Vietnamese English
Một số góp ý về môi trường đô thị và công nghiệp đối với Dự thảo Báo cáo Đại hội XII

10/21/2015 2:39:00 PM

(VACNE) - Ý kiến góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII của GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam

 

 
GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng,
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam






Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI, ngoài một số câu chữ viết về bảo vệ môi trường lẫn lộn và có tính mờ nhạt trong phần đánh giá tổng quát và trong một số lĩnh vực phát triển của Dự thảo Báo cáo, chỉ  có 2 mục lớn trong Dự thảo Báo cáo viết riêng về  BVMT, đó là Mục II và Mục IX.

 

      Dưới đây là các ý kiến của chúng tôi đóng góp cho Mục II và Mục IX của Dự thảo Báo cáo Đại Hội Đảng XII.

 




1.  
Đối với Mục II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TỔNG QUÁT PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC 5 NĂM 2016 – 2020: Các đoạn viết về Môi trường và Tài nguyên trong “Nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới” và viết về “Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới” như sau:

 

-          Về “Nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới”: trong mục nhiệm vụ tổng quát này có đề ra 12 nhiêm vụ, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “(6) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.  Chúng tôi thấy rằng trong 12 nhiệm vụ tổng quát đặt ra trong 5 năm năm tới thì chỉ có nhiệm vụ thứ 6 này là viết quá ngắn, vẻn vẹn chỉ có 1 câu chung chung, như là 1 khẩu hiệu, không hiểu có khác gì so với tình hình hiện nay và 5 năm qua?. Tôi đề nghị bổ sung và cụ thể hóa hơn, sao cho mục (6) này tương tự như 11 nhiệm vụ khác. Tôi không được phân công về vấn đề này, nên tôi chỉ nêu vấn đề, đề nghị các đồng chí khác góp ý sửa chữa cụ thể; Tôi đề nghị điểm “6” này cần phải viết lại, nó phải là tóm tắt cô đọng các ý tứ cốt lõi của Mục IX- TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN; BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU.

 

-          Về “Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới”: Ý kiến của chúng tôi về Điểm “c- Về môi trường” trong mục “Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới” như sau: Chúng tôi thấy các chỉ tiêu môi trường được nêu ra ở đây còn phiến diện, còn thiếu các chỉ tiêu rất quan trọng, đó là chỉ tiêu về chất lượng môi trường nước và chỉ tiêu về chất lượng môi trường không khí, đó là 2 yếu tố môi trường quan trọng nhất tác động đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng môi trường sống của nhân dân. Ngay về chất thải rắn ở đây cũng thiếu hẳn chỉ tiêu về thu gom và xử lý chất thải rắn có tính phổ biến và bức xúc nhất, đó là chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn.


Vì vậy chúng tôi đề nghị viết lại điểm “c” này (chú ý rằng: các chữ màu đen là giữ nguyên như dự thảo, chữ màu xanh là cần bỏ đi và chữ màu đỏ là cần thêm vào) như sau:

 


“c) Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 80-85% 85 – 90% chất thải nguy hại công nghiệp, 95 – 100% chất thải y tế và 90% chất thải sinh hoạt ở đô thị, 70 % chất thải sinh hoạt ở nông thôn, được xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh môi trường; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý tất cả các nguồn nước thải, tất cả các nguồn nước thải lớn ở các đô thị đều được xử lý đạt qui chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; tất cả các nguồn khí thải của các khu- cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất lớn nằm ngoài khu- cụm công nghiệp, và 90% nguồn khí thải giao thông ở đô thị, đều được xử lý đạt qui chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%”.

 

 

2.  Đối với Mục IX- TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN; BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG; CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, chúng tôi kiến nghị sửa chữa (chú ý rằng: các chữ màu đen là giữ nghuyên như dự thảo, chữ màu xanh là cần bỏ đi và chữ màu đỏ là cần thêm vào) như sau:

 

1- Tình hình

Nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên, khai thác và quản lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên và đã thu được một số kết quả bước đầu quan trọng. Vai trò BVMT của cộng đồng đã được nâng cao. Nhà nước và các cơ quan quản lý đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách quản lý và tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực này. Cơ chế chính sách, pháp luật về BVMT đã được hoàn thiện hơn. Chất lượng môi trường có nơi, có lúc đã được cải thiện, điển hình như là chất lượng môi trường không khí ở TP Đà Nẵng đã tốt hơn, ô nhiễm nước sông Thị Vải đã giảm đi rõ rệt, khoảng 70% các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính Phủ đã được xử lý triệt để. Không ít sản phẩm công nghiệp được gắn nhãn sinh thái, nhãn môi trường, công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Đã thành lập được các cơ quan nghiên cứu và dự báo, quản lý rủi ro. Hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh; đã tham gia nhiều tổ chức của thế giới về các lĩnh vực này.

 

Tuy  vậy ô nhiễm môi trường ở nước ta, nhìn chung vẫn có chiều hướng gia tăng, mức độ ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất và chất thửi rắn ở hầu hết các đô thị trung bình và lớn và ở nhiều KCN, CCN đều ở mức đáng lo ngại, cá biệt còn ở mức báo động. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm như trên, nhưng nguyên nhân chủ quan chủ yếu là ý thức và nhận thức về BVMT của mọi người còn thấp, sự yếu kém và tinh thần trách nhiệm trong quản lý tài nguyên và môi trường của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý tài nghuyên và môi trường chưa áp ứng yêu cầu.  

 

Tuy nhiên, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt.

Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại còn chậm. Đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ và đời sống nhân dân. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; chưa rõ trọng tâm, trọng điểm và nguồn lực thực hiện. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

 

2- Phương hướng, nhiệm vụ

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn. Tài nguyên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, phải được đánh giá đầy đủ, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới. Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do chủ quan con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Bảo vệ môi trường tự nhiên vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển bền vững. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng huỷ hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Đảm bảo sự hài hoà giữa môi trường tự nhiên với môi trường sống ở các khu công nghiệp, đô thị, dân cư. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên. Tăng cường phổ biến pháp luật và tuyên truyền trong xã hội về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tích cực hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2020, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính.

 

Về quản lý tài nguyên

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển. Từng bước xác định, đánh giá các giá trị, thiết lập tài khoản, hạch toán trong nền kinh tế đối với các loại tài nguyên quốc gia. Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu. Đối với loại khoáng sản chiến lược đặc thù như than, dầu khí,... cần có chính sách cụ thể, cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp. Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia. Kiểm soát các hoạt động khai thác; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính huỷ diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là vùng gần bờ. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

 

Về bảo vệ môi trường

Nâng cao vai trò tham gia BVMT của cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý môi trường của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý môi trường từ trung ương tới các địa phương, cơ sở. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.  Chấm dứt tình trạng phát triển nóng quy hoạch đô thị chỉ vì tăng dân số đô thị để được nâng cấp đô thị. Cần phải phát triển hạ tầng kỹ thuật BVMT đô thị đi trước một bước so với phát triển đô thị.  Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên. Hạn chế tiến tới khắc phục căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, các lưu vực sông, không để phát sinh thêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đẩy mạnh xã hội hoá cùng với việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình trọng điểm phục hồi môi trường dân sinh. Phấn đấu đạt 100% các chỉ tiêu môi trường đến năm 2020 đã được xác định tại điểm “c” trong Mục II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TỔNG QUÁT PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC 5 NĂM 2016 – 2020 ở trên.

 

Về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư thích đáng cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, duyên hải miền Trung, trước hết là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính.

 

 

Lượt xem : 2638