Vietnamese English
Muốn giữ được đa dạng sinh học và an toàn sinh học phải kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và gắn với bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa

11/20/2009 8:20:00 AM

Đây là ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý của các ngành và địa phương, tại Hội thảo về chủ đề này, do Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) vừa tổ chức tại Hà Nội.





             Tại cuộc hội thảo này, các đại biểu đã được nghe trình bày hàng loạt báo cáo về hiện trạng hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học tại một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ở địa phương và ở cấp Trung ương của Việt Nam; Một số mô hình, kinh nghiệm quản lý về lĩnh vực này của một số quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, sau khi nghe TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam, thay mặt nhóm chuyên gia  giới thiệu về Dự thảo khung đề án trình Thủ tướng Chính phủ về Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Nhờ có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan; đồng thời có các góc nhìn khác nhau nên các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đã được ban tổ chức đánh giá là rất bổ ích. Tất cả những ý kiến này đều hướng tới mục tiêu là: triển khai thực hiện tốt Luật Đa dạng sinh học và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học; Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartgenne về an toàn sinh học.

             Sau khi khẳng định những cố gắng rất lớn của Ban dự thảo Đề án khung về Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học, GS. TSKH Trương Quang Học, trưởng Ban Biến đổi khí hậu của VACNE cho rằng: ĐDSH không chỉ là dạng tài nguyên, mà chúng ta phải nhìn nhận nó dưới góc độ tích hợp. Vì thế, cần phải có cơ chế phối hợp điều hành giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan sử dụng. PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, trưởng Ban Phản biện của VACNE cũng khẳng định: phải gắn bảo tồn đa dạng sinh học với việc tạo sinh kế cho người dân bản địa. Rừng, biển và cả vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển … chỉ được bảo vệ tốt khi có chủ thực sự. Nói tóm lại là vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học và an toàn sinh học chỉ thực hiện được, khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng cư dân địa phương. Vì thế, bên cạnh Nghị định của Chính phủ, cần có Thông tư liên tịch về quan trắc, đánh giá hiệu quả và giám sát bảo vệ đa dạng sinh học và an toàn sinh học. Ông Vũ Văn Dũng- một chuyên gia lâu năm của ngành Lâm nghiệp cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng: cần phải thay đổi cả cách nhìn nhận và phương pháp bảo tồn ĐDSH. Bảo tồn phải đi đôi với phát triển và mang lại lợi ích cho người dân. Trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH không được tách rời sinh kế của cộng đồng và đặc biệt phải biết tiếp thu kiến thức bản địa. Chỉ khi đời sống của người dân địa phương được coi trọng và họ cùng tham gia thì Luật Đa dạng sinh học mới đi vào cuộc sống./. 

Quang Chính

Lượt xem : 1992