Lũ lụt ở các vùng cửa sông miền Trung
11/28/2009 6:51:00 PM
Vùng cửa sông các tỉnh miền Trung là vùng cửa sông kiểu liman (khuyết áo), khả năng thoát lũ rất kém, nên thường bị lũ lụt. Đợt lũ lụt vừa qua (2009) ở miền Trung còn có sự tác động của thủy điện chồng lên tác động của lũ ở cửa sông liman, tuy nhiên sự không chủ động ứng phó của các địa phương có vùng cửa sông bên dưới thủy điện cũng là một yếu tố.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Cửa sông Ba- Phú Yên, một kiểu cửa sông liman điển hình. Ảnh vệ tinh Google Earth, 2009
Vùng cửa sông miền Trung là vùng hay xảy ra lũ lụt
Từ xưa đến nay, vùng đồng bằng ven biển miền Trung thường chịu lũ lụt. Miền Trung nghèo vì lũ lụt. Điểm này xuất phát từ chính đặc điểm địa sinh thái của miền Trung. Sông miền Trung có đặc điểm là sông ngắn, sau đỉnh mưa 2-3 giờ là nước lũ dồn đến cửa sông. Đã thế, các đoạn trung lưu của sông đều ngắn thậm chí có sông hầu như không có đoạn trung lưu, khiến cho động nước mùa lũ hầu như không bị triệt tiêu khi nước lũ dồn về cửa sông. Động lực dòng lũ càng mạnh hơn nếu vùng chịu lũ nằm về phía Nam tâm bão trong bán kính 200 km vì nước sông bị hút ra biển…
Đặc biệt, cửa sông miền Trung là loại cửa sông kiểu liman (khuyết áo) phía trong có vũng cửa sông rộng và nông, cửa sông bị các cồn cát chắn cửa (hình thành do động lực dòng dọc bờ và sóng trong mùa khô) khiến cho việc thoát lũ rất kém. Lũ mạnh có thể làm thay đổi hẳn cấu trúc các cồn bãi chắn ngang cửa sông, nhiều khi sông trổ cửa mới xuyên qua cồn cát chắn cửa. Khi cơn lũ qua đi, động lực biển lại thắng thế và cồn cát chắn cửa lại được gia cố trở lại, thậm chí có thể bịt kín các cửa mới được trổ ra trong mùa lũ.
Cùng với đặc điểm trên, việc sinh sống của người dân của miền Trung cũng khá nhạy cảm với lũ lụt. Ở Miền Trung, vùng đồng bằng ven biển có nhiều cửa sông từ xưa đã là vùng có nhiều điều kiện phát triển kinh tế xã hội.Các đô thị xuất hiện và mở rộng cũng ở vị trí trong vùng này. Vùng cửa sông thường được quai đắp tối đa làm đầm nuôi trồng thủy sản và xây dựng công trình khiến cho khả năng thoát lũ càng giảm.Ở vùng cửa sông miền Trung,sản nghiệp và tính mạng con người phơi trần và thách đấu với lũ lụt.
Thêm nhiều thủy điện, lũ lụt vùng hạ lưu sông càng mạnh hơn
Thủy điện miền Trung đa phần thuộc loại vừa và nhỏ (dưới 30 MW), nên phải tích nước dành cho phát điện trong mùa khô, làm giảm lưu lương và động lực hạ lưu sông trong mùa khô khiến cho động lực biển thắng áp đảo động lực sông.Nhờ đó quá trình liman hóa cửa sông sẽ nhanh và mạnh mẽ hơn. Nhìn chung đa số các thủy điện vừa và nhỏ ít có khả năng điều tiết nước trong mùa khô. Kết quả là cửa sông bị bịt kín nhanh và chắc hơn thông thường, khiến khả năng thoát lũ giảm đi. Ngoài ra, việc chặt phá rừng để làm thủy điện ( khoảng 10 - 30 ha rừng bị phá cho 1MW điện) làm giảm khả năng điều tiết lũ tự nhiên.
