Vietnamese English
Luật Đa dạng sinh học: Chưa được coi trọng

7/22/2009 9:14:00 PM

Từ 1/7/2009, Luật Đa dạng sinh học chính thức có hiệu lực. Liệu Luật này có thực sự đi vào cuộc sống khi mà ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường của chúng ta vẫn chưa được coi trọng? Ông Hồ Uy Liêm (ảnh) - Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo Đời sống & Pháp luật quanh vấn đề này.

 

ĐS&PL: Luật Đa dạng sinh học bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2009. Theo ông, đâu là những vấn đề chúng ta cần phải quan tâm để đưa Luật này vào cuộc sống?

Ông Hồ Uy Liêm: Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của con người. Trước hết là các cấp lãnh đạo từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương. Tôi cảm tưởng là hiện nay, nhận thức về vấn đề này còn rất mơ hồ. Hơn nữa, công tác vận động, tuyên truyền và giáo dục của chúng ta đối với nhân dân là rất yếu. Vì vậy, nếu nhìn vào nội dung của Luật thì rất hay, nhưng tính khả thi của nó như cách hiện nay của chúng ta là không cao.

ĐS&PL: Vậy để thực hiện tốt Luật này chúng ta có nên nghĩ đến việc tổ chức gắn kết giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội hay không?

Ông Hồ Uy Liêm: Sự phối hợp này rất quan trọng, và phải thực hiện ngay, các hội khoa học kỹ thuật, nhất là Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường có mặt ở khắp nơi, đó là chưa nói đến những hội khác liên quan đến các hoạt động ngành nông nghiệp như Hội Giống cây trồng, Hội Động vật, Thực vật,... Nhà khoa học của các hội này phải phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để có một cuộc vận động, tuyên truyền, giải thích hướng dẫn cho người dân và chính quyền địa phương phải thực hiện như thế nào và bắt đầu từ cái gì. Nếu chúng ta không làm ngay, đến lúc tình hình sẽ trở nên rất khó xử lý. Ví dụ như sự xâm hại của các loài ngoại lai chẳng hạn vì chúng ta chưa có biện pháp gì để ngăn chặn các loài đó vào Việt Nam.

ĐS&PL: Khi ban hành các văn bản luật, chúng ta đã bỏ quên mất việc trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, thậm chí là chính người dân nên Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

Ông Hồ Uy Liêm: Chính xác, lâu nay việc xây dựng các văn bản luật và văn bản dưới luật, thường là chúng ta áp đặt quan điểm của các nhà quản lý, chứ ít trưng cầu ý kiến đóng góp của người dân, các cộng đồng, các nhà khoa học. Nhưng trong Luật Đa dạng sinh học này, ngay từ đầu các nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường và các hội khác đã được tham gia trực tiếp, thậm chí còn tạo thành những thành phần chính trong việc xây dựng Luật. Tôi nghĩ rằng, về nội dung của Luật, ít nhất về mặt khoa học rất đầy đủ và tính khả thi cao. Mặt khác, trưng cầu ý kiến của người dân cũng chưa nhiều lắm.

ĐS&PL: Vậy theo ông, để Luật Đa dạng sinh học đi vào cuộc sống, mấu chốt nhất là ở điểm nào?

Ông Hồ Uy Liêm: Tôi nghĩ vẫn là vấn đề tuyên truyền, vận động và thuyết phục. Bên cạnh đó, cần phải đưa ra những quy chế để thực hiện một cách nghiêm ngặt. Không phải các văn bản pháp quy đã đưa ra, mà khi kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện thì không nghiêm túc.

ĐS&PL: Có nên để các nhà khoa học vào cuộc cùng giám sát việc thực thi các quy định trong luật này hay không, thưa ông?

Ông Hồ Uy Liêm: Tôi nghĩ là một xã hội phát triển, văn minh thì phải huy động được toàn bộ xã hội vào việc thực hiện luật. Còn nếu chỉ dựa vào các cơ quan chính quyền, các cơ quan chuyên quản thì thứ nhất là không đủ người, thứ hai là những vấn đề nhiều khi phức tạp. Lúc đó, chỉ có các nhà khoa học mới hiểu tận gốc rễ các vấn đề. Vì vậy, huy động những người am hiểu vấn đề này, đặc biệt là các nhà khoa học là vô cùng cần thiết.

ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!

Trần Quyết (Thực hiện)

 

 

 
Nguồn: Đời sống & Pháp luật 30/6/20

Lượt xem : 2798