Một cây cổ thụ "thượng thọ" 400 năm tuổi ở Hải Phòng bên miếu cổ thờ một bà Hoàng phi quê Bắc Ninh
12/4/2023 9:25:00 AM
“Đây là một trong số những cây đại hiếm hoi khó tìm ở Hải Phòng, được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhờ vẻ đẹp tự nhiên và tuổi đời lâu năm, đi cùng bao thăng trầm của làng”…
Trải qua hơn 400 năm, cây đại vẫn uy nghi, xanh tốt và hoa lá quanh năm. Người dân ở đây xem cây đại như biểu tượng của làng mình! Trong những vui buồn, cưới hỏi, ra khơi thuở xưa, người làng đều có chút lễ ra trình “cụ”…Đó là cây đại di sản tại miếu cổ An Đà ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Cây đại di sản trường tồn cùng thời gian
Chúng tôi đến miếu cổ An Đà trong buổi chiều ruộm nắng Tháng 5. Miếu cổ nằm bên bờ An Biên hắt nắng rực rỡ.
Bà Phan Thị Bình, Ban quản lý di tích miếu An Đà cho biết: “Đây là một trong số những cây đại hiếm hoi khó tìm ở Hải Phòng, được công nhận là cây Di sản Việt Nam nhờ vẻ đẹp tự nhiên và tuổi đời lâu năm, đi cùng bao thăng trầm của làng”…
Điều kỳ lạ, trải qua bao biến cố, những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom đạn tàn phá, rất nhiều cây cối, làng mạc bị thiêu rụi nhưng khu vực miếu An Đà và cây đại cổ thụ vẫn sừng sững cùng thời gian.
Cây cổ thụ-cây hoa đại cao lớn, tán lá phủ rộng ra xung quanh tại miếu cổ An Đà ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Xung quanh cây đại này có khá nhiều câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng được người dân truyền tai nhau. Thuở xưa, những người đàn ông trước khi ra khơi đều lễ báo như sự xin phép được mùa cá, thuận buồm xuôi gió, bình an trở về.
Trong nhà có tin hỷ sự, dựng vợ gả chồng cũng ra báo “cụ”. Hay như những câu chuyện về các vị thần hiển linh che chở, bảo vệ người lương thiện, giáng trừ cái ác…
Ai có ước nguyện, mong mỏi gì chỉ cần đến miếu An Đà và đứng dưới gốc cây đại thỉnh cầu là được như ý. Không biết những câu chuyện này có thật hay không nhưng tất cả người dân trong làng đều không dám mạo phạm đến “cụ”.
Bà Bình cho biết, người làng xưa nay vẫn gọi cây đại cổ thụ này là “cụ”, vừa là biểu tượng của làng, vừa thân thiết như báu vật trong nhà vậy. Với họ, cây đại là sự bình an, trường tồn và chở che, là một phần hồn làng.
Ngày nay, nếp cũ trình “cụ” vẫn còn giữ nguyên. Thậm chí, các cháu trước ngày đi thi đại học cũng đều ra bẩm “cụ”, như một sự yên tâm và vững tin để bước qua những kỳ thi quan trọng.
Cây đại có đường kính khoảng 1 m, cao 15 m và tán lá tỏa rộng gần 200 m². Thân cây sần sùi nhưng lạ là cành lá xanh tốt.
Dù đã hơn 400 năm tuổi nhưng cây đại vẫn ra rất nhiều hoa, nhìn từ xa như một rừng hoa khổng lồ, vô cùng bắt mắt. Đặc biệt, hương thơm của hoa tỏa ra khắp không gian miếu, thuần khiết mà hiếm nơi nào có được. Vào mỗi đợt hoa nở, người dân đến vãn cảnh và chụp ảnh rất đông.
Dù có tuổi đời hàng trăm năm nhưng cây đại cổ thụ vẫn sai hoa, cành lá sum suê và mang vẻ đẹp hiếm có tại miếu cổ An Đà ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Trước đó, để xác định số tuổi của cây, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử và sinh vật học đã được mời đến miếu An Đà. Theo sử sách, cây đại được cho là có từ thời Lê, số tuổi đến nay là 415 năm. Tháng 10/2015, cây đại này được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Bà Bình cho hay, bà là người của làng, trước đây bà công tác trong ngành Dược, từ khi nghỉ hưu bà vinh dự được người làng tin tưởng giao phó làm thủ từ, trông nom cây và miếu An Đà.
Theo tương truyền, bên dưới gốc cây có bức tượng “ông Hổ đá”, biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và may mắn. Trước đây, vùng đất mà miếu An Đà tọa lạc là một gò đất cao, xung quanh nước ngập mênh mông.
Để cầu may mắn, bội thu trong mỗi chuyến ra khơi, người dân trong vùng trồng một cây đại làm cột tiêu đánh dấu, đồng thời lập một bàn thờ nhỏ ở vị trí gò đất này.
