Môi trường ảnh hưởng đến nồi cơm
6/14/2012 2:51:00 PM
(VACNE)-Chưa bao giờ môi trường lại tác động đến nồi cơm, manh áo, và sức khỏe của từng người, từng gia đình và cả xã hội rõ rệt như những năm gần đây – PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa môi trường Đại học Khoa học Xã hội&Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về hiện trạng môi trường Việt Nam ngày càng xuống cấp.
Môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng
Theo ông Hòe, bùng nổ dân số cùng với quá trình di dân, đô thị hóa và hậu quả của tăng trưởng nóng, thậm chí có nơi có lúc tăng trưởng bằng mọi giá đã trực tiếp góp phần làm gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên trầm trọng.
Chỉ nói riêng tác động của biến đổi khí hậu, một trong những thách thức môi trường điển hình ở thế kỷ 21, đến Việt Nam là sự gia tăng các bệnh nhiệt đới như sốt rét, cũng đủ thấy môi trường hoàn toàn không phải là những gì xa xôi với đời sống, không phải là đề tài xa xỉ so với miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Môi trường xuống cấp, xuất hiện những làng ung thư ở Phú Thọ, Nghệ An khiến nguồn chi để khám chữa bệnh gia tăng. Trong khi đó nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại môi trường nước, thực phẩm sản xuất ra không đạt yêu cầu nên không thể xuất khẩu, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tổng thiệt hại kinh tế của Việt Nam do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm khoảng 1,5 – 3% GDP, chưa kể thiệt hại 780 triệu USD để chăm sóc sức khỏe cộng đồng - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết trong một nghiên cứu mới đây nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2012.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên&Môi trường, để tăng 1% sản phẩn quốc nội (GDP) ở Việt Nam, suy thoái môi trường hiện nay làm giảm 1,5% GDP. Nếu lấy GDP nước ta năm 2010 là 102 tỷ USD thì, để tăng 1,02 tỷ USD GDP, suy thoái môi trường làm giảm 1,53 tỷ USD GDP.”
Theo PGS.TS Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường), đô thị hóa nhanh trong bối cảnh thực hiện quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn không tốt, làn sóng di cư từ nông thôn vào đô thị khá nhanh và thiếu kiểm soát. Chính sách khuyến khích đầu tư, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư ở một số địa phương và lĩnh vực cũng đã tạo điều kiện cho việc nhập khẩu những công nghệ lạc hậu; sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và xả thải gây ô nhiễm môi trường.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trung tâm Nghiên cứu Dân số Môi trường&Các Vấn đề Xã hội, cho rằng tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa được đẩy tới một cách thiếu cân nhắc thì môi trường ngày càng bị ô nhiễm, cảnh quan nông thôn càng bị tàn phá khốc liệt.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị ở nước ta đang có xu thế phát sinh ngày càng tăng, tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 10% so với các nước phát triển trên thế giới. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh chủ yếu tập trung ở hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới 8.000 tấn/ngày, chiếm 45,24% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị.
“Những nguồn ô nhiễm đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước mặt, nước ngầm, đất, và không khí, đặc biệt các lưu vực sông chính như sông Cầu, sông Đồng Nai – Sài Gòn, sông Nhuệ - Đáy”, ông Sơn đưa ra dẫn chứng.
Chất lượng cuộc sống suy giảm
Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, một trong những tác động nguy hại nhất của các vấn đề môi trường là làm suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên&Môi trường TP Hồ Chí Minh, hầu hết các loại chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đều được xử lý thiếu bền vững do nhiều lý do, như công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, thiếu kết hợp giữa các trung tâm nghiên cứu và công ty xử lý, nguồn chất thải xử lý không ổn định.
Ông Việt nói: “Những thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trườngdo quá trình phát triển kinh tế và xã hội mang lại trong nhiều năm qua, có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn do nạn ô nhiễm môi trường.”
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy phát triển kinh tế không gắn với bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững, chi phí xử lý ô nhiễm cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.
“Nếu tình trạng này không thay đổi, suy thoái môi trường sẽ dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế”, ông Hòe nói.
Vì vậy, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu đến năm 2020 là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, từng bước tạo điều kiện để chuyển sang nền kinh tế xanh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới tại Quảng Ninh mới đây.
Mạnh Cường
Lượt xem : 1325