Vietnamese English
Nạn chảy máu tài nguyên cây thuốc

1/10/2021 7:57:00 AM

NẠN ‘CHẢY MÁU’ TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC


Từ nhiều năm qua, nguồn Tài nguyên thiên nhiên của nước ta bị ‘chảy máu’ qua biên giới theo con đường tiểu ngạch, chủ yếu qua Trung Quốc. Ngoài các loại khoáng sản, gỗ quý... còn có khá nhiều cây thuốc quý. Theo thống kê dưới đây tuy không đầy đủ nhưng cũng đã cho thấy khối lượng và giá trị kinh tế của loại Tài nguyên này thường xuyên bị thất thoát không phải nhỏ.


Điều cần lưu ý là trong khi ngành Y tế của chúng ta chưa biết dùng những cây thuốc đang bị khai thác để bán ra nước ngoài, thị trường Việt Nam chưa có nhu cầu, thì người dân cứ tự do vào rừng khai thác theo kiểu tận thu, không phải là ‘đào tận gốc, trốc tận rễ’, mà để làm cho nhanh, người ta ‘nhổ cả gốc, cả rễ’ để bán cho các tư thương thu gom ngay tại các vùng nguyên liệu. Việc khai thác tài nguyên này khá công khai, nhưng các cấp Chính quyền và Kiểm lâm ở địa phương không có ý kiến. Nếu việc khai thác, buôn bán Tài nguyên cây thuốc cứ tiếp diễn như hiện nay thì nguy cơ những cây thuốc quý ở các địa phương sẽ bị cạn kiệt nhanh chóng và có nguy cơ tuyệt chủng. Đến khi chúng ta nhận ra được giá trị sử dụng của nó và có nhu cầu nguyên liệu để làm thuốc thì chắc chắn nguồn dược liệu đó cũng không còn! 


Một vài dẫn chứng
:


1. Cây Sói rừng: Theo báo cáo của Hội Đông y Cao Bằng về “Thực trạng khai thác, giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn Tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” (ngày 10/6/2010), và Hội thảo về “Bảo tồn và Phát triển bền vững nguồn Tài nguyên cây thuốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam” (ngày 24-25/3/2011), tại các cửa khẩu Tà Lùng, Sóc Giang, Trà Lĩnh… mỗi ngày có hàng chục tấn dược liệu các loại bị đưa qua biên giới. Mỗi năm ước tính ít nhất có khoảng 300.000 đến 500.000 tấn dược liệu bị khai thác để bán sang Trung Quốc. Chỉ tính trong 20 năm, số dược liệu của tỉnh Cao Bằng bị bán qua biên giới ít nhất khoảng trên dưới 10 triệu tấn, với giá trị kinh tế khoảng vài nghìn tỷ Đồng. Trong đó, những cây thuốc bị khai thác nhiều là Sói rừng (giá năm 2010 là 1.000đ/kg tươi cả gốc, năm 2011 do khan hiếm nên giá từ 3.000-3.500đ/kg tươi), cây Bảy lá một hoa, Si đỏ, Na rừng, Cỏ nhung, vv.

   
Hình 1: Xe chở cây Sói rừng qua cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), 18.5.2011  (Ảnh: T.C. Khánh)


Lang Son Nguon duoc lieu quy bi troc re ban xuat khauTheo www.vietbao.vn/Suc-khoe (7.2006), “Tại  các huyện Văn Quan, Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định… (Lạng Sơn) người dân đua nhau đi thu hái một loại cây mọc trên rừng màu xanh sẫm, hình dáng giống như cành Si nhưng mảnh dẻ hơn, gọi là ‘Chè dại’, hoặc ‘Duối dại’ để bán cho khách Trung Quốc đặt mua, với giá 1.000 đồng/kg khô, còn cả rễ. Ở thị trấn Điềm He (huyện Văn Quan), trung bình mỗi ngày có tới 60 tấn cây Chè dại bị nhổ bán (Hình 2). Đây là một loại cây thuốc quý, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể chữa các bệnh đường ruột và rửa vết thương”.  

 


Hình 2: Nơi thu gom cây ‘Chè dại’ để bán (Ảnh: N.Đ.B.)

 


Hình trên cho thấy ‘Chè dại’ đúng là cây Sói rừng. Vậy ‘Sói rừng’ là cây gì? Tại sao Trung Quốc lại mua nhiều như vậy?

