời Bộ trưởng, dự thảo Luật mới nhìn từ góc độ tăng thu ngân sách cho nhà nước, nhưng cũng cần được tiếp cận trên góc độ tiết kiệm tài nguyên. Hiện nay, việc khai thác khoáng sản rất tùy tiện, xin cấp phép khai thác cũng rất dễ. Trong vòng 4 năm, các địa phương đã cấp 4.000 giấy phép khai thác mỏ trong khi Bộ TN&MT chỉ cấp hơn 100 giấy phép/năm.
Tuy nhiên, đáng bàn là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, cho rằng chính sách thuế nếu thiên về giữ tài nguyên là "lệch" vì tài nguyên chỉ có giá trị cao hơn khi được khai thác. Ví dụ việc quy định lấy cành củi, tre nứa cũng bị đánh thuế và chỉ cho người được cấp phép lấy là hạn chế sinh nhai của người dân, không phù hợp với thực tế. Ông Hiền cho rằng, việc khai thác khoáng sản để phục vụ sản xuất trong nước, thúc đẩy kinh tế phát triển thì nên khuyến khích. Còn đơn thuần khai thác rồi xuất khẩu thô thì phải xem xét cẩn trọng.
Liên quan đến việc quản lý khai thác tài nguyên của Chính phủ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh rằng: “Trên thế giới hiện nay, thực tế nước nghèo thì bán tài nguyên, nước giàu họ mua tài nguyên về chế biến sâu, công nghệ là ở nước họ. Ta bây giờ phần lớn là bán tài nguyên, nên vừa rồi cũng có phê phán chỗ này chỗ kia. Đã đến lúc phải đi sâu vào chế biến và Chính phủ sắp tới chắc phải có quy định theo hướng cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài”...
Bên cạnh vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, khung thuế suất đối với tài nguyên theo dự Luật của Chính phủ là quá rộng, có thể dẫn đến việc tùy tiện trong áp dụng, khiến các nhà đầu tư không yên tâm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Khôi Nguyên dẫn chứng, khung thuế đối với Mangan từ 5 - 20%, nhưng mức đề suất áp dụng chỉ là 7%, độ “doãng” này là quá lớn, như vậy dễ phát sinh tình trạng xin - cho.
Nhiều đại biểu cũng tỏ ý băn khoăn về việc dự thảo luật lập biểu thuế suất theo nhóm, trong đó, có những nhóm bao gồm nhiều loại tài nguyên khoáng sản có giá trị khác nhau, nhưng lại chịu cùng khung thuế suất như nhau.
Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) gợi ý, nên giao cho UBTVQH quy định chi tiết mức thuế suất cụ thể để hạn chế tình trạng tùy tiện trong áp thuế.
Khung thuế suất tài nguyên dự kiến:
- Khoáng sản kim loại: 5-30%.
- Khoáng sản không kim loại
(trừ đá quý và than): 3-15%.
- Dầu thô: 6-30%.
- Nhóm kim khí tự nhiên: 0-25%.
- Sản phẩm rừng tự nhiên: 10-40%.
- Các loại tài nguyên khác: 0 - 20%. |
Riêng đối với tài nguyên nước thì có 2 luồng ý kiến trái chiều. Ý kiến thứ nhất cho rằng để hạn chế việc lãng phí nguồn tài nguyên nước ngầm cần đánh thuế ở mức hợp lý với tài nguyên này. Ý kiến thứ hai khuyên không nên đưa nước ngầm vào diện chịu thuế vì cho rằng “nó” giải quyết nhu cầu cấp thiết của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp ở các vùng khó khăn.
Nhìn chung, các ý kiến thống nhất quan điểm: Tại thời điểm hiện nay, khi việc tổng kết, đánh giá quá trình áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với mỗi loại tài nguyên còn chưa đầy đủ, thì trước mắt Quốc hội sẽ quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao UBTVQH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên.