Vietnamese English
Mối liên hệ giữa dân số và môi trường

2/1/2018 7:15:00 AM

Nhân sự kiện dân số Việt Nam đã đạt 93,7 triệu người, chúng ta hãy nhìn nhận xem sự gia tăng dân số này có mối liên hệ nào hay có gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất hay không?

 Năm 2017, dân số nước ta là 93,7 triệu người, tăng thêm 987.000 người so với năm 2016. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018, vừa được Tổng cục Dân số Kế hoạch Hóa Gia đình (Bộ Y tế), tổ chức chiều 30/1.



Cũng theo báo cáo, năm 2017, số trẻ em mới sinh trên toàn quốc là 1.313.186 cháu. Ước tính tỷ suất sinh thô là 14,7‰, giảm 1,3‰ so với năm 2016 (16,0‰) đạt vượt kế hoạch. Mức sinh thay thế tiếp tục duy trì trên phạm vi cả nước (ước tính tổng tỷ suất sinh là 2,04 con). Tuy nhiên, theo báo cáo, mức sinh rất khác biệt giữa các địa phương.

VnMedia cho biết có 30/63 tỉnh, nơi kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn thì mức sinh cao (trên 2,3 con), có nơi rất cao. Trong khi 10/63 tỉnh, khu vực đô thị, nơi kinh tế - xã hội phát triển thì mức sinh đã xuống thấp (dưới 1,8 con), có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế.

Về cơ cấu dân số, ước tính năm 2017 tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2016, tức là 112,4 bé trai/100 bé gái. Cơ cấu giới tính chung là 97,3 nam/100 nữ.

Theo chỉ tiêu kế hoạch mà Hội nghị đề ra, sân số trung bình năm 2018 của nước ta sẽ đạt 94,7 triệu người, tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh sẽ đạt là 73,7. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh sẽ tiếp tục tăng, đạt 112,8 bé trai/100 bé gái sinh sống.    

Áp lực về môi trường

Sự gia tăng dân số đã gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu của con người. Gia tăng dân số cơ học tạo ra các nguồn rác thải lớn, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, nhất là tại khu vực đô thị và các làng nghề

Theo Nguoidaibieunhandan, phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi sinh, mất cân bằng sinh thái, dẫn đến sự biến đổi khí hậu thất thường, bão lụt, lũ quét, lở đất và phát sinh nhiều loại dịch bệnh.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích rừng hiện có là 13.118.773 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.348.591 ha và rừng trồng là 2.770.182 ha. Hiện nay độ che phủ của rừng chỉ còn chưa đầy 40%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn 10%. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên của nước ta đang suy giảm với tốc độ chóng mặt và độ che phủ của rừng đã và đang bị suy giảm do nạn phá rừng ngày càng trở nên trầm trọng.

Vì lợi ích trước mắt, người dân sinh sống ở khu vực có rừng đã phá rừng lấy đất canh tác, trồng cây công nghiệp có thu nhập cao hơn. Đặc biệt, nạn sang nhượng đất với giá cả từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi hécta diễn ra khá phổ biến. Một số địa phương đã cho phép xây dựng, triển khai dự án cải tạo rừng một cách ồ ạt từ năm 2007 đến nay nhưng không thực hiện đúng quy hoạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, khiến người dân có tâm lý sợ hết đất và bao chiếm đất, phá rừng trái pháp luật.

Dân số tăng rác thải gia tăng

Trong những năm qua, do yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế, nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã được hình thành. Những KCN, CCN đi vào hoạt động, thu hút số lượng lớn lao động từ các nơi đến tạo nên sự gia tăng dân số cơ học tại các khu vực này.

Mặt khác, do yêu cầu mưu sinh, nhiều lao động nông thôn, di cư tự do ra các đô thị lớn là cho dân số tại các đô thị nước ta tập trung quá đông khiến môi trường sống ở khu vực đô thị trở nên ngột ngạt.

Thiếu nước sạch sinh hoạt, ô nhiễm không khí, tiếng ồn  do lượng phương tiện giao thông nhiều... đặc biệt là rác thải sinh hoạt gia tăng gây sức ép lớn về môi trường.

Giảm sức ép của sự gia tăng dân số đối với môi trường

Để giảm sức ép của sự gia tăng dân số đối với môi trường đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng thực tế chưa có giải pháp nào tối ưu Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là cần thực hiện tốt chính sách dân số nhằm điều tiết sự phát triển dân số hợp lý;

Điều chỉnh quá trình di cư, bảo đảm sự phân bố dân cư, lao động hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình phân bố lực lượng sản xuất của từng vùng, từng địa phương.

Có chính sách giải pháp phát triển kinh tế đồng đều ở các địa phương, vùng miền nhằm tránh thu hút dân số vào một số khu vực gây mất cân đối như hiện nay. Bên cạnh đó cần giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng...

 

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 3856