Một vài ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành
4/2/2022 9:50:00 PM
(VACNE) – Như tin đã đưa, tại Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” được diễn ra tại Hội trường Tân Trào của Quốc hội ngày 31/3/2022, Đại diện VACNE, PGS.TS Phùng Chi Sỹ , Phó Chủ tịch Hội đã tham dự và trình bày báo cáo tham luận
Báo cáo của VACNE đã nêu trúng được những vấn đề thực tiễn, đòi hỏi cần được nghiên cứu giải quyết ngay để góp phần thực hiện tốt Luật Quy hoạch hiện hành theo đánh giá của đại biểu tham dụ Hội thảo.
Xin đăng tải toàn văn báo cáo và chia sẻ cùng Quý vị:
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch VACNE báo cáo tại Hội thảo
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 đã được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2019, bao gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục : Danh mục 39 quy hoạch ngành quốc gia (Phụ lục I), Danh mục 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (Phụ lục II), Danh mục 25 bộ luật, luật có quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung (Phụ lục III).
Từ khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực đến nay, đã có nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn khẳng định những lợi ích mà Luật mang lại như: tích hợp quy hoạch, sửa đổi bổ sung 25 bộ luật, luật đã ban hành đảm bảo không có sự chồng chéo giữa các luật với nhau, cũng như giữa các quy hoạch với nhau… Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Luật đã và đang bộc lộ một số vấn đề liên quan đến quy trình, phương pháp và nội dung quy hoạch.
Thực hiện yêu cầu tại Công văn số 81/ĐGS-KT ngày 11/3/2022 của Đoàn Giám sát của Quốc hội khoá XV và Công văn số 150/ LHHVN-TVPB ngày 18/3/2022 của Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam về việc nghiên cứu viết báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lục thi hành.
Bài viết này sẽ trình bày một vài ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành.
2. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ
2.1. Về cách tiếp cận và quy trình lập quy hoạch:
Hệ thống kế hoạch hóa của Việt Nam được trình bày tại sơ đồ hình 1. Theo sơ đồ này thì quy hoạch chỉ là một khâu trung gian trong hệ thống kế hoạch hóa. Quy hoạch có nhiệm vụ cụ thể hóa chương trình nghị sự, lộ trình/tầm nhìn, chiến lược, nhưng quy hoạch lại tổng quát hóa kế hoạch, dự án. Đây là các khâu trong hệ thống kế hoạch hóa. Hay nói cách khác muốn xây dựng quy hoạch thì trước hết phải xây dựng chương trình nghị sự, lộ trình/tầm nhìn, chiến lược, vì quy hoạch phải dựa vào chương trình nghị sự, tầm nhìn/lộ trình, chiến lược. Mặt khác, quy hoạch sẽ tạo tiền đề, định hướng cho thực hiện các kế hoạch cụ thể, các dự án cụ thể. Cho đến nay Quốc hội mới tạo hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch thông qua ban hành Luật Quy hoạch năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ sở pháp lý nào nói rõ sự khác biệt giữa chương trình nghị sự, lộ trình/tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án. Trên thực tế, giữa các khâu trong hệ thống kế hoạch hóa này chỉ có sự khác biệt về khoảng thời gian của văn bản (kỳ lập kế hoạch hóa) và độ chi tiết của văn bản kế hoạch hóa. Tuy nhiên, đến nay chúng ta cũng chưa có văn bản pháp lý nào phân biệt một cách rõ ràng sự khác biệt giữa các khâu trong hệ thống kế hoạch hóa.
Hình 1. Hệ thống kế hoạch hóa của Việt Nam
Chúng ta đã biết kỳ của của một chương trình nghị sự (Agenda 21) là cả thế kỷ 21 (100 năm), chúng ta biết kỳ quy hoạch theo Luật quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm, chúng ta chấp nhận là kỳ của dự án là hàng năm (1 năm), nhưng đến nay chưa thấy có văn bản pháp lý nào quy định về kỳ của tầm nhìn (có phải 30 năm, tầm nhìn 40-50 năm không ?), kỳ của chiến lược (có phải 20 năm, tầm nhìn 30-40 năm không ?), kỳ của kế hoạch (Có phải 5 năm, tầm nhìn/định hướng 5-10 năm không?). Đến nay, ngoài quy định về mức độ chi tiết (nội dung) của một quy hoạch trong Luật quy hoạch và nội dung một dự án đầu tư trong Luật đầu tư, thì chưa có văn bản nào hướng dẫn về mức độ chi tiết của một Agenda 21, lộ trình/tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch.
Trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam chúng tôi cũng chưa thấy có văn bản pháp lý nào quy định cấp nào hay tất cả các cấp phải ban hành chương trình nghị sự, lộ trình/tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án. Trước kia, đã có văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thông tư hướng dẫn số 01/2005/TT-BKH ngày 09/3/2005, Công văn số 3953/BKH-KHGDTN&MT ngày 14/6/2005) hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương ban hành Agenda 21 của bộ ngành, địa phương mình. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít (có thể tính trên đầu ngón tay) số bộ, ngành, địa phương ban hành Agenda 21 của bộ, ngành, địa phương. Gần đây, theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả các địa phương đang xây dựng quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một số bộ/ngành cũng đang xây dựng quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến hoạt động của ngành mình (Ví dụ : Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia). Hiện nay, để phục vụ cho công tác quản lý của bộ, ngành, địa phương, một số quy hoạch thường được lập trước khi ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 nhưng không được quy định trong Luật quy hoạch năm 2017 được lập dưới dạng “Đề án” (Ví dụ : Đề án xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường hay Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn). Có nhiều địa phương lập quy hoạch trước, lập chiến lược sau hay lập kế hoạch trước quy hoạch sau. Tình trạng quy hoạch cấp thấp (ví dụ cấp tỉnh) lập trước quy hoạch cấp cao hơn (ví dụ : cấp quốc gia, cấp vùng) vẫn xẩy ra thường xuyên tại Việt Nam. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch.
Theo Luật Quy hoạch 2017, Quy hoạch tỉnh là “quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn” (Khoản 8, Điều 3 của Luật Quy hoạch). Từ khoảng tháng 04-05/2020 đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tiến hành lập quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, thì “thời gian lập quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt”. Như vậy, đến khoảng tháng 6/2022 thì tất cả các địa phương phải hoàn thành quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt. Do quy hoạch tỉnh là “quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh”, điều này có nghĩa là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng phải được lập trước, sau đó mới lập quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng hoặc chưa được lập, hoặc đang lập song song với quy hoạch tỉnh. Điều này thể hiện sự bất cập trong cách tiếp cận lập quy hoạch : Tiếp cận từ dưới lên hay từ trên xuống. Điều này cũng thể hiện sự bất cập trong quy trình lập quy hoạch : Lập quy hoạch cấp tỉnh trước hay cấp vùng hay cấp quốc gia trước. Về nguyên tắc thì cách tiếp cận lập quy hoạch phải từ trên xuống, có nghĩa là phải lập quy hoạch tổng thể quốc gia trước, sau đó lập quy hoạch vùng và cuối cùng là lập quy hoạch tỉnh.
Như vậy, căn cứ lập quy hoạch theo Điều 20, Luật Quy hoạch năm 2017 thực chất cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được.
2.2. Về tích hợp quy hoạch/Quy hoạch tích hợp:
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, thì tất cả 7 loại quy hoạch bao gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đều là quy hoạch tích hợp hay tích hợp tất cả các quy hoạch/phương án về phát triển kinh tế xã hội, tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu. Ví dụ: Theo Khoản 2, Điều 27, Luật Quy hoạch 2017 nội dung quy hoạch tỉnh bao gồm 10 phương án : Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Phương án phát triển mạng lưới giao thông, Phương án phát triển mạng lưới cấp điện, Phương án phát triển mạng lưới viễn thông, Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, Phân bổ và khoanh vùng đất đai, Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Về cấu trúc và nội dung của báo cáo quy hoạch tích hợp phải đề cập đầy đủ từng nội dung liên quan đến các phương án nêu trên, bao gồm đánh giá hiện trạng, dự báo, xác định vấn đề cấp bách, mục tiêu, chương trình dự án, giải pháp thực hiện, phân công thực hiện, giám sát thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế quy hoạch còn thiếu tính tích hợp, gắn kết giữa các phương án được tích hợp hay mới chỉ dừng lại ở mức độ ghép cơ học các phương án với nhau, thậm chí còn có sự mâu thuẫn giữa các nội dung của các phương án (Ví dụ : có sự mâu thuẫn giữa phân vùng không gian phát triển với phân vùng môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Bên cạnh đó, theo Luật Quy hoạch năm 2017, thì “Tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”. Điều đó có nghĩa các ngành, lĩnh vực khác có liên quan cần phải được nghiên cứu, dự báo, xác định các vấn đề cần giải quyết, xác định mục tiêu, từ đó đề xuất các giải pháp, phương án phát triển đồng bộ cùng với quy hoạch nói chung và quy hoạch tỉnh nói riêng. Đây là thách thức rất lớn khi triển khai thực hiện quy hoạch các cấp do gặp nhiều khó khăn khi đánh giá tính đồng bộ của các ngành, lĩnh vực. Ví dụ, theo khoản 7, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định về quy hoạch sử dụng đất là “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”. Tuy nhiên, Điều 45, Luật Đất đai 2013 lại quy định Quốc hội phê duyệt Quy hoạch đất Quốc gia, Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đang thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020, do vậy để có Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đồng bộ với tích hợp quy hoạch sẽ khó khả thi. Hơn nữa, những vấn đề đó phải do chuyên gia của lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc tỉnh tiến hành đo đạc, phân loại và định hướng sử dụng đất trên cơ sở phối hợp với các phương án tăng trưởng, dự báo các ngành lĩnh vực phát triển để thu hồi, chuyển đổi theo Luật Đất đai. Khối lượng công việc này rất lớn, khó hoàn thành trong vòng 2 năm, để kịp tiến độ thời gian theo Nhiệm vụ lập quy hoạch là tháng 6/2022.
