Vietnamese English
Một số giải pháp của LHH KHKT VN nhằm nâng cao năng lực tham gia hoạt động TVPBXH trong lĩnh vực BVMT và PTBV

12/26/2022 8:41:09 AM

(VACNE) - Tham luận của Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam tại Hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên” ngày 22/12/2022.

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỦA LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tiến sỹ Trần Văn Miều

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam


tm-img-alt


1. Đặt vấn đề

 

Đảng và Nhà nước ta xác định, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam tập trung vào phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đó là ba trụ cột trong tam giác phát triển bền vững của nước ta trong những năm tới.

 

Các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động môi trường cho rằng, đó là định hướng đúng đắn, có tính thời đại và có trách nhiệm của Việt Nam đối với phát triển bền vững trên phạm vị toàn thế giới. Bởi vì, bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ ngôi nhà chung của loài người, đó là trách nhiệm chung của các nước, các tổ chức quốc tế và mọi người dân cùng chung tay bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi, trong lành, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc.

 

Đảng và Nhà nước ta đã cam kết với Nhân dân và cộng đồng quốc tế “Không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế”, “bảo vệ môi trường cho hôm nay, cho mai sau và cho mãi mãi sau này”.

 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ba trụ cột trong phát triển bền vững của Việt Nam có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thống nhất cao, bổ sung cho nhau, tạo thành mục tiêu chung quan trọng. Có thể nói, phát triển bền vững của Việt Nam như con chim đại bàng, vạm vỡ, đang xải cánh, chuẩn bị bay cao và bay xa. Thân chim đại bảng là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một cánh là phát triển xã hội hài hòa, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc và một cánh là bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thiếu một cánh, hoặc một cánh yếu hoặc một cánh bị tổn thương thì con chim đại bàng đó không thể cất cánh bay cao, bay xa được. Cũng như vậy, trong quá trình phát triển đất nước, nếu chỉ xem trọng phát triển kinh tế, mà xem nhẹ phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thì nền kinh tế nước ta phát triển không bền vững.

 

Để bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững cần áp dụng nhiều giải pháp có tính khả thi: (i) Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường; (ii) Tuyên truyền phổ biến luật pháp để mọi người dân biết, hiểu và thực hiện, trong đó có Điều 43, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”; Khoản 1, Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân và Khoản 2, điều này: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển”.

 

Như vậy, bảo vệ môi trường thiên nhiên trong lành là quyền lợi của mọi người dân và là trách nhiệm của mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, gia đình và cá nhân.

 

Thời gian qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động để nâng cao năng lực tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc như: Hội nghị, hội thảo, diễn đàn, biên soạn các ấn phẩm, mở lớp tập huấn…Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam còn chưa đáp ứng nhu cầu của đội ngũ cán bộ của các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc.

 

Phân tích như trên để thấy rõ, chủ trương của Liên hiệp Hội Việt Nam tăng cường hơn nữa việc nâng cao năng lực tham gia tư vấn, phản biện xã hội đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là cần thiết và cấp thiết; góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tham gia phát triển Việt Nam hùng cường.

 

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc

 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến năng lực tham gia tư vấn, phản biện xã hội của các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Trong chuyên đề này, chúng tôi chỉ phân tích làm rõ một số yếu tố sau:

 

2.1. Bối cảnh quốc tế và trong nước

 

2.1.1. Bối cảnh quốc tế

 

Các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế đều hướng đến hoạt động chung nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị thượng đỉnh (COP) bàn về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2022 (tiếng Anh: 2022 United Nations Climate Change Conference), thường được biết đến nhiều hơn với tên viết tắt COP27 là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 27. Hội nghị được tổ chức tại Sharm el-Sheikh, Nam Sinai, Ai Cập từ ngày 6 đến ngày 18/11/2022.

 

Đây là Hội nghị các bên (COP) lần thứ 27 trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), cuộc họp thứ tư của các bên tham gia Thỏa thuận Paris năm 2015 (CMA1, CMA2, CMA3, CM4) và cũng là cuộc họp thứ 17 của các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP17).

