Môi trường chỉ được bảo vệ tốt khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng
11/23/2016 3:54:00 PM
(VACNE) - Các đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên tham dự Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội vào công tác bảo vệ môi trường” trong hai ngày 22 và 23/11/2016, tại Đà Nẵng đều phát biểu và nhấn mạnh tới điều này.
Đây là diễn đàn mở, dành cho nhiều thành phần và tổ chức xã hội trong khu vực, do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) và Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức, nhằm thu thập ý kiến, đánh giá vai trò và khả năng tham gia BVMT của các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp BVMT, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu dự Hội thảo bày tỏ sự nhất trí với kết luận và kiến nghị sau nghiên cứu khảo sát của VACNE được trình bày tại Hội thảo. Trong đó chỉ ra những bất cập đang hạn chế các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào các hoạt động BVMT, cho dù ở nước ta đã có nhiều quy định về luật pháp, có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này. Cụ thể là các quyền cơ bản của người dân, của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực BVMT chưa được quy định cụ thể, nhất là quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tham gia đầy đủ; quyền được đảm bảo về thể chế luật pháp và quyền được nâng cao về năng lực.
Qua thực tế tại một số tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhóm khảo sát đã phát hiện nhiều mô hình tốt, cũng như những điểm chưa hợp lý trong mối quan hệ giữa các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong lĩnh vực BVMT ở cơ sở. Cụ thể là các quyền tiếp cận thông tin về tác động môi trường của các dự án trên địa bàn; quyền được tham gia giám sát, phản biện xã hội; quyền tiếp cận những kiến thức mới về KHCN; những quy định về thể chế, luật luật pháp và các quyền: được học hỏi, được tiếp cận nguồn vốn (cả trong nước và quốc tế) dành cho cộng đồng bảo vệ môi trường...Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức chính trị - xã hội ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên vẫn khuyến khích sáng kiến và hỗ trợ xây dựng được nhiều mô hình BVMT. Các mô hình như: “Phân loại rác thải tại nguồn”; “Thanh niên tình nguyện BVMT; “Khu dân cư thân thiện với môi trường”; “Sản xuất phân vi sinh từ rơm ra”, “Sản xuất chất tẩy rửa vi sinh từ rác thải hữu cơ”,“Thu gom rác thải trên các lồng bè nuôi thủy sản ven biển”… ở Khánh Hòa, Quảng Nam. Đà Nẵng, Lâm Đồng; Đăk Lăk được duy trì và nhân rộng, nhờ được sự trợ giúp của các tổ chức chính trị - xã hội.
Nguyên Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng khẳng định: BVMT là một trong những vấn đề sống còn của đất nước, nếu không có sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó có các tổ chức chính trị xã hội, thì các cơ quan nhà nước không làm nổi. Nó chính là nhân tố đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần đảm bảo an ninh xã hội. Vì thế, xây dựng cơ chế, giải pháp để tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội vào công tác bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Bởi các tổ chức chính trị - xã hội có khả năng tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực vào các hoạt động BVMT, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của đất nước phát triển theo hướng bền vững./.
Danh Trường (VACNE)
Lượt xem : 1614