Mặt trái của thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường, con người
10/9/2021 7:17:00 AM
Thuốc bảo vệ thực vật là các loại hóa chất được sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng, góp phần làm tăng sản lượng cây trồng và giảm các thiệt hại trước thu hoạch. Tuy nhiên bên cạnh những mặt lợi đó thì thuốc bảo vệ thực vật tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho môi trường và sức khỏe con người.
Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với quần thể sinh vật
– Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng rộng, nghĩa là có thể diệt được nhiều loại côn trùng, sau khi phun ngoài việc tiêu diệt được sâu bệnh thi còn ảnh hướng sấu đến các loài thiên địch, làm phá vỡ thế cân bằng đã ổn định của của quần thể sinh vật.
– Sử dụng thuốc liên tục hoặc bằng nhiều loại thuốc có hoạt tính tương tự nhau sẽ dẫn đến việc kháng thuốc, làm cho dịch hại có cơ hội đột biến kho lường hơn.
– Tác động đến mô, tế bào của cây trồng, gây hiệu ứng cháy, táp lá, thân làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Ví dụ, ruộng đậu nành bị cháy¸ sau khi phun thuốc hóa học bảo vệ thực vật với nồng độ cao.
Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường
Đất
Thuốc bảo vệ thực vật hủy diệt các sinh vật có hại lẫn có lợi trong đất, gây bạc màu, khô cằn, không có chất dinh dưỡng, tạo mầm bệnh trong đất.
Nước
Thuốc bảo vệ thực vật đi vào cơ thể động vật thủy sinh như tôm cua, cá… làm cho chúng mắc bệnh hoặc dẫn đến chết, hệ sinh thái dưới nước bị hủy hoại đồng thời còn ảnh hưởng tới mạch nước ngầm.
Không khí
Một số khí độc từ thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới quá trình hô hấp của nhiều loài sinh vật.
Đối với con người
Các hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật thường có thời gian tồn tại nhất định trên bề mặt cây cối, trong đất gieo trồng. Một số từ đất được rễ cây hút lên lá, hoa và tích lũy trong cây nên các sản phẩm thu hoạch có một lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Hiện nay, có tình trạng người sử dụng phun trực tiếp hóa chất bảo vệ thực vật lên nông sản ngay trước ngày thu hoạch; ngâm rau quả vào thuốc để bảo quản lâu ngày hoặc kích thích hoa quả chín nhanh. Đây là nguyên nhân làm tăng lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các sản phẩm rau quả, gây ra nhiều nguy cơ đến sức khỏe người sử dụng.
Khi thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm vào cơ thể con người qua đường ăn uống, chúng có thể bị loại bớt theo khí thở, theo phân hoặc nước tiểu. Tuy nhiên, các chất độc hại này vẫn được chuyển hóa qua gan. Số thuốc bảo vệ thực vật dễ hòa tan trong nước thì sẽ bị loại bỏ nhưng lại có những hóa chất sẽ tạo thành những chất trao đổi trung gian độc hơn, tích lũy trong một số cơ quan hoặc mô mỡ gây tổn thương và kèm theo các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm.
Thuốc bảo vệ thực vật có trong thức ăn, đồ uống với lượng lớn có thể gây ngộ độc cấp tính như gây rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy), rối loạn thần kinh (nhức đầu, hôn mê, co giật hoặc co cứng cơ…), trụy tim mạch, suy hô hấp rất dễ dẫn đến tử vong.
Những trường hợp ngộ độc mãn tính do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc tồn dư trong thực phẩm sử dụng với lượng nhỏ nhưng tích lũy lâu ngày trong cơ thể cũng có thể gây tổn thương ở đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh, rối loạn hệ thống tạo máu, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
( Theo VEA.GOV.VN)
Lượt xem : 1271