Vietnamese English
Mời thầu dự án đất ngập nước và sinh cảnh liên kết

12/7/2015 10:56:00 AM

Từ ngày 3/12 đến ngày 23/12, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Tổng cục Môi trường) phát hành hồ sơ mời thầu Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”.



Ban quản lý Hợp phần Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” thông báo mời thầu gói thầu Dự án bao gồm 03 gói thầu, được thực hiện từ quý IV/2015 đến quý IV/2016 chi tiết như sau:

Gói thầu tư vấn hãng số 1: Cập nhật danh mục kiểm kê đất ngập nước Việt Nam; xây dựng danh sách chi tiết và thiết lập bản đồ kết quả danh mục các khu đất ngập nước quan trọng. Gói thầu tư vấn hãng số 2: Điều tra, khảo sát và đánh giá đa dạng sinh học, kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa phục vụ thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy, Thái Bình.

Bên mời thầu: Ban quản lý Hợp phần Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (Viết tắt là Ban quản lý Hợp phần Dự án đất ngập nước). Địa chỉ: Phòng B201, trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Điện thoại/Fax: 04.3795.6868 (Máy lẻ 3111).

Thiết lập 4 điểm thu gom rác thải điện tử dài hạn tại Hồ Chí Minh

Ngày 4/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam tái chế (Vietnam Recycles) - chương trình thu gom miễn phí các thiết bị điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng, chương trình được tài trợ bởi Apple và HP hợp tác cùng Sở Tài nguyên Môi trường đã công bố bốn điểm thu gom rác thải điện tử dài hạn tại Thành phố Hồ Chí Minh – theo TTXVN.

Các điểm thu gom rác thải này được thiết lập trong sự kiện Tuần lễ Tái chế 2015 diễn ra vào tháng Tư vừa qua, và nay được phát triển thành những địa điểm thu gom rác thải điện tử dài hạn cho người dân thành phố. Đây là một trong những hoạt động thể hiện cam kết mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam tái chế trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam tươi xanh hơn. Đặt tại các quận đông dân cư của Thành phố Hồ Chí Minh, bốn thùng chứa rác thải điện tử được thiết kế chuyên biệt theo quy định số 16 của Chính phủ về thu gom rác thải điện tử, sẽ phục vụ nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc bỏ rác thải điện tử.

223 tỷ đồng xử lý ô nhiễm khu vực Cầu Chùa

Lãnh đạo TP Hội An, Quảng Nam vừa có buổi đối thoại với gần 200 chủ nhân các di tích để lắng nghe ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản văn hóa thế giới. Chính quyền cũng cho biết, trong năm 2015, đã hỗ trợ kinh phí tu bổ 49 di tích, trước mùa mưa, đã cho triển khai chống đỡ 8 di tích và lập dự án chống mối cho 31 di tích.6 di tích thuộc sở hữu cộng đồng cũng đã được người dân tự vận động kinh phí, đóng góp cùng ngân sách để thực hiện tu bổ, tôn tạo.

Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Chính phủ vừa ký thỏa thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu với tổng kinh phí lên đến 223 tỷ đồng. Dự kiến bộ máy này sẽ được triển khai vào năm 2016, năm 2017 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng để giải quyết tình trạng ô nhiễm khu vực này – theo Đại Đoàn Kết.

COP 21: Kết thúc tuần đầu, đàm phán chuyển sang quyết định

Ngày 6/12, đánh giá về tuần đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 30/11 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ các cuộc thương lượng hiện chưa kết thúc và đang bước vào giai đoạn quyết định. Sau tuần đàm phán đầu tiên, các bên đã cơ bản thông qua bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dài 48 trang, rút gọn 1/3 so với văn kiện ban đầu mà nước chủ nhà Pháp đề xuất – TTXVN đưa tin.

