Lúng túng trong áp dụng luật: Chưa khởi tố được các vụ đầu độc môi trường
5/27/2010 1:55:00 PM
Sau hàng loạt vụ vi phạm về môi trường xảy ra gần đây gây bức xúc cho xã hội, ông Nghiêm Vũ Khải - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội - đã dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi để lý giải các nguyên nhân.
|
Sáng 26-5, thượng tá Phan Văn Cường - trưởng đoàn kiểm tra liên ngành - đã phải bịt mũi vì chịu không nổi khi đi qua hệ thống xả nước thải của Công ty TNHH Taung Liang, Bình Dương - Ảnh: Anh Thoa |
* Thưa ông, gần đây liên tiếp các vụ vi phạm môi trường bị phanh phui, có cảm giác pháp luật bị coi thường?
" Việc chưa xử lý hình sự được một vụ nào cũng là lý do để người vi phạm khinh nhờn pháp luật"
Ông Nghiêm Vũ Khải
(phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường)
|
- Ngày 26-3, tôi có chủ trì cuộc họp với Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm, Cục Cảnh sát môi trường và đại diện một số cơ quan hữu quan để đánh giá bước đầu tình hình xử lý vi phạm về môi trường.
Kết quả cho thấy chưa khởi tố được một vụ án, một bị can nào về tội phạm môi trường. Một trong những lý do là khái niệm “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” tuy đã quy định trong Luật bảo vệ môi trường nhưng lại chưa được định nghĩa trong Bộ luật hình sự nên các cơ quan tư pháp lúng túng trong việc áp dụng luật. Việc chưa xử lý hình sự được một vụ nào cũng là lý do để người vi phạm khinh nhờn pháp luật. Tuy nhiên, xử lý hình sự chỉ là một biện pháp, còn có các hình thức xử lý khác như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, di dời cơ sở gây ô nhiễm đi nơi khác...
Phải nói rằng các cơ quan chức năng của ta chưa có sự phối hợp để áp dụng các hình thức xử lý phù hợp “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” đã làm cho việc tuân thủ pháp luật về môi trường chưa thật sự nghiêm minh.
* Nghĩa là chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe nên người ta vẫn tiếp tục vi phạm?
- Nhiều doanh nghiệp sẽ so sánh cái “giá” nộp phạt với việc “tiết kiệm” chi phí xử lý nước thải, rác thải để chọn cách có lợi hơn cho mình. Vì vậy phạt bằng tiền chỉ là một hình thức. Các biện pháp làm cho doanh nghiệp sợ hơn nhiều việc nộp tiền phạt chính là tạm đình chỉ, đình chỉ vĩnh viễn hoạt động, buộc di dời đến địa điểm khác.
Để áp dụng các biện pháp này, một mình cảnh sát môi trường hoặc cơ quan chuyên môn là sở tài nguyên - môi trường không làm được, mà phải là cơ quan nhà nước được giao thẩm quyền đã cấp phép đầu tư thì có quyền đình chỉ tạm thời, đình chỉ vĩnh viễn, thu hồi giấy phép hoạt động của doanh nghiệp căn cứ vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm.
|
Cơ quan chức năng đào đường ống ngầm xả thải trộm của Tung Kuang - Ảnh: M.Q. |
Tháo dỡ hệ thống xả thải trộm tại Tung Kuang
HÀ NỘI - Ngày 26-5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cùng cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ nhà máy sản xuất nhôm định hình thuộc Công ty Tung Kuang (trụ sở tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, đồng thời yêu cầu Tung Kuang tự tháo dỡ hệ thống đường ống mà công ty này sử dụng để xả thải trộm.
Kết quả khám nghiệm cho thấy Tung Kuang đã xây dựng ba đường ống xả thải trộm với các kích cỡ đường kính lớn bé khác nhau chôn sâu dưới lòng đất hơn 3m. Số tang vật này sau đó đã bị thu giữ, giao cho Công an Hải Dương xem xét, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý.
M.Q. - K.H.
|
* Thưa ông, phải chăng chính quyền một số địa phương lo ngại việc đóng cửa doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách?
- Đấy là một thực tế. Doanh nghiệp đóng thuế, tạo ra công ăn việc làm cho địa phương. Cho nên nhiều địa phương lo ngại nếu mình siết chặt kỷ cương về môi trường và yêu cầu thực hiện nghiêm nghĩa vụ về môi trường thì doanh nghiệp có thể chạy sang chỗ khác, cho nên có những nơi đã lơ là kiểm soát ô nhiễm môi trường, coi đó là một yếu tố cạnh tranh để thu hút đầu tư. Làm thế nào để áp dụng các quy định về bảo vệ môi trường một cách thống nhất, chặt chẽ trên phạm vi cả nước? Tôi cho rằng trước mắt còn là việc khó khăn.
* Vụ Vedan đã xảy ra rất lâu, nhiều nông dân mỏi mòn chờ đợi bồi thường nhưng đến nay câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Ông bình luận gì về câu chuyện này?
- Sự kiện Vedan được nhìn nhận như một sự cảnh tỉnh chúng ta trong công tác bảo vệ môi trường. Sau khi bị phát hiện, Vedan đã thừa nhận sai phạm và bỏ ra một số tiền để giải quyết hậu quả, trong đó có việc truy thu phí bảo vệ môi trường. Còn việc thỏa thuận bồi thường với người dân thì đến nay chưa có hồi kết. Đây là tranh chấp dân sự, nó có thể giải quyết bằng hình thức thỏa thuận, trọng tài hoặc khởi kiện ra tòa án.
Tôi nghĩ nếu không giải quyết được bằng thỏa thuận thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa. Đây là một vụ việc điển hình về xử lý vi phạm môi trường nên các cấp các ngành phải tập trung xử lý sớm và thỏa đáng.
LÊ KIÊN thực hiện
Ông Ngô Văn Minh (ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội):
4 chỉ tiêu môi trường đều không đạt
Trong tám chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2009 thực hiện không đạt, có đến bốn chỉ tiêu liên quan đến môi trường. Khi thảo luận, chúng tôi đề nghị Chính phủ phải đánh giá chính xác, giải thích rõ nguyên nhân vì sao không đạt, nhất là đối với các chỉ tiêu quan trọng như xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp tập trung...
Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, hữu hiệu hơn, chứ không thể nói không đạt mà không lý giải nguyên nhân. Rồi hàng loạt vi phạm vừa bị phát hiện như vụ Tung Kuang xả trộm nước thải, sữa hết đát đổ xuống bãi rác Nam Bình Dương, 1.000kg cyanua chở cùng với hành khách...
Bên cạnh đó là nạn khai thác khoáng sản trái phép hoặc có phép nhưng sử dụng chất độc như thủy ngân, cyanua làm ô nhiễm các dòng sông, bất chấp luật pháp và sức khỏe con người.
Tôi nghĩ luật pháp của ta đã có quy định hết rồi, nhưng quản lý yếu kém. Chẳng hạn vụ xe khách chở 1.000kg cyanua cực độc, xe này hành trình từ Bắc vào Nam, tại sao nó vượt qua 1.000km trước mắt bao nhiêu trạm cảnh sát giao thông, kiểm tra liên ngành mà không phát hiện được?
LÊ KIÊN ghi
(Tuổi Trẻ, 27/5/2010)
|
Lượt xem : 1694