 

COP27 với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.

 

2.1.2. Bối cảnh trong nước

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra định hướng phát triển quan trọng: “đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta khuyến khích phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số và thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

 

Để bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng lối sống xanh. Tại Hội nghị thượng đỉnh COP27, Việt Nam đã cam kết thực hiện: (i) Cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế; (ii) Tiếp nối thành công của COP26, Việt Nam tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; (iii) Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng.

 

 Việt Nam đã gửi thông điệp tại COP26, đó là cam kết có trách nhiệm để thực hiện mục tiêu “Net Zero” – Đưa phác thải dòng về không vào năm 2050.

 

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

 

3.1. Tuyên truyền làm cho đội ngũ cán bộ hiểu và thấm nhuần khát vọng xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh gắn bó như máu thịt với cảnh quan, môi trường thiên nhiên trong nước và nước ngoài, sự gắn bó đó đã hình thành lên tình yêu sâu đậm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Tình cảm đó đã truyền năng lượng tích cực và cảm hứng sáng tạo để hình thành nên khát vọng xanh – Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xanh tươi bền vững của Hồ Chủ tịch.

 

Khát vọng xanh – Khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam xanh tươi bền vững không chỉ là ý tưởng, ước mơ, hoài bão, ước vọng, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là ý trí son sắt của Người trong tổ chức thực hiện.

 

Khát vọng làm cho Tổ quốc Việt Nam xanh tươi bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kết tinh thành tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên con người, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản của đất nước. Người luôn cho rằng, các loại tài nguyên của Tổ quốc là tài sản vô giá, mọi người dân phải có trách nhiệm vừa xây dựng, vừa bảo vệ để tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững cho hôm nay, cho mai sau và cho mãi mãi sau này.

 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận, một triết gia, triết học, nhà giáo dục, nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động xã hội vĩ đại. Người có những quan điểm minh triết, sáng tạo về mối quan hệ giữa hai yếu tố môi trường sống của con người được thể hiện qua câu nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[1]. Quan điểm trên là sự kết tinh có chọn lọc từ nhận thức, thái độ và hành vi của Người đối với sự phát triển bền vững đất nước. Chính từ sự sát sao, luôn học hỏi, suy ngẫm, triêm nghiệm, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật bất biến về mối quan hệ giữa môi trường thiên nhiên trong lành với môi trường xã hội lành mạnh.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người thường xuyên kêu gọi Nhân dân phải trồng cây vì môi trường thiên nhiên xanh tươi. Khi nói chuyện với thanh niên trong buổi trồng cây tại vườn hoa Thanh niên, Bác Hồ khuyến khích thanh niên: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây” và  Người nói lên khát vọng xanh của mình: "Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội – Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi"[2]

 

Ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác Hồ viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân Dân số 1901. Người khuyên nông dân: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Và “mỗi gia đình nên trồng một bụi tre”[3]. Lời khuyên của Bác Hồ ngắn gọn, ân cần, cụ thể, mà bất kỳ người nông dân nào của nước ta cũng hiểu, cũng có thể làm theo. Trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956, Người chỉ rõ: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển” [4]. Người giải thích rõ “Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả”[5].

 

         

Từ khát vọng xanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng tổ chức phong trào “Tết trồng cây”. Trong toàn bộ những tác phẩm của mình, Người đã nhắc tới cụm từ “trồng cây” 147 lần, “Tết trồng cây” với 46 lần; đặc biệt 5 năm liền Bác Hồ viết 5 bài cùng tên “Tết trồng cây”, với những tư tưởng đặc sắc về lợi ích của việc trồng cây làm cho đất nước xanh tươi.

 

 Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Người viết bài “Tết trồng cây”: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho Tết trồng cây"[6] . Người phân tích “Mỗi tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”[7].

