Bụi, rác vượt chuẩn
Qua thông số của các thiết bị đo đạc, chất lượng không khí thành phố diễn biến khá phức tạp.
Tại các trạm quan trắc ven đường theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, người ta ghi nhận hiện tượng nồng độ các chất ô nhiễm cao hơn so với tại các khu vực khác bởi vì đây là hướng vận chuyển chính của thành phố. Cụ thể, NO2 dao động khá lớn. Đặc biệt đáng chú ý là nồng độ bụi trong không khí tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng cho phép. Tại các giao lộ lớn ở cửa ngõ ra vào thành phố, nồng độ bụi và tiếng ồn luôn đứng ở mức cao còn NO2 thì có xu hướng tăng.
Tại khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp như khu vực quanh Nhà máy thép Thủ Đức và Xi măng Hà Tiên hoặc các khu vực đang được thi công cơ sở hạ tầng tại các khu Trường Chinh - Tân Bình, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Phú Nhuận, cầu Thủ Thiêm - quận 1… nồng độ bụi luôn vượt tiêu chuẩn cho phép!
Bên cạnh ô nhiễm không khí, tình trạng chất thải rắn gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố cũng ở mức báo động. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn thành phố từ năm 2006 đến nay liên tục tăng (năm 2006 tăng 8,6%; năm 2007 tăng 3,2%; năm 2008 tăng 3,7%). Riêng lượng rác thu gom trong 4 tháng đầu năm nay đã vượt hơn 710.000 tấn, gần bằng 50% của năm 2006. Rác sinh hoạt hiện nay của toàn thành phố đã vào khoảng 6.400 tấn/ngày và theo dự báo của Sở TN-MT, đến năm 2010 con số này sẽ tăng lên thành 7.000 - 7.500 tấn/ngày và khoảng 16.000 tấn/ngày đến giai đoạn 2011 - 2020.
Để xử lý khối lượng rác thải khổng lồ này, trước đến nay vẫn chủ yếu dùng công nghệ chôn lấp tại các công trường xử lý rác như Bãi Gò Cát, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi và Khu liên hợp Đa Phước. Gần đây thành phố đã chú ý đến việc đa dạng hóa loại hình xử lý rác, thông qua việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho khâu xử lý. Đến nay thành phố đã chọn được 11 dự án với nhiều công nghệ xử lý khác nhau: tái chế chất thải, làm phân compost, đốt rác chuyển hóa thành điện năng… Nhưng xem ra với khối lượng rác khổng lồ trên thì việc xử lý này quả còn lâu mới đáp ứng được.
Phập phù chất lượng nước
Nguồn nước sông, kênh rạch cung ứng cho nhu cầu của thành phố có chất lượng rất… phập phù. Trên sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt theo dõi trong nhiều năm qua cho thấy đạt tiêu chuẩn nguồn nước mặt loại B. Tuy nhiên, nồng độ Coliform lại vượt từ 1,01 - 15,3 lần so với tiêu chuẩn cho phép! Trong khi đó chất lượng nước tại các trạm quan trắc thuộc khu vực cấp nước đều không đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại A.
Trên hệ thống sông Đồng Nai, chất lượng nước từ thượng nguồn Hóa An đến hạ nguồn Cát Lái đều đạt tiêu chuẩn nguồn nước mặt loại A, nhưng nồng độ DO (oxy hòa tan trong nước), dầu mỡ lại chỉ đạt loại B còn chỉ tiêu Coliform (loại khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột) vượt quá chất lượng tiêu chuẩn loại B từ 2,3 đến 50,2 lần.
Nước kênh rạch nội thành mặc dù các chỉ tiêu COD (oxy hóa học), BOD (oxy sinh học), Coliform… có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Kênh rạch ở ngoại thành thì tình trạng ô nhiễm lại ngày càng gia tăng. Trong đó đáng ngại nhất là tại Suối Cái - Xuân Trường, khu vực Rạch Nước Lên - Sông Chợ Đệm, Rạch Bến Cát, Kênh Ba Bò…
Nước ngầm lại đáng lo ngại hơn. Rất nhiều chỉ tiêu quan trắc nước ngầm thời gian qua đều không đạt chuẩn chất lượng, nồng độ sắt tại các trạm cũng chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại B, độ pH trong nước ngầm tại nhiều khu vực vẫn rất thấp và chỉ xứng tầm chất lượng nước loại C. Mức độ ô nhiễm tập trung nhiều hơn ở ngoại thành với biểu hiện phổ biến là nồng độ nitrat tăng cao đột ngột, đặc biệt tại Đông Thạnh, Gò Cát, Linh Xuân, Trường Thọ, Đông Hưng Thuận và Bình Hưng.
Thiện Nhân
|
Mật độ giao thông càng dày đặc, ô nhiễm không khí càng cao. Ảnh: ĐỨC TRÍ
|
|