Theo thống kê, tại miền Trung - Tây nguyên có tổng cộng 97 hồ chứa thủy lợi với dung tích trữ gần 2,4 tỉ m3 và 27 hồ chứa thủy điện có dung tích trữ trên 6,4 tỉ m3 (chưa kể những hồ chứa vừa và nhỏ mà ngành điện không quản lý). Việc xây dựng các hồ chứa này đã gây ngập hàng chục ngàn hecta rừng, đó là chưa kể đến việc mất đi hàng chục ngàn hecta thung lũng - nơi tập trung giữ nước mưa tạm thời trước khi đổ ra sông http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=350110&ChannelID=3
Đặc biệt các bậc thang thủy điện nâng cao động năng dòng nước lũ xả từ các đập thủy điện (năng lượng của dòng lũ xả rất lớn vì không được sử dụng để quay tourbin phát điện, không chuyển thành năng lượng điện) vì thế dòng lũ hạ lưu càng hung dữ hơn, có sức cuốn phá mạnh hơn…Cũng do cửa sông bị bịt kín và đoạn trung lưu ngắn nên khi thủy điện xả lũ hay xả nước đón lũ đều có thể làm thời gian ngập lũ dài hơn và mức nước cao hơn bình thường.
Theo ông Nguyễn Xuân Diệu - cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão “Tổng lượng mưa năm 2009 nhỏ hơn năm 1999 nhưng đỉnh lũ năm 2009 lại vượt xấp xỉ, thậm chí có nơi vượt trên cả đỉnh lũ năm 1999 đến 1,5m (...)Hiện các hồ chứa thủy điện miền Trung chỉ xây dựng quy trình vận hành độc lập để đảm bảo nước phát điện và an toàn đập. Các thủy điện vừa và nhỏ khi thiết kế chưa bố trí xây dựng dung tích cắt lũ cho hạ lưu. Vậy nên khi lũ về, toàn bộ lượng nước đến hồ đều được xả xuống gây khó khăn cho công tác chống lũ ở hạ lưu”.http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=350110&ChannelID=3
Thủy điện không sinh ra thêm nước.Thủy điện cũng không xả nhiều hơn lượng nước mưa trong khu vực. Thực tế việc làm gia tăng lũ lụt xuất phát từ bản chất của thủy điện miền Trung: thủy điện miền Trung thường có quy mô vừa, nhỏ, khả năng điều tiết chống lũ kém, nhiều bậc, nằm ở địa hình cao và gần cửa sông kiểu liman (khuyết áo) có đoạn trung lưu rất ngắn. Do đó thủy điện làm cho các dòng chảy lũ vốn đã mạnh trở lên hung dữ hơn và kéo dài hơn. Điều này khiến cho thiệt hại do lũ lụt vùng hạ lưu các dòng sông, nhất là vùng cửa sông tăng lên.
Lũ lụt là một động lực tự nhiên ở các vùng cửa sông dạng liman. Hệ thống này ổn định nhiều năm. Người dân thực tế đã biết cách chung sống và chịu đựng thiên tai. Thủy điện làm thay đổi cấu trúc và động lực của các hệ thống sông, khiến kỹ năng ứng phó có sẵn không còn phù hợp. Nhằm tránh những kịch bản xấu trong tương lai cho miền Trung, cần phải rà soát, điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế trong đó có phát triển thủy điện miền Trung trong mối liên quan đến thiên tai và môi trường, đặc biệt cần tăng được độ phủ của rừng tự nhiên lên 70% (?) diện tích tự nhiên, tái quy hoạch lại phát triển các vùng cửa sông cho phù hợp với việc xuất hiện thủy điện trên thượng nguồn, cần kiểm tra lại tất cả các công trình đã và đang xây dựng trên các dòng sông, cần bổ sung quy chuẩn xây dựng công trình trên các sông miền Trung, trong đó có thủy điện…Chỉ có như thế, người dân miền Trung mới hạn chế bớt đi được những nguy cơ lũ lụt./.
.
Lượt xem : 5018