Luật sư nhận giải thưởng xanh về môi trường
11/22/2014 4:17:00 PM
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực môi trường năm nay sẽ có giải đặc biệt tặng cho Luật sư Phạm Hồng Điệp - Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc. Ông là người tiên phong thực hiện dự án có quy mô lớn về việc xử lý chất thải rắn nông thôn bằng chế phẩm...
Năm 2014, Giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục có thêm một đổi mới quan trọng. Năm thứ 10 của Giải thưởng cũng sẽ là năm đầu tiên Ban Tổ chức “Nhân tài đất Việt” quyết định trao tặng Giải thưởng KHUYẾN TÀI. Đây là Giải thưởng do Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất nhằm khuyến khích những tài năng đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực môi trường năm nay sẽ có giải đặc biệt tặng cho Luật sư Phạm Hồng Điệp - Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc. Trong thời gian vừa qua Luật sư Phạm Hồng Điệp là người tiên phong thực hiện dự án có quy mô lớn về việc xử lý chất thải rắn nông thôn bằng chế phẩm Sagi Bio trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Dự án qua thời gian một năm đã thực hiện trên quy mô 5 xã, tất cả các hộ gia đình đã được tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn và các loại rác thải đều được tái chế thành các sản phẩm hữu ích phục vụ lại đời sống nhân dân, ví dụ: các loại rác nilon được tái chế thành hạt nhựa, các loại rác hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ vi sinh,…
TS. Đinh La Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố giải thưởng trong lĩnh vực Môi trường với Giải Đặc biệt tặng cho Nhà hoạt động bảo vệ Môi trường xuất sắc
Đề án xanh tại đất Cảng
Đề án thực nghiệm xứ lý chất thải rắn nông thôn của ông Phạm Hồng Điệp đã được áp dụng làm thực nghiệm trên diện rộng tại 5 xã huyện Thuỷ Nguyên Hải Phòng và phổ biến tới lãnh đạo đoàn thanh niên của 33 xã trên địa bàn huyện làm thực nghiệm.
Đề án này áp dụng cho cả rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn nông thôn. Các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tích cực tham gia phán loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải tại hộ gia đình theo hướng dẫn tuyên truyền viên và tổ thu gom, tham gia bỏ rác đúng nơi quy định hàng ngày nhằm làm thay đổi thói quen, hành vi trong sinh hoạt của từng cá nhân trong gia đình tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu dân cư, đường làng ngõ xóm nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư.
Đối với chất thải nguy hại đồng ruộng hướng dẫn các địa phương lựa chọn vị trí xây dựng các bể chứa nguy hại đồng ruộng với kích thước phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nhưng phải đảm bảo về kỹ thuật phối hợp với dợn vị chức năng thu gom vận chuyển đưa đi xử lý theo đúng quy định .
Taị cấp xã, lãnh đạo đã trực tiếp làm công tác truyền thông vận động để người dân, tổ chức trên địa bàn nhận thấy được lợi ích, ý nghĩa của việc thu gom và xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường, giao đài phát thanh của xã phát thanh bào tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường phân loại rác thải tại nguồn tối thiểu 3-5 phút/ lần.
Để đề án đi vào cuộc sống, tác giả có may mắn là được chính quyền ủng hộ từ cấp thấp nhất. Tại cấp thôn, xóm cũng xây dựng các hương ước, quy ước trong đó có quy định về quản lý rác thải, phối hợp với tổ thu gom trong quá trình thực hiện phổ biến các quy định về quản lý rác thải nông thôn của xã thị trấn đến các tổ chức.
Mỗi xã đều có sổ tay hướng dẫn phân loại thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn và nhật ký môi trường theo 2 cấp, cấp xã, cấp thôn.
Mô hình thực nghiệm tại xã phục lễ đã đem lại hiệu quả môi trường là xử lý triệt để, tận dụng tái chế rác thải dùng cho sản phảm nông nghiệp (phân bón hữu cơ) thay thế, tiết kiệm chi phí mua phân đạm để bón ruộng, thay đổi ý thức người dân phân loại rác thải tại nguồn... Sử dụng hiệu quả các loại rác vô cơ dùng cho tái chế mang lại hiệu quả kinh tế cao, không có phát thải gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn không khí, tất cả các rác thải đều được xử lý tận thu tái chế.
Đây là mô hình có hiệu quả của xây dựng phát triển kinh tế xanh làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng hoàn thiện tiêu chí môi trường trong nông thôn mới, xứng đáng là khu dân cư xanh. Mô hình này đầu tư ít, đảm bảo tính lâu dài bền vững và hiệu quả kinh tế thiết thực của mô hình kinh tế và văn hoá, môi trường của khu dân cư.
Chân dung ông chủ giải thưởng môi trường
Luật sư Phạm Hồng Điệp sinh năm 1966, tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghiệp tầu thủy Shinec, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố Hải phòng, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2015.
Trước khi có dự án môi trường đạt giải đặc biệt Giải thưởng nhân tài đất việt 2014, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã có nhiều sáng kiến trong việc phát triển công nghiệp phải gắn với môi trường xanh, an toàn, bền vững. Bên cạnh một loạt đề tài mang tính thực tiễn cao thì Luật sư Phạm Hồng Điệp đã biến ý tưởng của mình thành việc làm thực tế có giá trị xã hội sâu sắc. Với thông điệp văn hóa cộng đồng và môi trường người doanh nhân trẻ nhưng đầy khát vọng này đã biến khu công nghiệp Nam Cầu Kiền rộng gần 500ha thành một khu rừng xanh thân thiện cho các nhà máy. Nhiều sáng kiến của anh như: tham gia trồng cây gây rừng trên cơ sở văn hóa truyền thống; xây dựng doanh nghiệp với môi trường bền vững; .. đã đạt liền 3 giải nhất trong 3 năm liên tiếp cuộc thi “phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” do Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Nhiều năm qua Luật sư Phạm Hồng Điệp còn đưa ra sáng kiến “Lễ Hội trồng cây hạnh phúc” Tại nhà máy Shinec bất cứ cặp vợ chồng nào cũng đều trồng một cây hạnh phúc và được ghi tên vinh danh. Hằng ngày đến công xưởng họ tranh thủ chăm sóc tưới tốt cho cây hạnh phúc của riêng mình. Những cây xanh được bê đi từ vườn của nhà các công nhân, có khi được chính các nông dân đã giao đất cho nhà máy mang tặng. Màu xanh nối tiếp màu xanh, vườn cây hạnh phúc cứ thế được nhân rộng, lan tỏa cùng cả cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường với doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Điệp tâm sự:” dù chưa thực sự được ứng dụng trên quy mô rộng nhưng việc trồng cây hạnh phúc đã tạo được hiệu ứng xã hội tốt. Đây là một việc làm rất đơn giản mà bất cứ ban ngành hay địa phương nào đều có thể làm. Không cần bất cứ một đồng vốn nào mà cần là tình yêu quê hương và yêu chính cuộc sống trong lành mà chúng ta đang hít thở mỗi ngày.”
Theo Lam Nguyên (VnMedia)
Lượt xem : 2053