Vietnamese English
Nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa

2/17/2022 9:08:00 AM

Triển lãm “Sông kể chuyện nhựa” nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về tác động của chất thải nhựa và vai trò của từng cá nhân trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa ở phạm vi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu.



Các đại biểu và khách tham quan lắng nghe "Câu chuyện của dòng sông" tại Triển lãm.

Ngày 15/2, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP), Viện Goethe và các đối tác tổ chức Triển lãm truyền thông “Sông kể chuyện nhựa”.

Kéo dài đến hết ngày 15/3, Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của 2 nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương và Nguyễn Việt Hùng cũng như trình chiếu các đoạn phim ngắn lồng ghép những thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Triển lãm sẽ giúp người xem có được cái nhìn tổng thể hơn về hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam để cùng nỗ lực hành động vì môi trường tốt đẹp hơn.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách nhằm hạn chế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định rõ về trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.”


Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại Triển lãm.

Ông Thọ bày tỏ tin tưởng rằng, thông điệp từ những bức ảnh, clip và phim tài liệu được chiếu tại Triển lãm sẽ góp phần tạo ra những thay đổi về nhận thức và hành vi của từng cá nhân, hướng tới việc giảm thiểu chất thải nhựa. Đồng thời, các hội thảo kỹ thuật được tổ chức trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ là cơ hội để xác định các giải pháp, chương trình hợp tác để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa trong thời gian tới.

Về phần mình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman cho rằng tất cả mọi người cần phải hành động để tạo ra sự thay đổi. “Chúng ta cần xem xét lại cách mà chúng ta thiết kế, sử dụng và thải bỏ nhựa. Cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, khối tư nhân và người tiêu dùng để cùng nhau thực hiện các hành động giảm tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần”.


Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman phát biểu.

Bà Akkerman nhấn mạnh điều cốt lõi của bất kỳ hành động nào là sự cam kết ở tất cả các cấp cũng như trên phạm vi toàn cầu. “Mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong việc giảm rác thải nhựa trên thế giới”.

Phó Viện trưởng Viện Goethe Steffen Kaupp cho biết trong thời gian diễn ra Triển lãm, Viện Goethe sẽ phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường xây dựng mô hình triển lãm ảo trên ứng dụng Gathertown nhằm tiếp cận nhiều hơn công chúng quan tâm cũng như hỗ trợ các hoạt động bên lề trong khuôn khổ triển lãm. Qua đó, cùng với các bên và cộng đồng xác định các giải pháp phù hợp và thực tế về chính sách, kỹ thuật và truyền thông nhằm giảm tiêu dùng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Diệu Thuý-Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của WWF Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua Việt Nam đã có những hành động cụ thể, thiết thực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa đại dương, và Luật Bảo vệ môi trường.


Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF Việt Nam Nguyễn Thị Diệu Thuý phát biểu.

Tất cả những chương trình này đều nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh truyền thông và có những hoạt động hướng đến người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng hiểu biết hơn về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc giải quyết vấn đề này.

“Việt Nam đang tích cực vận động cho một Hiệp ước toàn cầu về vấn đề ô nhiễm nhựa, đồng thời là một trong những quốc gia đầu tiên có các địa phương cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam chống lại cuộc khủng hoảng nhựa hiện nay”-bà Thúy nói.

Tại Triển lãm, các đại biểu và khách tham quan đã được nghe câu chuyện của dòng sông thông qua 2 mô hình được dựng và đặt ở trung tâm không gian triển lãm-một bên là mô hình dòng sông bị nhiễm bẩn bởi rác thải nhựa, cho thấy những ảnh hưởng của rác thải nhựa tới hệ sinh thái dưới nước; một bên là hình ảnh dòng sông vui tươi với các sản phẩm nhựa tái chế, qua đó truyền tải thông điệp vai trò của tái chế, tái sử dụng trong giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.


Mô hình 2 dòng sông tại Triển lãm.

Bên lề triển lãm sẽ diễn ra Hội thảo chia sẻ kiến thức của EU “Thúc đẩy các sản phẩm thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững” ngày 2/3 và Hội thảo kỹ thuật của Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA) “Các sản phẩm nhựa dùng một lần và tác động đến sức khỏe” 2 ngày sau đó.

Triển lãm là một trong chuỗi các hoạt động được triển khai của Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa” trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa-Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” (Rethinking Plastics) do Liên minh Châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.

Tại Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội thực hiện Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam”. Dự án đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia của 16 siêu thị, nhà bán lẻ.

Những con số biết nói:

- Theo Báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất ra 400 triệu tấn nhựa, trong đó chỉ 12% sẽ được xử lý và đốt tại các lò rác, 9% được tái chế, còn lại 79% sẽ kết thúc ở các bãi rác, các bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

- Với mức tiêu thụ nhựa nhưa hiện nay, nếu tình trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác nhựa thải ra môi trường tự nhiên, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như cuộc sống của các loài sinh vật cùng chia sẻ ngôi nhà chung Trái đất.

- Theo Đề án thúc đẩy kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon đến năm 2020 (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon, mỗi phút tiêu thụ 10 triệu túi này. Khoảng 30 tỷ túi nilon được sử dụng và thải bỏ mỗi năm ở Việt Nam, trong đó chỉ 17% được tái chế và tái sử dụng, phần còn lại được thải bỏ ngay sau khi sử dụng một lần.

- Theo Báo cáo “The New Plastics Economy: Rethinking the future of plastics” (2016) của Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, nếu không hành động và thay đổi, đến năm 2025 cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có 1 tấn rác thải nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải sẽ nhiều hơn lượng cá trong các đại dương.

Hoài Văn

Nguồn: Báo Nhân dân

Lượt xem : 1097