Mùa hè xanh... sống xanh
Mua đồ ăn sáng không dùng túi ni lông, mang theo túi vải đi chợ, các tình nguyện viên tự trang bị bình đựng nước uống, cùng thanh niên địa phương thực hiện dọn rác... những việc làm trên đều được các tình nguyện viên và người dân địa phương hưởng ứng rất nhiệt tình.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tái chế lốp xe tải thành các mô hình sân chơi cho thiếu nhi
Ảnh: Yến Phượng
Sống xanh và lan tỏa sống xanh là điểm chung của các sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh TP.HCM năm nay đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.
Vũ Hồng Phước Lộc, đội trưởng đội hình tình nguyện của sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tại địa bàn Bến Tre, vui mừng chia sẻ về một trong những thành quả đáng tự hào mà đội hình làm được sau gần 1 tháng đóng quân trên địa bàn.
Cùng người dân sống xanh
"28 ngày sống xanh chỉ là thời gian cụ thể, nhưng những gì mà chiến dịch tình nguyện hè mang đến như một làn sóng và từ đó hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường cho người dân cũng như chính các tình nguyện viên" - VŨ HỒNG YẾN PHƯỢNG Đội trưởng đội hình sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Chuẩn bị trở về sau 1 tháng gắn bó với người dân ở H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre, các tình nguyện viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM không khỏi luyến tiếc. Khi người viết hỏi “điều khiến các bạn nhớ và ấn tượng nhất trong mùa hè tình nguyện này là gì?”, Lộc chia sẻ: “Là các cô chú ở địa phương đã tự biết phân loại rác tại nguồn, là những cô bán hàng ngoài chợ bảo rằng từ nay sẽ hạn chế dùng túi ni lông, là những em nhỏ biết cách tái sử dụng để hạn chế rác thải, hay đơn giản là các tình nguyện viên đã hình thành được thói quen không dùng túi ni lông và rác thải nhựa…”.
Lộc kể trong suốt chiến dịch, các hoạt động trọng tâm của đội hình là tuyên truyền và lan tỏa lối sống xanh. Sinh viên tình nguyện tổ chức những ngày hội về môi trường, tại đó có những gian hàng do các bạn sáng tạo để học sinh, sinh viên và người dân địa phương có thể tìm hiểu các kiến thức về môi trường thông qua những trò chơi, cuộc thi và đặc biệt là được trải nghiệm làm các mô hình tái chế rác thải.
“Điều đặc biệt hơn là thanh niên tại địa phương đã hưởng ứng nhiệt tình cùng với tụi mình trong thử thách dọn rác trước và sau (chụp hình khu vực trước và sau khi rác được dọn sạch sẽ - NV). Các bạn tham gia rất đông và chia sẻ rộng khắp mạng xã hội, nhờ vậy mà tụi mình đã giải quyết được những bãi rác ở địa bàn”, Lộc chia sẻ.
Hình thành thói quen sống xanh
Tại địa bàn H.Cần Giờ, những ngày này các tình nguyện viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng hăng say cùng thanh niên địa phương thực hiện chiến dịch làm sạch bãi biển. Ngoài ra, tận dụng thế mạnh chuyên môn sư phạm, trong các buổi dạy xóa mù chữ cho người dân, các tình nguyện viên lồng ghép nhiều câu chuyện, chuyên đề về cách thức bảo vệ môi trường, phân loại và tái sử dụng rác thải.
Tại TT.Cần Thạnh (Cần Giờ), các tình nguyện viên thu thập các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng hoặc bỏ đi như: lốp xe tải, chai nhựa… để vệ sinh, sơn sửa và thực hiện các sân chơi cho thiếu nhi.
“Với những lốp xe tải bị vứt bỏ, tụi mình sơn sửa, tạo hình những con vật mà các em nhỏ yêu thích như Doremon, Minion hay các chú ếch… Đi kèm với đó, tụi mình tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh cách tái chế rác thải thành những vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, đội hình Nét vẽ xanh của tụi mình cũng đã hoàn thành những mảng tường vẽ với chủ đề tuyên truyền bảo vệ môi trường…”, Vũ Hồng Yến Phượng, đội trưởng đội hình sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại H.Cần Giờ, nói.
Đội hình tình nguyện của Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng hưởng ứng chiến dịch lan tỏa lối sống xanh bằng các hoạt động như xây dựng và bàn giao 3 mô hình “Finding Goby - Bống ăn rác” cho 3 xã tại H.Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Kiên Giang. Thực hiện đề án “We Go Green” thông qua chuỗi chương trình xây dựng khuôn viên nhà trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng văn hóa phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định, tổ chức các ngày hội môi trường, phối hợp cùng địa phương thực hiện các công trình trồng cây, trồng hoa… Ấn tượng hơn là các bạn tổ chức cuộc thi 10.000 bước chân tình nguyện, thông qua đó khuyến khích thói quen đi bộ để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường.
“28 ngày sống xanh chỉ là thời gian cụ thể, nhưng những gì mà chiến dịch mang đến như một làn sóng và từ đó hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường cho người dân cũng như chính các tình nguyện viên. Điều này thật sự rất ý nghĩa và cũng là điều khiến tụi mình hạnh phúc nhất trong suốt chiến dịch”, Yến Phượng bày tỏ.