Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+)
Dự lễ míttinh có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và gần 1.500 người dân thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn mỗi công dân Việt Nam, mỗi tổ chức doanh nghiệp hãy phát huy truyền thống và tinh thần thi đua yêu nước; chung sức chung lòng bằng những hành động thiết thực tham gia ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra; đấu tranh khoa học vì nền hòa bình để bảo vệ, gìn giữ và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng lãnh hải, lãnh địa của Tổ quốc; cùng hiến kế các giải pháp để quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ mội trường bền vững, nhất là tài nguyên và môi trường biển đảo.
Để chung tay bảo vệ tài nguyên và môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội và mọi công dân Việt Nam hãy có những hành động thiết thực với các nội dung cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác, sử dụng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng xanh hóa lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững, trong đó thực hiện đô thị hóa bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với thiên nhiên; nâng cao hiệu lực và năng lực quản lý nhà nước nhằm hướng đến việc quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường bền vững; tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, với chủ đề "Hãy hành động để ngăn nước biển dâng," Ngày Môi trường Thế giới năm 2014 là cơ hội để chúng ta cùng nhau thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Đánh giá cao những hành động của Việt Nam trong việc triển khai kịp thời các chương trình ứng phó với biến đổi khí hâu và nước biển dâng, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là thay đổi hành vi hướng tới lối sống thân thiện với môi trường, đặc biệt là tiêu thụ bền vững hơn.
Chúng ta chỉ có thể bảo vệ môi trường và đấu tranh lại tác động của biến đổi khí hậu bằng nỗ lực chung của tất cả mọi người. Thậm chí mỗi người chỉ cần một nỗ lực nhỏ cũng có thể mang lại một tác động lớn. Tất cả chúng ta hãy chung tay "nói không với xả rác; nói không với túi ni lông; nói không với lãng phí điện và nước."
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260km, hơn 1 triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Lãnh thổ Việt Nam cũng có nhiều vùng đất trũng, đất thấp ven biển rộng lớn, trong đó có trên 80% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và trên 30% diện tích Đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình chỉ cao hơn 2,5m so với mặt biển.
Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ngay sau lễ míttinh, các đại biểu và đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia khơi thông dòng chảy Kênh Nước Đen và tổng vệ sinh hai bờ kênh với chiều dài 1,2km; trồng 320 cây xanh tăng cường bóng mát tại khu vực Kênh Nước Đen; tổ chức xe loa, xe đạp tuyên truyền bảo vệ môi trường; tổ chức đoàn tham quan trao đổi kinh nghiệm tại Nhà máy xử lý nước thải đôi thị Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân).
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng Bằng khen cho 20 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến nay./.