2.3. Về phương pháp lập quy hoạch :
Khi lập quy hoạch nói chung, quy hoạch tỉnh nói riêng cần được dự báo một số mục tiêu trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 đảm bảo tính khả thi, khoa học. Để xác định mục tiêu quy hoạch cho kỳ tiếp theo thường phải dựa trên báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch thời kỳ trước. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy các chỉ tiêu và mục tiêu đặt ra các quy hoạch kỳ trước thường quá tham vọng và không sát với thực tế. Phương pháp dự báo trước đây của các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thường dựa trên mô hình tuyến tính của thời kỳ trước có xét đến một số mối tương quan và mô hình hồi quy đơn giản theo hàm Harrod - Domar. Tuy nhiên, chính mô hình này về mặt lý thuyết kinh tế cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót về dữ liệu hoặc tăng trưởng không phải quá phụ thuộc vào yếu tố vốn đầu tư. Ngoài ra, để xác định mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch cần phải đối sánh với các chương trình nghị sự 21, tầm nhìn/lộ trình, chiến lược, quy hoạch cấp cao hơn hay cùng cấp, cùng thời kỳ. Tuy nhiên, thực tế các văn bản được sử dụng làm cơ sở để đối sánh các mục tiêu, chỉ tiêu thường chưa có hoặc có nhưng lại khác về thời kỳ.
Một phương pháp khác dự báo mục tiêu tăng trưởng dựa trên dự báo sự đóng góp của các ngành, lĩnh vực quan trọng dựa trên dự báo về thị trường quốc tế, thị trường trong nước và những yếu tố sẽ được đầu tư phát triển trong thời kỳ quy hoạch để tìm ra những số liệu, dữ liệu dự báo. Tuy nhiên, dữ liệu đầu vào phục vụ cho công tác dự báo thường thiếu, hoặc thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống.
Ngoài ra, để xây dựng các mục tiêu hoặc hợp phần của quy hoạch cần áp dụng phương pháp so sánh với những chuẩn mực hoặc những bài học quốc tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn bài học nào, chuẩn mực nào cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và mỗi địa phương là công việc rất khó khăn. Hơn nữa, tình hình phát triển trên thế giới trong những năm qua chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố rủi ro, bất thường như dịch bệnh (ví dụ: dịch covid-19) hay chiến tranh (ví dụ : chiến tranh giữa Nga và Ucraine). Ngoài ra, còn nhiều phương pháp khác mới, hiện đại khác có thể phải sử dụng như: Viễn thám, GIS, mô hình toán … khi lập quy hoạch tích hợp so với thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trước đây. Nhưng trên thực tế, việc đổi mới phương pháp lập quy hoạch tích hợp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu cập nhật, thậm chí không có đủ số liệu đầu vào để áp dụng.
2.4. Về nội dung quy hoạch
Nội dung của từng loại quy hoạch được quy định tại các điều từ 22 đến điều 28, Luật Quy hoạch năm 2017. Bất kỳ quy hoạch hay chiến lược, kế hoạch nào cũng phải bao gồm những nội dung chính như sau : (1). Đánh giá hiện trạng, (2) Dự báo xu hướng, (3) Xác định vấn đề cấp bách cần giải quyết trong kỳ quy hoạch sắp tới, (4). Quan điểm và mục tiêu, (5). Đề xuất các chương trình dự án, (6). Giải pháp thực hiện, (7). Phân công tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện. Về logic thì trình tự thực hiện các nội dung cũng phải theo thứ tự từ (1) đến (7). Sau khi rà soát các nội dung quy hoạch tại các điều 22-28 của Luật Quy hoạch năm 2017 chúng tôi thấy hoặc thiếu nội dung (Ví dụ: Trong nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia còn thiếu các nội dung 3, 7), hoặc sắp xếp nội dung không theo thứ tự nêu trên (Ví dụ: Trong nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia nội dung (2) sắp xếp sau nội dung (4)).
