Mùa Hè năm nay sẽ đến muộn và không gay gắt như năm 2021
5/16/2022 7:01:00 AM
Nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Nhiệt độ các tháng này thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C.
Có 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta
Theo dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến các tháng đầu mùa đông năm 2022, xác suất khoảng 55-65%.
Do vậy, từ tháng 5-7/2022, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), sau đó từ tháng 8-11/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN.
Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn). Tuy nhiên, cần đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.
Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7-9/2022.
Nắng nóng không gay gắt như năm 2021
Dự báo, khu vực Bắc bộ, nhiệt độ trung bình tháng 8-9/2022 cao hơn 0,5-1 độ C so với TBNN, những tháng khác phổ biến thấp hơn thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN.
Khu vực Trung bộ: Tháng 6 và tháng 11/2022 thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN; từ tháng 7-10/2022 cao hơn từ 0,5-1 độ C so với TBNN, riêng Bắc Trung bộ trong tháng 7 và tháng 10/2022 phổ biến xấp xỉ so với TBNN.
Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ: Tháng 6 và tháng 10/2022 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, từ tháng 7-10/2022 cao hơn 0,5-1 độ C so với TBNN, tháng 11/2022 thấp hơn 0-0,5 độ C so với TBNN.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, nắng nóng ở Bắc bộ và Trung bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Đáng nói, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm trong khoảng tháng 10, tháng 11/2022.
Theo chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 ở khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên trong năm nay, khu vực này đón đợt nóng đầu tiên vào cuối tháng 4.
“Các phân tích trên cho thấy nắng nóng năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng”, đại diện cơ quan khí tượng cho biết.
Chuyên gia cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là thời tiết trong các tháng đầu mùa hè tại miền Bắc chịu chi phối bởi trạng thái La Nina (nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương ở pha lạnh) với xác suất 50-60%.
Đến tháng 6 và tháng 7, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương khả năng tăng dần và chuyển trạng thái trung tính. Vì vậy, hai tháng tới sẽ là cao điểm của nắng nóng ở miền Bắc nhưng các đợt nóng không gay gắt và kéo dài như cùng kỳ năm 2020.
Trong mỗi đợt nắng nóng, khu vực vùng núi Trung Bộ và phía Tây Bắc vẫn là những vùng tâm nóng và có khả năng xảy ra các điểm nắng nóng cực trị trên 40 độ C vì ở đây ngoài tác động của vùng thấp nóng còn có thêm ảnh hưởng của hiệu ứng gió phơn”.
Hà Lan
(KInh tế môi trường)
Lượt xem : 1624