Vietnamese English
Mua sắm online làm môi trường tồi tệ hơn

12/12/2015 8:17:00 AM

Một nghiên cứu cho thấy mua sắm trực tuyến (online) tác động đến môi trường một cách tồi tệ hơn mua sắm truyền thống. Mua sắm qua internet hoặc làm việc ở nhà (mà không đến cơ quan) có thể làm gia tăng lượng phát thải cacbon chứ không làm giảm.

>> Mỹ phẩm làm hại môi trường?


Mua sắm trực tuyến có nguy cơ gây hại môi trường cao hơn cách mua sắm truyền thống. (Ảnh: Internet).


Nghiên cứu cũng cho thấy làm việc ở nhà có thể tăng mức tiêu thụ năng lượng lên hơn 30%, có thể làm cho con người rời xa nơi làm việc, mở rộng đô thị và ô nhiễm ngày càng tăng – theo Vietnamnet.

Viện Khoa học & Công nghệ (IET) báo cáo xem xét tác động của sự “ảnh hưởng ngược” từ các hoạt động thường được cho là thân thiện môi trường.

Các tác động này gây ra những hậu quả ngoài mong đợi từ các chính sách được đưa ra nhằm làm giảm lượng khí phát thải, những phân tích tỉ mỉ cho thấy thực chất nó chỉ chuyển lượng khí phát thải từ nơi này đến nơi khác.

Giáo sư Phil Blythe từ IET và đại học Newcastle (Anh) cho biết: “Chúng ta nghe nói rất nhiều về những lợi ích môi trường đạt được do làm việc ở nhà. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây lại cho thấy không có bất kì tác động tích cực nào”.

Báo cáo nhấn mạnh rằng việc mua bán hàng hóa trực tuyến có thể giúp giảm lượng phát thải cacbon, nhưng chỉ trong những điều kiện thích hợp nếu nó thay thế 3,5 lần đi mua sắm truyền thống hoặc 25 đơn đặt hàng được giao mỗi lần hoặc khoảng cách từ nhà đến siêu thị lớn hơn 50 km.

Giáo sư Phil Blythe nói “Báo cáo của chúng tôi gửi hai thông điệp quan trọng tới các nhà hoạch định chính sách. Thứ nhất, biến đổi khí hậu là sự đe dọa đến hành tinh của chúng ta nên chúng ta không phải ồ ạt đưa ra các nhiệm vụ mà nó đem lại các hiệu ứng phản tác dụng. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách phải làm việc ở nhà để hiểu rằng những lợi ích tích cực của các sáng kiến trong chính sách của họ chỉ đơn giản là chuyển lượng phát thải cacbon từ nơi này đến nơi khác mà thôi”.

Cùng với những lợi ích mà phương thức này mang lại, người tiêu dùng cũng đã và đang phải đối mặt với những mặt trái của việc mua sắm trực tuyến, mà những mặt trái này không chỉ gây ảnh hưởng về kinh tế mà đôi lúc còn có khả năng gây ảnh hưởng về nhiều mặt khác đối với người tiêu dùng như tinh thần, sức khỏe, uy tín...

Khi tham gia mua sắm trực tuyến người tiêu dùng cần lưu ý là bản chất của mua sắm trực tuyến rất khác với giao dịch thương mại thông thường. Với hình thức mua sắm trực tuyến người bán, người mua không có sự gặp mặt trực tiếp, người mua không trực tiếp “sờ” vào  hàng hóa, dịch vụ mà chỉ đánh giá trên cơ sở thông tin do người bán hoặc các chủ thể khác cung cấp.

Các yếu tố khác như thanh toán, bảo hành, trả hàng, hoàn tiền, khiếu nại và xử lý khiếu nại… cũng rất khác. Vì vậy, điều đầu tiên nên xuất hiện trong đầu bạn chính là phải nhận thức được sự khác biệt của phương thức này.

Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương lưu ý trước khi mua, cần hiểu rõ về hàng hóa, dịch vụ và giao dịch, đặc biệt là phải đọc và hiểu rõ về các điều kiện và điều khoản để thực sự hiểu được bạn đang mua một hàng hóa, dịch vụ mà tại đó không có sự giấu giếm thông tin về giá cả, chất lượng hay kèm theo những sự hạn chế nào đó.

Một thực tế hiện nay là rất nhiều người tiêu dùng “ngại” đọc và tìm hiểu mà chỉ đơn giản lựa chọn click “OK”, “Yes”, “Next” hoặc bấm nút chấp nhận giao dịch mà không thực sự hiểu các điều khoản, điều kiện kèm theo. Điều này rất dễ dàng đưa đến những rủi ro trong tương lai mà người tiêu dùng không thể lường trước được.

Một lời khuyên của hầu hết các chuyên gia mua sắm trực tuyến và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là hãy làm rõ bất cứ điều gì người mua muốn về dịch vụ sản phẩm trước khi mua. Đó có phải là sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng, có dịch vụ được chứng nhận bởi các tổ chức ngành nghề không?

Dịch vụ giao nhận hàng hóa như thế nào, phương thức giải quyết ra sao nếu sản phẩm bị thất lạc, bên bán có nhận trả lại hàng hóa không, trong thời gian bao lâu, có mất phí đóng gói khi trả lại sản phẩm không, dịch vụ sửa chữa, bảo hành như thế nào...và lưu những thông tin này lại.

Nếu bạn nghi ngờ hoặc phân vân về bất kỳ điều gì, đừng ngại ngần kiểm tra và so sánh. Nếu bạn nghi ngờ giá hàng hóa là quá cao hoặc chương trình khuyến mại là gian dối về giá cả, hãy gõ tên sản phẩm kèm theo các từ khóa vào công cụ tìm kiếm, sẽ rất dễ dàng để bạn có các thông tin so sánh về giá cả và chương trình khuyến mại từ các nhà cung cấp sản phẩm khác hoặc tương tự.

Bạn phải lưu ý là nhà cung cấp bao giờ cũng cố gắng làm nổi bật những ưu điểm của hàng hóa, dịch vụ và giao dịch mà sẽ cố gắng (hoặc cố tình) không đề cập đến những thông tin không có lợi. Ví dụ như sẽ nhấn mạnh yếu tố về giá mà “lờ” đi sự hạn chế trong điều kiện bảo hành hoặc chế độ trả hàng – hoàn tiền… Vì vậy, nếu nghi ngờ bất kỳ điều gì hãy kiểm tra.

Nếu người bán yêu cầu bạn cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch, hãy lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra. Người bán chỉ cần nhận được đúng số tiền bạn trả cho việc mua hàng hóa dịch vụ. Việc yêu cầu mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin nhạy cảm khác là dấu hiệu rất rõ ràng cho những hành vi ăn cắp, lừa đảo.
 
Theo Khánh Ly (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 2406