Lúng túng với ô nhiễm không khí
2/27/2022 6:57:00 AM
Thời gian gần đây, chất lượng không khí của thành phố Hà Nội liên tục được cảnh báo có hại cho sức khỏe. Đây không phải là vấn đề mới nhưng các biện pháp phòng, chống thì còn rất lúng túng.
Chưa kiểm soát được nguồn thải
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đối với khu vực có chất lượng không khí ở mức xấu, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, nên cần tránh hoạt động ngoài trời. Nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. Nhóm người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, hiện TP Hà Nội đã xác định được các nguồn gây ô nhiễm từ phương tiện giao thông cá nhân, từ các cơ sở sản xuất ngoại thành, hoạt động xây dựng đô thị và đốt rơm rác vùng ven đô thị. Điều kiện khí hậu thời tiết không phải nguyên nhân gây ô nhiễm, nhưng là yếu tố tác động làm tăng hay giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện chưa thể tách bạch được các nguồn gây ô nhiễm, chưa thể kiểm kê chính xác tỷ lệ gây ô nhiễm của các nguồn khí thải để có những biện pháp cụ thể.
Về tổng thể, kiểm kê ô nhiễm không khí là một vấn đề hết sức phức tạp và tốn kém nhưng “đây là việc mà các quốc gia đều phải làm, bắt buộc phải làm, không làm không được”, TS Hoàng Dương Tùng nói. Dù đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2014 nhưng hiện chưa địa phương nào ở Việt Nam triển khai kiểm kê ô nhiễm không khí cả.
Còn theo PGS, TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam, những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có tỷ trọng công nghiệp xây dựng rất cao, tỷ trọng đóng góp GDP của công nghiệp xây dựng vào tăng trưởng các đô thị rất lớn. Trong khi để tăng trưởng được 1% GDP thì môi trường suy thoái 4%, vì vậy tất cả các đô thị đều phải tính toán giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Đình Hòe, thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại các đô thị đầu tiên là sản xuất công nghiệp, xây dựng nhà cửa và phát thải từ xe cộ. Ngoài ba nguồn này, mật độ nhà cao tầng quá dày đặc làm nguồn gây ô nhiễm trở nên độc hại hơn do hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ vùng trung tâm thường cao hơn vùng ven từ 2-30C.
Thiếu dữ liệu
Sau hơn 20 năm kể từ khi xuất bản những nghiên cứu đầu tiên về ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như một số vùng lân cận, các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn chật vật để có dữ liệu đầu vào.
TS Nguyễn Thị Trang Nhung (Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế) đã có báo cáo một số kết quả sơ bộ vào giữa tháng 12/2020, khi Hà Nội rơi vào cao điểm ô nhiễm theo quy luật khí tượng. Thế nhưng, những người làm nghiên cứu về ô nhiễm không khí hiện vẫn còn chưa có điều kiện tiếp cận các nguồn dữ liệu đầu vào tốt như mong muốn.
“Về dữ liệu dùng để đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cần ít nhất hai nguồn chính: Phân bố nồng độ ô nhiễm (mức độ ô nhiễm ở các vùng, càng chi tiết càng tốt) và mô hình bệnh tật, tử vong. Ngoài ra, chúng tôi cần các số liệu phụ trợ nhằm giúp các đánh giá/ước tính chính xác hơn như dân số, mật độ dân số, bản đồ sử dụng đất, mật độ giao thông và lưu lượng xe. Mặc dù đây là những nguồn số liệu được thu thập theo ngân sách/hỗ trợ của Nhà nước nhưng các nhóm như chúng tôi vẫn chưa được tạo điều kiện, nếu không nói là đang rất khó trong tiếp cận số liệu phục vụ mục đích nghiên cứu để đề xuất chính sách và phục vụ người dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên xây dựng quy trình công khai số liệu phục vụ cho các mục đích khác nhau như nghiên cứu hay quản lý”, TS Nguyễn Thị Trang Nhung thẳng thắn chia sẻ.
Báo cáo hiện trạng bụi mịn PM 2.5 (hay có thể hiểu là hiện trạng ô nhiễm không khí) của 63 tỉnh, thành phố vừa được công bố mới đây có thể coi là nỗ lực trong việc xây dựng khởi động các giải pháp và chính sách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí vì hiện tại chúng ta đang thiếu dữ liệu này để làm cơ sở nghiên cứu và tìm giải pháp. Ông Hoàng Dương Tùng nói: “Người dân thấy rằng năm nào cũng ô nhiễm nhưng các biện pháp thì chúng ta lúng túng, lúng túng là vì chúng ta không có số liệu”.
“Việc lắp một hay nhiều trạm quan trắc còn tùy thuộc vào từng quy mô thành phố. Thí dụ, chúng ta có những thành phố nhỏ, thành phần môi trường tương đối đồng nhất thì có thể lắp một trạm. Tuy nhiên, với những thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì không thể nói là một trạm đại diện cho chất lượng môi trường không khí toàn thành phố được. Theo tôi, đối với hai thành phố lớn này, số trạm phải tăng lên. Mặt khác, ở hai thành phố này, các nguồn phát thải rất đa dạng và thay đổi liên tục nên giữa khu vực này với khu vực kia có lẽ phải có thêm trạm để nắm rõ hơn về biến đổi chất lượng không khí”, ông Hoàng Dương Tùng đề xuất.
“Tuy nhiên, việc lắp đặt các trạm phải đi kèm với việc bảo đảm chất lượng số liệu, vốn phụ thuộc vào thiết bị, nguồn nhân lực vận hành thiết bị và nguồn kinh phí để vận hành, bảo dưỡng nó. Nhìn chung, nguồn kinh phí này đối với Việt Nam thường khá eo hẹp, vì thế cứ “giật gấu, vá vai”, cho nên chuỗi số liệu có thể thiếu ổn định, không liên tục”, PGS, TS Hoàng Anh Lê, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Nếu tính trung bình cứ 200.000 dân phải có một trạm đo chất lượng không khí thì Việt Nam cần có ít nhất gần 500 trạm nhưng trên thực tế con số hiện tại chỉ là 66 trạm. Nhỏ chỉ bằng 1/1.000 trạm đo cố định, giá cũng chỉ bằng 1/800, trạm đo cảm biến này có thể lắp ở bất kỳ đâu, dữ liệu thu về theo giờ. Hiện tại, ở Việt Nam có vài trăm máy đo cảm biến như thế, phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, tuy nhiên nguồn số liệu thu được từ các trạm này lại chưa được công nhận.
Một trạm đo cố định có giá từ 7 - 8 tỷ đồng và phải mất chi phí bảo trì mỗi năm khoảng một tỷ đồng. Nếu nhân lên với con số 500 trạm thì có thể thấy đó là lượng kinh phí quá lớn mà chúng ta phải chi trả. Tuy nhiên, nếu mãi không có đủ số liệu thì sẽ không đủ nền tảng để đưa ra những chính sách hợp thời điểm nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, ban hành năm 2020 có riêng Điều 13 quy định về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố cần có kế hoạch quản lý chất lượng không khí theo cấp tỉnh.
THANH PHÚC (Nhandan)
Lượt xem : 2081