Vietnamese English
Luận về cây đa

9/1/2012 7:53:00 PM

(VACNE) - Cây Đa : được coi là biểu tượng của cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt, hay là biểu tượng về thần quyền và tâm linh của người Việt?

Nguyễn Đình Hòe - VACNE

 

Cây đa “bóp cổ” ở khu di tích Lam kinh, Thanh Hóa. Cây thị trong lòng cây đa
đã chết năm 2009 sau trên 300 năm chung sống với cây đa


1.Nhà khoa học giải thích: “bóp cổ” để cạnh tranh sinh tồn

Đa là một nhóm gồm nhiều loài thuộc chi Ficus. Đa có phương thức sinh trưởng rất riêng. Tuy trưởng thành là loài cây to cao lẫy lừng nhưng khi mới nảy mầm đa lại có thể sống biểu sinh nếu hạt phải nảy mầm trên cành các loại cây khác, hoặc trên các công trình kiến trúc như nhà cửa, cầu cống, do các loài chim ăn quả thải hạt qua phân của chúng. Một số loài chim ưa ăn quả đa và sau đó gieo rắc hạt đa như sáo nâu (Acridotheres tristis), bồ câu vằn (Geopelia striata), chim cu gáy (Streptopelia chinensis) và chim sẻ (Passer domesticus)[i].

Cây nảy mầm từ hạt nhanh chóng phát triển các rễ khí từ trên cành cao của cây bị đa bám nhờ. Khi rễ khí chạm đất, chúng nhanh chóng to ra để trở thành một thân đa thực thụ. Khi lớn lên, đa tạo ra một tầng tán lá xòe rộng, chiếm lấy những vị trí cao nhất, nhiều ánh sáng nhất để quang hợp. Đa lớn lên, dần cột chặt lấy cây chủ tội nghiệp làm cho cây chủ cây chủ không thể lớn lên được, sẽ dần chết mục. Chính từ đặc tính này, các nhà khoa học đã gọi đó là hiện tượng “thắt nghẹn” hay “bóp cổ”. Đó thực sự là một cuộc đấu tranh sinh tồn, vật lộn ghê gớm, quyết liệt, dằng dai để giành lấy sự sống. Đặc trưng này cho phép đa lan tỏa trên một diện tích rộng. Cây đa lớn nhất còn sống tại Pune (Ấn Độ) có đường kính tán tới 800 m xung quanh thân chính của nó [ii].

2.Cộng đồng coi đa là biểu tượng của thần quyền và tâm linh

Đúng là khi hạt đa được chim thả trên cành các cây khác thì đa vẫn phát triển theo phương thức nêu trên. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đa và cây chủ chung sống với nhau hàng trăm năm, thậm chí 500 năm, 700 năm mà cây chủ vẫn sống mặc dù đa đã trở thành cổ thụ. Cặp “đa+thị” ở sân điện Lam Kinh Thành Hóa đã chung sống trên 300 năm thì thị mới chết. Nhưng “cụ” thị trong vòng ôm của “cụ” đa ở Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử Quảng Ninh thì đã trên 700 năm rồi mà 2 “cụ” vẫn xanh tươi.

Cây đa “bóp cổ” trong sân Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử; sau hơn 700 chung sống,
“cụ Thị” trong vòng ôm của “cụ Đa” vẫn sống khỏe, vẫn ra trái.

Còn nữa: nếu coi đa là giống cây nguy hiểm bạo tàn, sống nhờ cây chủ rồi “bóp” cây chủ đến chết thì tại sao người Việt lại kính trọng đa đến thế. Đa là loài cây được VACNE vinh danh là cây di sản Việt Nam nhiều lần nhất, do cộng đồng tiến cử nhiều nhất, nếu tính theo số lần được vinh danh cho đến ngày 01/9/2012

Tại Việt Nam, cây đa có mặt tại nhiều đình, đền, miếu và nhiều làng quê, cạnh cổng làng, cạnh giếng nước. Đình đền miếu là nơi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng bản địa lâu đời nhất ở Việt Nam. Hầu như làng quê truyền thống nào ở Bắc Bộ cũng đều có cây đa cổ thụ. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Cây đa còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Người Việt có lệ khi bình vôi không dùng được nữa, thay vì vất bỏ thì đem treo ở cây đa. Cây đa còn gắn liền với hình ảnh của làng quê Việt Nam như "cây đa, giếng nước, sân đình" hay "cây đa, bến nước, con đò”, qua điệu dân ca lý cây đa, trong sự tích “Chú Cuội ngồi gốc cây đa” và qua câu tục ngữ “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”.

Ngoài sức sống mãnh liệt và bóng mát, cây đa dường như không có giá trị gì về chất lượng gỗ, về quả. Có lẽ vì vậy mà cây đa là tài sản được ở yên với dân làng nhiều đời, không bị kẻ quyền thế cưa chặt hoặc bứng đi. Bở vì “ít giá trị nên cây đa trở thành rất có giá trị” đối với những người dân quê hiền lành. Đó cũng là triết lý Trung đạo của Lão Tử góp phần hình thành nên Đạo Giáo vốn rất gần với tín ngưỡng thờ Mẫu và Tổ tiên của người Việt. Đạo giáo – hay Giáo lí về Đạo, là một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, được xem là tôn giáo bản địa chính thống của xứ này.

Rõ ràng người Việt không để tâm đến hành động “bóp cổ” của cây đa, chỉ coi đó là một phương thức sinh tồn khi hạt rơi vào điều kiện khó khăn mà nếu là hạt các cây khác thì đã không thể sống được. Dân gian không mấy ai gọi đó là “bóp cổ”, chỉ có nhà khoa học gọi mà thôi. Và nếu cây chủ có chết thì cũng còn nhiều lý do khác, ví dụ cây chủ vốn là cây không thọ lâu, bị sâu bệnh, kém thích nghi,… chẳng hạn.

Cây đa 13 gốc, ở tại xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền.

Cây đa là biểu tượng của nông thôn Việt, của người Việt, vì nhũng giá trị không dễ đánh giá hết của nó.



[ii] Đa. http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90a. Tài liệu đã dẫn

 

Lượt xem : 8273