Vietnamese English
Luận về cây đa 2

9/3/2012 4:49:00 PM

Đa là loài cây được vinh danh Cây Di sản Việt Nam nhiều lần nhất, được người dân Việt Nam tôn thờ nhiều nhất trong các đình đền miếu và trong làng. Đó là vì đa có những “tính cách” riêng khác với nhiều loài cây khác

 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE



Cây đa đền Thượng ở TP Lào Cai


1.Rễ buông từ trên trời xuống. Phần lớn các loài cây, từ cây thân gỗ đến cây thân cỏ (thân thảo), đều có rễ mọc ở gốc cây trong lòng đất. Rễ mà không có đất thì cây chết. Rễ trong đất quan trọng đến mức nhiều loài cây có quả, có thân cũng chui xuống đất để phát triển khiến người ta lầm tưởng quả là củ (ví dụ lạc – đậu phộng), thân là củ (ví dụ hoàng tinh, rong giềng) hay thân cũng là rễ (ví dụ cỏ gianh – cỏ tranh). Đa cũng có loại rễ - trong – đất như vậy. Nhưng nó còn khác đời ở chỗ còn có thêm loại rễ khí thả từ trên cành cao xuống. Nếu rễ - trong – đất của đa suốt đời chỉ là rễ thì loại rễ từ trên trời xuống ấy khi tiếp đất sẽ lớn rất nhanh để thành thân mới, nhiều khi được gọi là gốc mới của cây.
2.Tái sinh liên tục để trường sinh. Đa sống rất lâu. Những cây đa vài ba trăm tuổi không hiếm, có những cây bảy tám trăm tuổi, cả ngàn tuổi. Nói như vậy không sai nhưng thực ra là …không đúng. Cây đa đang sống chỉ là hậu duệ của cái cây tổ tiên của nó đã bị chết mục trong gốc của nó. Bất cứ cây đa sống lâu nào, loại được gọi là đa cổ thụ, đều có gốc rỗng vì cái thân trước đây của nó đã bị mục. Có những đa cổ thụ gốc bị rỗng to đến mức người ta có thể xây cả cái miếu thờ bên trong hoặc hàng chục đứa trẻ chui vào trong gốc đa nô đùa. Khả năng tái sinh liên tục trên cùng một gốc đã khiến cho đa trở thành loài cây sống rất dai. Nói theo kiểu Lão Tử là “muốn sống thì phải …chết”. Như vậy một cây đa nhiều trăm tuổi thực ra là một dãy hàng chục thế hệ đa nối tiếp nhau trên cùng một gốc xưa.
3.Hệ sinh thái riêng: Cây đa có thể sinh sôi phát triển ở những vùng nhiều ong bắp cày (Eupristina masoni) chuyên thụ phấn cho đa.  Tại bài “Luận về cây đa (1)” có nhắc đến sự kiện đa phân tán nhờ một số loài chim ăn quả như sáo nâu (Acridotheres tristis), một số loài bồ câu như bồ câu vằn (Geopelia striata), chim cu gáy (Streptopelia chinensis) và chim sẻ (Passer domesticus).[i] Như vậy nơi nào đa phát triển thành thảm thực vật (ví dụ trên đảo Hòn Dáu Đồ Sơn Hải Phòng), chắc chắn những loài ong hay chim liên quan với đa cũng rất phát triển. Đa như vậy không chỉ là đa mà còn là đại diện cho một hệ sinh thái tự nhiên rất đa dạng.
4. Đa sống lâu còn một vấn đề khác: chúng sống lâu được không phải chỉ vì chúng có khả năng sống lâu được, mà còn quan trọng hơn: nó được người dân tôn sùng và bảo vệ./.


Lượt xem : 1983