Mục tiêu chính vẫn không thay đổi-hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới năm 2100 ở 2 độ C. Tuy nhiên, các bên tham gia COP 21 vẫn chưa thể thống nhất làm thể nào để thực hiện mục tiêu đó. Bởi vậy, có thể mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ giảm xuống là 1,5 độ C theo yêu cầu của nhiều đảo quốc nhỏ, thay vì 2 độ C. Một trong những điểm bất đồng chủ chốt giữa các nước là khoản kinh phí để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh ở các nền kinh tế kém phát triển. Các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh yêu cầu cơ chế phân bổ khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo phải được ghi cụ thể và rõ ràng trong hiệp định cuối cùng.

Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe thiệt hại 11 tỷ USD do thiên tai

Tổ chức Lương - Nông của Liên hợp quốc (FAO) ngày 3/12 cho biết những thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra đối với các vụ mùa và vật nuôi ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong thời gian từ năm 2003 đến 2013 đã lên tới 11 tỷ USD. Theo FAO, trong thời gian trên, tổng cộng có 37 thảm họa thiên nhiên tác động đến 19 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gây thiệt hại cho những nước này tới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó hơn một nửa mức thiệt hại là do lũ lụt gây ra, 30% là do hạn hán và số còn lại là do các cơn bão gây ra.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về sản lượng nông nghiệp do thiên tai. Tiếp đó là Colombia bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt vào các năm 2007, 2010 và 2011, Mexico chịu ảnh hưởng do cơn bão Emily và nạn hạn hán hồi năm 2011 và Paraguay chịu tác động mạnh của hạn hán vào các năm 2011 và 2012. Cũng theo FAO, hiện có tới 1/3 số người dân ở Mỹ Latinh và Caribe sống trong những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai – theo TTXVN.

Ấn Độ hạn chế ôtô tại thủ đô để giảm ô nhiễm môi trường

Nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, chính quyền thành phố quy định từ tháng 1/2016, những xe ôtô tư nhân ở đây chỉ được luân phiên chạy trên đường phố theo ngày chẵn ngày lẻ. Nhà chức trách New Delhi thông báo từ 1/1 tới, biện pháp này sẽ được áp dụng trong vài tuần, và đặc biệt vào mùa Đông, khi tình trạng ô nhiễm tăng cao – theo TTXVN.

Việc chia ngày chạy chẵn lẻ áp dụng theo số cuối cùng của biển số xe tư nhân. Ngoài ra, chính quyền New Delhi cũng sẽ tăng số xe công cộng trong thành phố và đóng cửa nhà máy điện sử dụng than ở bang New Delhi. Có hơn 8,5 triệu phương tiện giao thông chạy trên các đường phố của New Delhi và mỗi ngày có thêm 1.400 chiếc ôtô mới, khiến thủ đô của Ấn Độ trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mật độ các phân tử gây hại trong không khí của New Delhi cao gấp 12 lần so với ngưỡng an toàn.

Pháp nêu bật vai trò của đại dương đối với điều hòa không khí

Mặc dù hấp thụ đến 25% lượng khí thải carbon toàn cầu và đóng vai trò chủ đạo trong việc cân bằng sinh thái nhưng lần đầu tiên, vấn đề bảo vệ đại dương mới chính thức được đưa vào trong chương trình nghị sự tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp). Phát biểu trong khuôn khổ chương trình "Tuần lễ hành động" tại COP21, Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal tuyên bố "Đại dương là một giải pháp chống biến đổi khí hậu."

Các chuyên gia cho biết biển và đại dương chiếm 3/4 diện tích hành tinh và là nguồn điều hòa không khí tự nhiên quan trọng nhất đang hấp thụ hơn 90% hơi nóng của Trái Đất do hiệu ứng nhà kính và 25% lượng khí thải CO2 của hành tinh. Theo các nhà khoa học, nhờ có các đại dương mà nhiệt độ Trái Đất chưa bị nóng lên quá mức. Tuy nhiên, để hấp thụ lượng khí carbon ngày càng lớn, nước biển đã bị axít hóa – TTXVN cho biết.
 
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2224