Sáng 22/5 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2015, với chủ đề “Đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” nhằm khẳng định tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo tồn ĐDSH đối với phát triển kinh tế, xã hội; kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn ĐDSH.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng kêu gọi mọi người cùng hành động để bảo vệ ĐDSH
|
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng kêu gọi mọi người cùng hành động để bảo vệ ĐDSH |
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng khẳng định, ĐDSH đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của Việt Nam, tạo ra sự ổn định và khả năng chống chịu cho nền kinh tế, tạo cơ hội để nâng cao sản lượng, phát triển ngành nghề và tạo thu nhập. Với vai trò quan trọng như vậy, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thế Đồng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và các cá nhân tiếp tục có những hành động thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa để góp phần bảo tồn bền vững giá trị ĐDSH của Việt Nam.
Theo thống kê, trong các hệ sinh thái trên cạn, chúng ta đã xác định được trên 13.200 loài thực vật, khoảng 10.000 loài động vật. Trong các vùng đất ngập nước nội địa, đã xác định được trên 3.000 loài thuỷ sinh vật. Môi trường biển với 20 kiểu hệ sinh thái đặc thù, đặc trưng cho biển nhiệt đới và là môi trường sống của trên 11.000 loài sinh vật biển. Khoảng hai thập kỷ gần đây, rất nhiều loài động, thực vật mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi và loài mới cho khoa học; đặc biệt là các loài thú và các loài cây thuộc họ Lan. Hiện nay nhiều loài động, thực vật mới vẫn được tiếp tục phát hiện và công bố ở Việt Nam.
|
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng trao tặng Bằng khen cho tập thể và cá nhân của Hội Bảo vệ thiên nhiên & môi trường Việt Nam. |
Tuy vậy, sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên, chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã.
Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện các Công ước quốc tế về bảo tồn ĐDSH như: Công ước ĐDSH, Công ước Ramsar, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng… Cùng với đó, hệ thống pháp luật về ĐDSH không ngừng được hoàn thiện.
|
Các đại biểu tham gia lễ mít tinh |
Bên cạnh hệ thống pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hệ thống pháp luật về thủy sản, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, thì Luật ĐDSH năm 2008 là văn bản pháp lý cao nhất, điều chỉnh toàn diện nhất các vấn đề về đa dạng sinh học. Nhiều văn bản về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hành động, thông tư hướng dẫn cũng đã được ban hành đồng bộ tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật về đa dạng sinh học.
Nhờ đó, công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã cũng đạt được những thành tựu đáng kể như gia tăng, phục hồi một diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ; phát hiện mới nhiều loài có ý nghĩa về mặt khoa học và bảo tồn, phục hồi và phát triển nhiều nguồn gen quý được chọn lọc và nhân nuôi.
Nhân dịp này, tập thể Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và 2 cá nhân của Hội đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT vì đã có sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động bảo tồn Cây di sản Việt Nam.