             
Hình 3: Cây Sói rừng có quả chín (Ảnh: T.C. Khánh)

 


Cây Sói rừng, còn có tên Sói láng, hay Sói nhẵn; Trung Quốc gọi là Cao shan hu (草珊瑚). Tên khoa học là Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai, họ Hoa sói (Chloranthaceae). Đây là loại cây bụi thường xanh, cao 1-2m, thân nhẵn, các mấu hơi phồng. Lá mọc đối, hình bầu dục đến hình ngọn giáo, dài 7-20cm, rộng 2-8cm, mép lá có răng cưa nhọn, thô, kèm với các tuyến tiết, gân bên 5-7 cặp, cuống lá ngắn 5-8mm. Cụm hoa là bông kép ngắn ở đầu cành, dài 2-4cm. Hoa nhỏ, màu trắng, không cuống, nhị 1. Bầu hình trứng, không có vòi nhuỵ. Quả mọng nhỏ, đường kính khoảng 3-4mm, khi chín có màu đỏ. Mùa hoa: tháng 6-7. Quả chín tháng 8-9.

 


Cây Sói rừng chứa tinh dầu, các flavonoid, coumarin, fumaric acid, succinic acid, vv. Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh cây này có các sesquiterpen là atractylenolid
β, chloranthalacton E, ( - )-istanbulin A, và 2 sesquiterpen lacton mới là 8β, 9a-dihydroxyeudesman-4(15),7(11)-dien-8a,12-olid; và 8β, 9a-dihydroxylindan-4(5),7 (11)-dien-8a,12-olid .


Theo Đông y, cây Sói rừng có vị đắng cay, tính hơi ấm, có độc. Có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm, giải độc. Trong dân gian, người ta lấy rễ cây Sói rừng ngâm rượu, chữa đau tức ngực. Lá sắc uống trị bệnh lao (?). Dùng ngoài, lá tươi giã đắp chữa rắn cắn, hoặc ngâm rượu xoa bóp chữa phong thấp, đau nhức xương, vết thương, mụn nhọt. Trong một công trình nghiên cứu về dược liệu ở Đông Dương, Perrot và Hurrier (1906) cho biết người ta dùng toàn cây để trị sốt, động kinh. Theo các nghiên cứu gần đây thì các sesquiterpen trong cây có tác dụng bảo vệ gan. Cũng theo tài liệu, ở Trung Quốc cây này được dùng chữa ung thư tuỵ, dạ dày, gan, trực tràng, cuống họng, viêm não B, viêm ruột thừa cấp tính, lỵ trực khuẩn, nhọt, chấn thương, gẫy xương, thấp khớp, đau lưng. Ngày dùng 15-30g, sắc uống, hoặc tán bột uống với rượu.


2.
Lan kim tuyến: Khoảng mười năm trước đây, các trang báo mạng (
www.hoalanvietnam.org , 11.2010) và báo in trong nước rầm rộ đưa tin "Săn cây Kim cương ở Đông Trường Sơn" (báo Thanh niên), "Ngăn học sinh bỏ học đi hái cây Kim cương” (báo Tuổi trẻ), vv. Vậy Kim cương là cây gì mà săn lùng như vậy?



Anoectochilus roxburghiiCây Kim cương, còn gọi là Lan kim tuyến, Lan gấm, mọc nhiều trong rừng già. Ở Kon Tum,  người dân cho biết loại cây này trước đây mọc đầy quanh nhà nhưng bà con không ai để ý. Nay do nhiều người tìm hái nên bây giờ phải vào tận rừng sâu mới có. Ban đầu giá 250.000 đồng/kg, khoảng vài tháng nay rộ lên tin đồn loại cây này dùng chữa bệnh rất tốt nên được mua với giá 520.000-600.000 đồng/kg, khiến nhiều người đổ xô vào rừng săn tìm. Hỏi về tác dụng của loại cây này, già làng Vi Xây (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) lắc đầu: "Ồ mình không biết nó dùng để chữa bệnh gì. Chỉ thấy mấy người buôn hỏi mua để bán sang Trung Quốc, Đài Loan, có bao nhiêu họ cũng mua hết, giá 600.000 đồng/kg cây tươi, còn khô thì giá 7 triệu đồng/kg. Ai mà tìm trúng cây Kim cương có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày".


