Một loài cây Di sản, một biểu tượng của Trường Sa đã thành mẫu tem thư
4/4/2016 3:44:00 PM
(VACNE, 4/4) - Bàng quả vuông (Barringtonia asiatica.L.) thuộc họ Lộc vừng (Lecythidaceae) - một loài cây biểu tượng của Trường Sa, đồng thời cũng là một trong những loài đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam, được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam in thành mẫu tem thư và phát hành đúng vào dịp kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa.
Bộ tem Bàng vuông gồm hai mẫu, do họa sĩ Nguyễn Du và Đỗ Lệnh Tuấn thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế với khuôn khổ 43 x 32 mm, có thời hạn cung ứng trên mạng Bưu chính công cộng đến hết năm 2017.
Cây Bàng vuông cổ thụ đầu tiên của nước ta ở đảo Nam Yết, cùng một cây Phong ba ở đảo Song Tử Tây và 2 cây Mù u ở các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, sinh học và cảnh quan môi trường, đã được Hội BVTN&MT Việt Nam xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào tháng 8/2014, theo đề nghị của Cục Chính trị quân chủng Hải quân và UBND huyện đảo Trường Sa.
Đây là loại cây gỗ nhỡ, cao trung bình hơn mười mét, đường kính thân tối đa dưới nửa mét. Lá đơn, mọc cách, thường tập trung ở đầu cành, phiến lá hình trứng ngược, dài từ 20-30cm, rộng từ 10-18cm, cuống lá rất ngắn. Hoa lưỡng tính, màu trắng, thường nở vào ban đêm, cuống hoa dài 3,5-4cm. Quả hình chiếc đèn lồng 4 cạnh, nên có tên gọi là Bàng quả vuông (hoặc Bàng vuông).
Các nhà khoa học cho biết: trong hạt Bàng vuông chứa saponin, terpenoid, tinh bột, dầu béo, acid gallic và barringtonin. Hai saponin chủ yếu được tách ra từ lá, quả, hạt, thân, rễ Bàng vuông đều có tác dụng diệt vi nấm và kháng khuẩn. Cư dân một số nơi còn sử dụng lá cây Bàng vuông để sắc lấy nước uống điều trị bệnh đau dạ dày, thấp khớp, chữa u bướu và trị giun. Một số nơi còn sử dụng dầu ép từ hạt Bàng vuông để thắp sáng./.
Văn phòng VACNE.
Lượt xem : 2441