Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu vực chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh. Tại Hà Nội, theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, do yếu tố vị trí địa lý, thành phố không bị ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt bởi biến đổi khí hậu như các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên, tại khu vực nội đô thời gian qua, tình trạng ngập úng do mưa lớn đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân thủ đô. Từ đầu mùa mưa 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 10 trận mưa cường độ lớn, lượng mưa trên 100mm, thậm chí có nơi lên tới 180mm/giờ, vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, dẫn đến úng ngập, nhất là tại các khu vực trũng thấp, xa nguồn xả.
Nguyên nhân của hiện tượng úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội được phân tích phần lớn là do diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần dưới tác động tốc độ đô thị hóa nhanh.
Khu vực nội đô ngập sâu do mưa lớn, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ngập úng. Ảnh: HNM
Theo đánh giá của Sở TNMT Hà Nội, trong giai đoạn 2015 - 2020 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,63ha. Nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, chưa kể đến tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác… Cùng với đó, diện cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước bị suy giảm, thay vào đó là diện tích của bê tông hóa của các khu đô thị, tòa nhà cao tầng đã gây ra hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” vào mùa hè.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, việc phát triển và bảo tồn không gian xanh và mặt nước đã được chú trọng. Việc khai thác và duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị đã được nhấn mạnh trong đồ án.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, thời gian qua thành phố đã chú trọng phát triển và bảo tồn không gian xanh, mặt nước, rừng tự nhiên, vùng sản xuất nông nghiệp… trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo đảm môi trường sống đô thị. Những nội dung này đã được lồng ghép, cụ thể hóa trong từng quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật, như quy hoạch cấp nước, thoát nước, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ ao, mặt nước…
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, nhiều chỉ tiêu đặt ra tại các quy hoạch này đã không đạt được. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp trong khi dân số gia tăng vượt quá mục tiêu quy hoạch chung đặt ra đã gây quá tải hạ tầng. Việc chậm triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái nên còn thiếu không gian xanh, lá phổi bảo vệ môi trường Từ những tồn tại trong việc thực hiện quy hoạch đã dẫn đến hệ quả TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như: ô nhiễm không khí, rác thải, nước thải, ngập lụt...
Các chuyên gia nhận định việc lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị tại thủ đô là giải pháp quan trọng. Ảnh: Hoàng Hà
Vì thế, các chuyên gia tại Viện Quy hoạch Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia) cho rằng trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được nghiên cứu, cần lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong tất cả các nội dung, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, năng lượng, cấp, thoát nước, xử lý chất thải…
Trong đó, cần tập trung tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch mặt nước. Đối với các khu vực đô thị cũ cần khuyến khích cải tạo công trình theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng, tăng các không gian xanh, không gian đệm, hành lang cho hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng, ban hành Chương trình số 05 về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng Hà Nội thành đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, tiến tới xây dựng thành phố xanh, hiện đại.
Đối với công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, có 7 nhiệm vụ. Trong đó đáng chú ý là: Nghiên cứu, bổ sung, ứng dụng khoa học, công nghệ trong chỉ đạo, điều hành, quan trắc, dự báo, cảnh báo…; thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính...
Để phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, trong đó xác định bốn chương trình cụ thể, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị; bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị.
Phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án thí điểm ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, quy hoạch đô thị là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống đô thị bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Thu Hằng