Lồng ghép tiêu chí đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam
Ngày 24/03, tại TP Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Lồng ghép tiêu chí đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam” do Trung tâm Con người & Thiên nhiên tổ chức với sự hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Quỹ Hỗ trợ Châu Á (TAF).
Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia giàu có về
đa dạng sinh học (ĐDSH) và được giới khoa học đánh giá là một trong 10 trung tâm ĐDSH phong phú nhất trên thế giới. Tính đa dạng về hệ sinh thái (rừng, biển, đất ngập nước), sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen sinh vật, sự sẵn có của các hệ thống các dịch vụ sinh thái và kiến thức địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên đã làm cho ĐDSH có vai trò, giá trị vô cùng to lớn đối với đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, dược liệu và dịch vụ.
Ngày nay, ĐDSH được xem là “vốn tự nhiên” cho giảm nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và mất an ninh lương thực mà nhiều khu vực, quốc gia đang phải đối mặt.
Bảo tồn ĐDSH đã trở thành một chính sách quan trọng của nhà nước. Quyết tâm và cam kết
bảo tồn ĐDSH của Việt Nam được thể hiện qua sự hiện diện của các cơ cấu quản lý ĐDSH từ trung ương đến địa phương, với hệ thống hơn 160 khu bảo tồn đã được thành lập, và Luật ĐDSH 2008 cùng nhiều khung chính sách, quy định khác. Tuy vậy, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và nhất là sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế trong các thập kỷ gần đây.
Nhiều diện tích rừng tự nhiên, đất ngập nước đã bị chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp quy mô lớn hay xây dựng cơ sở hạ tầng; dòng chảy tự nhiên các con sông bị chặn lại để xây dựng thủy điện, … đã cho thấy vai trò và giá trị của ĐDSH đã không được xem xét và đánh giá đầy đủ trong quá trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như ra quyết định của các dự án phát triển.
ĐDSH cũng bị xem nhẹ trong đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển.
Bà Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, cho rằng đánh giá chung về một số bất cập về đánh giá ĐDSH trong quy trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay không cân nhắc đúng mức các vấn đề nhạy cảm với môi trường khi lựa chọn vị trí triển khai dự án, đặc biệt không đánh giá khả năng chịu tải môi trường và tính đặc thù của hệ sinh thái; Chỉ tập trung vào các hệ sinh thái cần được bảo vệ mà không chú ý đến các hệ sinh thái không được ưu tiên bảo vệ; Không đưa ra được các đánh giá về những thay đổi ĐDSH do tác động của dự án so với những thay đổi có thể xảy ra khi không có dự án.
“Giá trị dịch vụ sinh thái chưa được xem xét đầy đủ, do đó không cung cấp cơ sở khoa học và thực tế để đề xuất phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng và bồi hoàn ĐDSH”, bà Lan nhấn mạnh, “Do kết quả đánh giá tác động không cụ thể và có xu hướng giảm nhẹ (hoặc coi là bất khả kháng) nên các biện pháp giảm thiểu cũng mang tính lý thuyết, không đủ tin vậy về tính khả thi và hiệu quả thành công.”
Những khó khăn khi thực hiện ĐTM đến ĐDSH được ông Phạm Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định&Đánh giá Tác động Môi trường, đưa ra là chưa có các hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động đến ĐDSH cho một số loại hình dự án; không có hệ thống số liệu về ĐDSH liên quan đến khu vực dự án, khu vực phụ cận; loại hình dự án nào cần thực hiện ĐTM đến sinh học chưa được quy định, v.v…
Theo các đại biểu, đánh giá và giảm thiểu tác động ĐDSH của các chính sách và dự án phát triển là một yêu cầu quan trọng cho bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững ĐDSH. Yêu cầu này đồng nghĩa với sự cần thiết phải thể chế hóa và lồng ghép nội dung đánh giá tác động ĐDSH trong các quy định về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường của Luật Bảo vệ Môi trường 2015 (sửa đổi).
Bà Lan khuyến nghị cần chú trọng việc dự báo tác động đến ĐDSH khi thực hiện dự án phát triển trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) để nâng cao hiệu quả của dự báo tác động đến môi trường khi thực hiện dự án phát triển. Đặc biệt áp dụng việc tiếp cận hệ sinh thái và cân nhắc dịch vụ hệ sinh thái phải được coi là nội dung quan trọng trong phương pháp luận ĐTM và ĐMC.