Vietnamese English
Năng lượng mặt trời - Giải pháp bền vững

1/8/2015 4:08:00 PM

Mặt trời là nguồn năng lượng lớn nhất mà con người có thể tận dụng mà không có ảnh hưởng tiêu cực gì đến môi trường, do đó không góp phần vào vấn đề ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.





Năng lượng là yếu tố vô cùng quang trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao. Nhưng nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của nền kinh tế trên thế giới.

Mặt trời là nguồn năng lượng lớn nhất mà con người có thể tận dụng được: sạch, mạnh mẽ, dồi dào, đáng tin cậy, gần như vô tận và có ở khắp mọi nơi. Việc thu giữ năng lượng mặt trời gần như không có ảnh hưởng tiêu cực gì đến môi trường, do đó không góp phần vào vấn đề ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.
Năng lượng mặt trời - Giải pháp bền vững

Vị trí địa lý đã ưu ái cho Việt Nam một nguồn năng lượng tái tạo vô cùng lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Trải dài từ vĩ độ 23023’ Bắc đến 8027’ Bắc, Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai) và vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh)…

Năm 1995, hơn 180 nhà dân và một số công trình công cộng tại buôn Chăm, xã Eahsol, huyện Eahleo tỉnh Ðắk Lắk đã sử dụng điện mặt trời. Gần đây, dự án phát điện ghép giữa pin mặt trời và thuỷ điện nhỏ, công suất 125 kW được lắp đặt tại xã Trang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, và dự án phát điện lai ghép giữa pin mặt trời và động cơ gió với công suất 9 kW đặt tại làng Kongu 2, huyện Ðăk Hà, tỉnh Kon Tum, do Viện Năng lượng (EVN) thực hiện, góp phần cung cấp điện cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ thành công của Dự án này, Viện Năng lượng (EVN) và Trung tâm Năng lượng mới (Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội) tiếp tục triển khai ứng dụng giàn pin mặt trời nhằm cung cấp điện cho một số hộ gia đình và các trạm biên phòng ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đồng thời thực hiện Dự án “Ứng dụng thí điểm điện mặt trời cho vùng sâu, vùng xa” tại xã Ái Quốc, tỉnh Lạng Sơn. Dự án được hoàn thành vào tháng 11/2002.

Ngoài chiếu sáng, năng lượng mặt trời còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực nhiệt, đun nấu. Từ năm 2000 - 2005, Trung tâm Nghiên cứu thiết bị áp lực và năng lượng mới (Ðại học Ðà Nẵng), phối hợp với Tổ chức phục vụ năng lượng mặt trời triển khai Dự án “Bếp năng lượng mặt trời” cho các hộ dân tại làng Bình Kỳ 2, Phường Hòa Quý, Quận Ngũ Hành Sơn (Ðà Nẵng). Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu năng lượng mới cũng nghiên cứu năng lượng mặt trời để đun nước nóng và đưa loại bình đun nước nóng này vào ứng dụng tại một số tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Sơn La…

Nhiệt năng có thể được sử dụng để sưởi nóng các tòa nhà một cách thụ động thông qua việc sử dụng một số vật liệu hoặc thiết kế kiến trúc, hoặc được sử dụng trực tiếp để đun nóng nước phục vụ cho sinh hoạt.

Ở rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới thiết bị đun nước nóng dùng năng lượng mặt trời (bình nước nóng năng lượng mặt trời) hiện đang là một sự bổ sung quan trọng hay một sự lựa chọn thay thế cho các thiết bị cung cấp nước nóng thông thường dùng điện hoặc gas.

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Tiến Khiêm: nhân loại trên trái đất đã sử dụng quá nhiều các nguồn năng lượng hóa thạch nên dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây hiệu ứng nhà kính, nguồn năng lượng chủ yếu sẽ cạn kiệt và hết trong vài thập niên tới.

Vì vậy, việc nghiên cứu triển khai áp dụng năng lượng thay thế là điều hiển nhiên. Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ đi đầu trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, đưa đất nước ta ngày càng phát triển ổn định hơn, vững mạnh hơn.
 
Theo KTMT

Lượt xem : 2357