Cũng theo bà Bình, vào các ngày rằm, mồng một và lễ tết, người dân trong vùng đến thắp hương, thờ cúng rất đông, hương khói luôn nghi ngút. Ngoài thắp hương trong miếu, họ cũng đến cầu may mắn, bình an dưới gốc cây đại cổ thụ.
Và đền thờ Thành Hoàng làng
Cách phố Lạch Tray sầm uất vài phút chạy xe hoặc 10 phút đi bộ, miếu An Đà nằm ở đoạn cong duyên dáng của đường quanh hồ An Biên. Vẻ đẹp của ngôi miếu cổ không chỉ ở không gian thanh tịnh, kiến trúc, cảnh quan mà còn ở bề dày lịch sử nghìn năm.
Qua cổng miếu xây kiểu nhất môn, đón khách là hai cây bồ đề và đa cổ thụ, cành lá che rợp con đường, xòe trên mái cổng cổ kính và góc khuôn viên miếu cổ.
Khuôn viên miếu cổ An Đà ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng rộng rãi, bốn mùa cây lá xanh tươi.
Bà Bình cho biết, người làng luôn tin rằng, những vị Thành Hoàng thường hiển hiện linh ứng che chở cho dân, trừ tai, ngăn họa, phù hộ đất nước, vì vậy được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong. Đặc biệt, bức tường bao quanh miếu An Đà còn có những bức phù điêu, tái hiện lại không gian và phong tục tập quán xa xưa của làng An Đà.
Từ cổng miếu nhìn qua hồ bán nguyệt, ngôi miếu uy nghi và trầm mặc nhìn về hướng tây bắc, trông ra hồ An Biên. Miếu có mặt bằng kiến trúc chữ “Đinh”, gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Ngay sau miếu là cây đại cao lớn, vượt cả mái ngôi miếu đang trổ đầy hoa.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, miếu An Đà có từ thời nữ tướng Lê Chân, thờ hai vị thánh mẫu được tôn làm Thành Hoàng làng.
Một vị là tùy tướng của nữ tướng Lê Chân là “Nữ Minh thần Hiển linh” (dân gian không còn nhớ tên húy). Năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi đô hộ Đông Hán, bà theo nữ tướng Lê Chân giúp vua Trưng lập nhiều chiến công. Bà hy sinh trong trận chiến đấu và được an táng tại gò Cao, ấp Đà Cụ, nơi đặt miếu An Đà ngày nay.
Một vị là Hoàng phi Nguyễn Thị Kim, quê ở làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, vợ vua Lê Chiêu Thống.
Năm 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống cùng người thân và tùy tùng chạy sang Trung Quốc, Hoàng phi ẩn náu, giữ kín tung tích suốt 15 năm. Năm 1804, được tin chồng và con trai qua đời, Hoàng phi uống thuốc độc tự tử.
Tương truyền, Hoàng phi sau khi tuẫn tiết đã báo mộng cho dân Đà Cụ được thờ bà. Dân làng tạc tượng, thờ ở miếu và đình làng, thấy linh ứng rất thiêng.
Bà Phạm Thị Bình thông tin thêm, từ lâu, làng An Đà (nay là khu dân cư An Đà thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền) đã kết nghĩa với làng Tỳ Điện (xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), là quê hương của Hoàng phi Nguyễn Thị Kim.
Những dịp lễ hội của làng, hai bên đều tổ chức đến thăm nhau. Đặc biệt, dịp lễ hội 12/10 Âm lịch hằng năm, ngày thánh hóa của bà Hoàng phi, cán bộ xã, thôn, dòng họ Nguyễn Văn tại thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa đều về miếu An Đà giao lưu, dự tế.
Miếu thờ hai vị Thánh mẫu được tôn làm Thành Hoàng ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Miếu An Đà còn có lễ hội vào dịp rằm tháng Giêng để truy tưởng tới vị nữ tùy tướng. Dịp này, có các trò chơi dân gian, vật, hát ca trù, giao lưu với các làng khác…
Cả hai dịp lễ hội trên đều thu hút đông đảo người dân trong vùng, con cháu xa quê, du khách thập phương đến dâng hương tưởng niệm, cầu những điều tốt đẹp.
Sân miếu có bức tường dài đắp 7 bức phù điêu lớn, miêu tả sự nghiệp của hai vị thánh mẫu được thờ trong miếu. Cùng với đó tái hiện lại không gian và phong tục tập quán xa xưa của làng An Đà.
Trải qua biến thiên của thời gian, miếu An Đà vẫn bảo tồn được nguyên vẹn một số hiện vật cổ xưa, văn bia, tập tục thể hiện rõ sắc thái bản địa.
Nhân dân địa phương rất tự hào về miếu cổ An Đà, thành kính gọi miếu là Đền Hai Bà. Miếu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2009.
(Dân Viêt)
Lượt xem : 1212