Một trong những cây nghiến khổng lồ nhất Việt Nam trở thành Cây Di sản
11/26/2014 9:28:00 AM
(VACNE) - Cây nghiến hơn 1.000 tuổi, chu vi thân tới 9,3 mét, cao hơn 30 mét ở thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai) được chính thức công nhận là Cây di sản Việt Nam vào sáng 25/11/2014.
Đây là một trong số 3 cây nghiến hơn nghìn tuổi và cũng là đại diện cho tập đoàn cây cổ thụ (650 cây Trai và cây Nghiến) mọc trên núi đá từ lâu vẫn được người dân, cùng chính quyền địa phương bảo vệ, được vinh danh Cây Di sản đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam.
Dự buổi lễ công nhận cây nghiến hơn nghìn tuổi là Cây di sản Việt Nam, có TS. Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE), ông Cao Đức Hải, Thường vụ tỉnh Ủy, Trưởng Ban Tuyên Giáo tỉnh Lào Cai; ông Đặng Xuân Phong, Bí Thư và ông Tạ Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà.
Tới dự buổi lễ trọng thể này còn có đông đảo các vị lãnh đạo VACNE, các ban ngành của tỉnh Lao Cai, huyện Bắc Hà và xã Cốc Ly, cùng đông đảo bà con các dân tộc trong vùng.
Phát biểu chào mừng, ông Trưởng Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy Lào Cai bày tỏ vui mừng và khẳng định: đây là sự kiện quan trọng không riêng của Bắc Hà, mà là sự kiện quan trọng của cả tỉnh Lào Cai. Sáng kiến công nhận Cây Di sản của Hội BVTN&MT Việt Nam rất thiết thực và có ý nghĩa trong đời sống xã hội. Việc tổ chức vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa ở Đền Thượng, cho tập đoàn cây Vân Sam, Đỗ Quyên cành thô ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và cây Nghiến khổng lồ bậc nhất Việt Nam ở Cốc Sâm (Bắc Hà) đã mở ra cho Lào Cai một cơ hội phát triển mới. Nó không chỉ nhằm bảo vệ các loài cây quý, mà còn đánh thức tiềm năng và mở ra một hướng phát triển kinh tế, du lịch cho tỉnh. Đặc biệt, vinh danh Cây Di sản, vinh danh nét đẹp bảo vệ rừng còn góp phần tích cực cho việc bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc địa phương..
Sau khi giới thiệu về cây Nghiến Di sản, ông Lò Văn Ngoan, Hạt trưởng Kiểm Lâm Bắc Hà cho biết thêm: cán bộ, nhân viên kiểm lâm và bà con các dân tộc địa phương rất phấn khởi và tự hào khi cây Nghiến quê hương mình được đứng trong hàng ngũ Cây Di sản Việt Nam. Song cũng thấy trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây càng nặng nề hơn. Chính một u bướu lớn trên thân của cây Nghiến này đã bị lâm tặc cưa trộm cách đây không lâu. Đây là phần gỗ có vân xoắn vặn rất đẹp, có thể chế tác thành những vật phẩm mỹ nghệ, phục vụ cho một số ít người giàu có. Nay cây đã trở thành Cây Di sản, được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, thì mọi người dân đều được hưởng, nhất là người nghèo và đồng bào các dân tộc ít người ở địa phương. Vì thế, chúng tôi rất cảm ơn Hội BVTN&MT Việt Nam và hứa sẽ cùng nhau bảo vệ tài sản vô giá này./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 3025