Lượm lặt tin bài Cây Di sản
8/4/2022 5:35:00 PM
(VACNE) - Hôm nay, ngày 4 tháng 8 năm 2022, PV tôi xin được cái Giấy mời dự Hội nghị môi trường toàn quốc, thấy ghi là lần thứ V tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Sướng. Nhớ lại, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế hồi 1998, cả nghìn người từng vui sướng tham dự Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ I mà VACNE là cơ quan đồng tổ chức.
Đang miên man hồi tưởng thì bị Giáo sư già vỗ vào vai cái “bộp”. Đau nhưng đành cười chào hỏi. Vị Giáo sư phê bình ngay, tại sao hôm tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Chỉ có một Trái Đất”, không có bài tổng quan về sự ứng xử nhiệt tình và liên tục của truyền thông về Cây Di sản. Ú ớ mãi không giải thích được, PV tôi xin hứa sẽ có bài sửa sai.
Phải công nhận rằng vị giáo sư nói đúng căn bệnh cố hữu của đám PV Hội chúng tôi. Bài đã ít, biên tập lại tin các báo đài khác cũng ngại, gặp đâu hay đấy, thất thường, không hệ thống. Lần này, để sửa sai, PV tôi thử vào Internet tìm đọc mấy tháng gần đây thì thực sự bất ngờ.
Này nhé, Truyền hình Quốc hội ngày 23/6/2022 phát bài “Cây cổ thụ - di sản quý giá đối với đồng bào bản địa” có đoạn: “...Đáng nói, đây là danh hiệu do 1 tổ chức Hội đề xuất, nhưng lại có tác động rất lớn tới cộng đồng. Minh chứng rõ ràng nhất là những lễ vinh danh Cây Du sản trên khắp mọi miền đất nước đều được người dân địa phương tổ chức trong không khí long trọng và phấn khởi...”.
Báo Lao động ngày 26/7/2022 có bài “Ngắm vẻ đẹp huyền bí của Cây Di sản quốc gia đầu tiên ở ĐBS Cửu Long” viết: “...Với nét đẹp Huyền bí và tâm linh, Khu đi tích Giàn Gừa đã trở thành điểm đến độc lạ tại vùng đất Tây Đô. Cây vừa tồn tại hơn 150 năm tại đây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2013, cũng là Cây Di sản đầu tiên tại ĐBSCL...”.
Bài “Chiêm ngưỡng danh mục cổ thụ đặc biệt quý hiếm ơi VQG Hoàng Liên” trên vietnamnet.vn ngày 5/5/2022 có đoạn: “... Tính đến nay, VQG Hoàng Liên đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 6 quần thể danh mục cổ thụ của Vườn là Cây Di sản Việt Nam, gồm: Đỗ quyên cành thô, Vân sản Fansipan, Đỗ quyên Quan trụ, Hồng Quang, Thiết sam và Trâm ôi. Theo các nhà khoa học sinh thái của VQG, 6 quần thể này đều có giá trị khoa học, bảo tồn, văn hoá, lịch sử và Mỹ quan,...”.
Trang Thông tin điện tử của Bộ Văn hoá, Thể thảo và Du lịch đăng bài “Những Cây Di sản trên quần đảo Trường Sa” có đoạn: “... Việc công nhận 4 loài cây là Cây Di sản Việt Nam ngoài quần đảo Trường Sa không chỉ có ý nghĩa về giá trị bảo tồn thiên nhiên quý giá, mà còn khẳng định rằng quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được người Việt Nam khai thác, gìn giữ và phát triển từ cuối thế kỷ XVII, đồng thời khẳng định ý chí làm chủ cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió...”.
Cán bộ chiến sĩ trên đảo Nam Yết duyệt đội ngũ đi qua dưới bóng cây Di sản
Có lẽ PV tôi không cần đưa thêm các tin, bài về Cây Di sản thường xuyên đăng trên báo Tài nguyên và Môi trường, trên tạp chí Môi trường, trên trang điện tử vacne.org.vn Tinmoitruong.vn và gần đây là tạp chí thiennhienvamoitruong.vn của Hội BVTN&MT VN.
Thời buổi 4.0 này không ai muốn đọc dài, đọc lâu. PV tôi xin dừng lượm lặt lần này ở đây.
Xin hẹn các lần sau.
PV VACNE
Lượt xem : 1322