Hình 4: Cây Lan kim tuyến, hoặc Kim cương (Ảnh: Internet)


Cây Từ khi cây Kim cương bị săn lùng ráo riết, nhiều học sinh ở huyện Kon Plông bỏ học vào rừng thu hái cây Kim cương. Các thầy cô giáo phải tìm đến từng nhà để kêu gọi học sinh trở lại lớp. Các trưởng thôn phải tổ chức họp dân cùng già làng để ‘quán triệt’, nghiêm cấm học sinh bỏ học, nhưng xem ra không có hiệu quả.

      
Hình 5: Học sinh thu hái Lan kim tuyến  (Ảnh: Internet)   


Trước thực trạng này, cán bộ phòng Giáo dục - Đào tạo phải cử cán bộ đến các xã trọng điểm để phối hợp cùng chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học vào rừng hái cây Kim cương, đồng thời yêu cầu các trường trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, tuyên truyền vận động học sinh không vì cây Kim cương mà bỏ học.


Lan kim tuyến, còn gọi là Lan gấm, Cỏ nhung, cây Kim cương. Tên khoa học là Anoectochilus setaceus Bl., họ Lan (Orchidaceae). Đây là loại lan đất, mọc rải rác dưới tán cây to trong rừng ẩm, ở độ cao 500-1.600m. Cây cao 10-20cm, thân mọng nước có nhiều lông mềm, mang 2-4 lá mọc xòe trên mặt đất. Lá hình trái xoan hay hình trứng, gần tròn ở gốc, chóp hơi nhọn,
phiến lá dài 3-4cm, rộng 2-3cm, mặt trên màu nâu thẫm có vệt vàng ở giữa và mạng gân lá màu hồng nhạt, mặt dưới màu nâu nhạt, cuống lá dài 1-2cm, gốc cuống tạo thành bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa dài 10-15cm, mang 5-10 hoa màu trắng, dài khoảng 2,5cm, cánh môi dài 1,5cm, đầu môi chẻ đôi thành 2 thùy hẹp, đầu tròn. Cây này phân bố nhiều nơi ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Do bị khai thác nhiều và có nguy cơ tuyệt chủng, nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, xếp hạng EN A1a,c,d.


Lan kim tuyến chứa các chất quercetin, isorhamnetin-7-O-β-D-glucopyranosid, isorhamnetin-3-O-β-D-glucopyranosid, kaempferol-3-O-β-D-glucopyranosid, kaempferol-7-O-β-D-glucopyranosid, 5-hydroxy-3′,4′,7-trimethoxyflavonol-3-O-β-D-rutinosid, và isorhamnetin-3-O-β-D-rutinosid.


Theo Đông y, Lan kim tuyến có tác dụng chữa ho, tiêu đờm, viêm khí quản, các bệnh đường hô hấp, viêm gan mạn tính, lợi tiểu, hạ huyết áp,… Ở Vân Nam (Trung Quốc) cây này được dùng làm thuốc trị lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp đau nhức khớp xương, chấn thương, viêm dạ dày mạn tính.


Thay lời kết:
Trước thực trạng nguồn tài nguyên cây thuốc bị ‘chảy máu’, các cấp Chính quyền, các cơ quan Y tế và Quản lý tài nguyên cần có các biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho người dân, để họ biết những điều lợi và hại khi tác động vào thiên nhiên, để tự điều chỉnh hành vi khi họ muốn chặt phá cây rừng, trong đó có cây thuốc.


Cây thuốc thuộc loại sinh vật tái tạo, có thể tái sinh theo cách vô tính (chồi gốc, giâm cành), hoặc hữu tính (từ hạt), nếu con người không làm mất nguồn gen của nó. Tài nguyên sinh vật nói chung và cây thuốc nói riêng là để đáp ứng nhu cầu của đời sống con người, nhưng phải biết cách khai thác bền vững, cách bảo tồn và sử dụng tiết kiệm, hợp lý thì cây thuốc sẽ tồn tại lâu dài. Nó không chỉ dùng để chăm sóc sức khoẻ mà còn góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng.


Đối với những cây thuốc có nhu cầu nguyên liệu lớn thì cần tổ chức nhân giống và trồng trọt trên quy mô từ gia đình đến toàn cộng đồng. Khi trồng cây thuốc cần làm theo quy trình ‘Thực hành tốt trồng trọt’ (GAP), để có dược liệu tốt, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn làm thuốc.


TSKH. Tr
ần Công Khánh
 


Lượt xem : 1261