 

3.2. Đảm bảo các yếu tố nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

 

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn của chúng tôi chỉ ra rằng, nâng cao năng lực tham gia tư vấn và phản biện xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là sản phẩm cuối cùng, là đầu ra của hoạt động. Tức là công tác ấy phải làm cho đội ngũ cán bộ được biết, được hiểu, được thảo luận, vận dụng được kiến thức vào thực tiễn và tuyên truyền vận động người khác làm theo.

 

Những yếu tố ảnh hưởng, bao gồm:

 

3.2.1. Nguồn lực phục vụ

 

Nguồn lực phục vụ công tác nâng cao năng lực tham gia tư vấn và phản biện xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bao gồm: (i) Lực lượng làm công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, bao gồm: các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nhân,  giáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên, cán bộ các đoàn thể nhân dân…; (ii) Cơ chế và chính sách khuyến khích Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện việc nâng cao năng lực; (iii) Kinh phí, máy móc và tài liệu đảm bảo cho hoạt động nâng cao năng lực; (iv) Công nghệ và thông tin; (v) Sự phối hợp liên ngành của Liên hiệp Hội và các đơn vị thành viên; (vi) Kinh nghiệm của Liên hiệp Hội và các đơn vị thành viên.

 

3.2.2. Đối tượng được tập huấn nâng cao năng lực

 

Gồm mọi cán bộ có nhu cầu, bao gồm 2 đối tượng chính: (i) Đội ngũ cán bộ đang làm việc tại Liên hiệp Hội, các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc; (ii) Đội ngũ cộng tác viên với Liên hiệp Hội, các hội thành viên và các đơn vị thực thuộc.

 

3.2.3. Chủ đề và nội dung nâng cao năng lực

 

 Bao gồm: (i) Những kiến thức chung về bảo vệ môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trưởng, đảm bảo đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Vai trò của Liên hiệp Hội, các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc đối với công tác tư vấn, phản biện xã hội về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; (iv) Kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện công tác tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

          3.2.4. Phương thức nâng cao năng lực

 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, cần sử dụng đa dạng kênh nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Có thể sử dụng các kênh sau: (i) Trực tiếp: Mở các lớp tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm; (ii) Gián tiếp: Biên soạn tài liệu (sách, sổ tay), thông qua báo trí của Liên hiệp Hội.

 

3.2.5. Khắc phục rào cản của công tác nâng cao năng lực

 

Qua nghiên cứu thực tế, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững  thường gặp phải các rào cản sau: (i) Nhận thức của đội ngũ cán bộ về tầm quan trọng của công tác nâng cao năng lực tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững còn hạn chế; (ii) Đội ngũ cán bộ chưa có thói quen tự học tập; (iii) Lực lượng làm công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vừa thiếu, vừa yếu về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động; (iv) Cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước còn hạn chế đối với công tác phản biện xã hội của Liên hiệp Hội; (v) Thiếu kinh phí, trang thiết bị và tài liệu.

 

Năm yếu tố trên có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau, đều có vai trò quan trọng. Đảm bảo được những yếu tố nêu trên sẽ nâng cao được năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

4. Kết luận và khuyến nghị

 

4.1. Kết luận

 

Trong chuyên đề này, chúng tôi đã phân tích làm rõ, những căn cứ để nâng cao năng lực; một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; một số giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

 

4.2. Khuyến nghị

 

 

Đề nghị Bộ Chính trị mở rộng đối tượng áp dụng trong Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hướng mở rộng đối tượng áp dụng là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong phản biên xã hội và giám sát việc thực hiện./. 

 

 Tài liệu tham khảo

 

[1] Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc (ngày 13/9/1958). Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2002, t. 3, tr. 200.

 

[2] Sách đã dẫn, tr.195.

 

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr.226-227.

 

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr.184.

 

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr.213.

 

[6] Hồ Chí Minh: Tuyển tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội -2002, t. 3, tr.259-260

 

 

[7] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2002, t. 3, tr.259-260

 

Lượt xem : 1053