Nâng chất cây rừng
6/18/2014 9:30:00 AM
Không ít người trong nước và cả du khách nước ngoài ngạc nhiên lẫn thích thú khi biết TPHCM lại có khu rừng rộng đến 34.000ha, và càng khâm phục hơn khi biết đây là rừng… trồng.
Có thể nói, với bao khó khăn như phải vận chuyển trái đước từ Cà Mau về TP mất cả tháng trời, bệnh sốt rét luôn đe dọa sức khỏe mọi người nhưng quyết tâm phục hồi lại rừng của lãnh đạo TP lúc đó đã chiến thắng. Giờ đây rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ có vai trò rất lớn, không chỉ là “lá phổi xanh” cho gần 10 triệu người dân TP mà còn đóng vai trò như “đê” chắn sóng khi bão lũ ngày càng xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Điều đó cho thấy tầm nhìn xa của lãnh đạo TP trong việc phục hồi RNM trước đây.
Năm 2000, Tổ chức UNESCO Liên hiệp quốc công nhận RNM Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là khu dự trữ sinh quyển duy nhất trên trái đất do con người phục hồi.
Ảnh minh họa: Quang Duy/yume.vn
Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, với việc trồng thêm hàng năm, diện tích đất RNM Cần Giờ sẽ được phủ xanh hoàn toàn vài năm tới. Nhưng việc bảo vệ khu rừng quý giá này là vấn đề không hề đơn giản. Tình trạng khai thác rừng trái phép như chặt cây làm than là một vấn nạn. Vì vậy, năm 1990, TP mạnh dạn giao rừng cho người dân. Hiện nay có 141 hộ với bình quân 40-50ha/hộ và 14 đơn vị nhận khoán.
Từ khi được giao, việc giữ rừng tỏ ra hiệu quả khi số vụ việc vi phạm giảm xuống. Trong cơn “sốt” nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ven biển cuối thập niên 1990, nhiều diện tích rừng của các tỉnh bị xâm lấn, thậm chí gần như biến mất, nhưng RNM Cần Giờ vẫn được quản lý và bảo vệ tốt. Sau đó, không ít tỉnh đã đến TP để mua trái đước về trồng, trong đó có địa phương mà hơn 30 năm trước TPHCM từng đến tìm mua trái giống!
Theo lãnh đạo TPHCM, vấn đề cốt lõi của việc bảo vệ tốt RNM là phải tạo điều kiện để người giữ rừng nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống ở mức ít nhất cũng phải trên chuẩn hộ nghèo của TP (hơn 16 triệu đồng/người/năm), có như vậy bà con mới gắn bó lâu dài với rừng. Bên cạnh việc nâng tiền khoán giữ rừng cao hơn những địa phương khác, tạo điều kiện sản xuất dưới tán rừng, TP còn từng bước xây dựng nhà sàn kiên cố thay nhà lá trước đây cho các hộ giữ rừng. Việc ăn học của con em những hộ giữ rừng cũng được tổ chức khá chu đáo.
TPHCM đã tìm ra chìa khóa trong việc giữ và bảo vệ rừng hiệu quả, vấn đề hiện nay là cần nâng cao chất lượng cây rừng. Vì là rừng trồng nên việc tỉa thưa như là biện pháp kỹ thuật lâm sinh phải được tuân thủ nhằm tạo điều kiện cho rừng phát triển tốt hơn, ngăn ngừa mầm bệnh.
Theo Đăng Lâm/Sài Gòn Giải Phóng
Lượt xem : 1958