Ngoài ra, theo Nguyễn Thế Vinh (2020), một số nội dung còn thiếu trong quy hoạch tỉnh như sau:
- Thiếu nội dung về an ninh quốc phòng: Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP/2019/NĐ-CP không yêu cầu nội dung về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lập quy hoạch trước đây, thì đây là một trong những nội dung cần có. Cụ thể, khoản 2, Điều 32, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP về việc lấy ý kiến về quy hoạch tỉnh cũng đã nêu rõ: “Trường hợp quy hoạch có liên quan tới biên giới, hải đảo, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, cơ quan lập quy hoạch phải thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về nội dung quy hoạch trước khi gửi lấy ý kiến về quy hoạch”. Điều đó cho thấy, nội dung về quốc phòng an ninh cần phải được quy định trong nội dung của quy hoạch tỉnh.
- Còn có sự mâu thuẫn giữa nội dung liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất: Theo Điều 6 - Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Luật số 35/2018/QH14, ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, thì căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước tiên là quy hoạch tỉnh (cụ thể là theo Điều 40, Luật Đất đai), tức là từ quy hoạch tỉnh để tìm ra định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh, các ngành, lĩnh vực… để xác định nhu cầu và căn cứ xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Điều này rất logic. Tuy nhiên, khoản 7, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP lại quy định việc lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo từng loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Vậy, điều này có trùng lắp các nội dung với Điều 40 Luật Đất đai hay không? Và, như vậy sẽ phải thực hiện quy hoạch tỉnh trước hay thực hiện theo Điều 40, Luật Đất đai trước? Vấn đề này cần có sự giải thích thấu đáo của các cơ quan quản lý nhà nước để giúp cho chủ đầu tư, cũng như các đơn vị tư vấn thực hiện nội dung rất phức tạp này.
- Còn một số nội dung, thuật ngữ còn chưa rõ: Trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh, nhiều nội dung được quy định trong Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP cần được giải thích một cách rõ ràng để các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư căn cứ thực hiện. Ví dụ như điểm c, khoản 1, Điều 28 quy định “các yếu tố, điều kiện của vùng, quốc gia, quốc tế tác động đến phát triển tỉnh”. Câu hỏi đặt ra là sẽ phân tích các yếu tố đó của giai đoạn trước đây hay giai đoạn dự báo sau này? Bởi, các yếu tố quốc tế, quốc gia ảnh hưởng đến tỉnh cũng có thể thay đổi từ quá khứ đến tương lai. Tư vấn thường hiểu rằng, những vấn đề nêu tại khoản 1 sẽ là phân tích các yếu tố liên quan đến thực trạng. Vậy, những phân tích nội dung này ở thời kỳ quy hoạch sẽ được để ở đâu ?. Hoặc tại điểm a, khoản 2 của Điều 28 quy định đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung “khả năng huy động nguồn lực”. Nguồn lực ở đây được hiểu là gì? Và, khả năng huy động đó là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai?. Ngoài ra, còn rất nhiều thuật ngữ, nội dung quy định tại Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP cần được giải thích và hướng dẫn cụ thể hơn.
3. KẾT LUẬN- KIẾN NGHỊ
Những phân tích trên đây cho thấy, Luật Quy hoạch năm 2017 từ khi có hiệu lực đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về khoa học và thực tiễn khẳng định những lợi ích mà Luật mang lại như: tích hợp quy hoạch, sửa đổi bổ sung 25 bộ luật, luật đã ban hành đảm bảo không có sự chồng chéo giữa các luật với nhau, cũng như giữa các quy hoạch với nhau… Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần phải làm rõ như vai trò, vị trí của quy hoạch trong hệ thống kế hoạch hóa; cách tiếp cận và quy trình lập quy hoạch, khó khăn vướng mắc trong quá trình tích hợp các nội dung quy hoạch, phương pháp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch.
Kiến nghị Đoàn Giám sát của Quốc hội khoá XV xem xét những vấn đề trên nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm triển khai có hiệu quả Luật Quy hoạch năm 2017 trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[01]. Luật Quy hoạch năm 2017.
[02]. Nghị định số 37/2019/NĐ-CP
[03]. Nguyễn Thế Vinh (2020). Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017: Còn nhiều thách thức và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện
VP. VACNE
Lượt xem : 2211