Vietnamese English
Lỗi tại ông trời?

11/6/2010 4:11:00 PM

Năm ngoái diễn ra bão lũ ở miền Trung dư luận bức xúc rằng các nhà máy thủy điện xả lũ bằng cách không khoa học, làm tăng ngập lụt cho hạ nguồn. Sau đó, Chính phủ có những báo cáo giải trình hứa với Quốc hội sẽ sớm ban hành quy trình liên hồ chứa một cách khoa học để giảm thiểu những tác động xấu trong hạ nguồn.

 

 

 

nguyen dinh xuan

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân

 

Tuy nhiên, đến năm nay dường như vấn đề đó chưa được giải quyết tốt. Hiện nay, miền Trung và Nam Trung Bộ đang ngập lụt trong mưa lũ.

 

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân đã cho biết:  Ở đây có mấy vấn đề đặt ra: Thứ nhất, bản thân hồ thủy điện không sinh ra lũ, chỉ là nơi chứa lũ ở mức độ nhất định rồi sau đó là xả.

 

Thứ hai là khi xây dựng các công trình thủy điện này, người ta đều nói đến 3 mục tiêu, trong đó có mục tiêu cắt giảm lũ vào mùa mưa và chống hạn vào mùa khô song song với mục tiêu là phát điện.

 

Vấn đề là, trong xây dựng và cả trong vận hành thì chúng ta đặt mục tiêu nào cao hơn mới quan trọng. Không phải là mục tiêu bảo đảm an toàn cho đập mà phải tính cả mục tiêu kiềm chế tác hại của lũ. Bằng cách nào hồ thủy điện có thể làm được? Về nguyên tắc, giải pháp tối ưu là trước khi cơn lũ về, lòng hồ trống rỗng, xả hết toàn bộ. Sau khi lũ về đầu tiên là tích trữ một phần lũ đó và xả ra một phần, làm sao để khi lũ về ở đỉnh thì hồ vẫn còn khả năng chứa.

 

Như vậy, giả sử như lũ đã về với 3000mét khối/s thì hồ sẽ chứa lại với tốc độ 1000mét khối/s và xả ra 2000 thôi. Nếu chứa 1000mét khối/s thì cứ một phút chứa thêm được 60nghìn mét khối. Thật ra một thời gian ngắn hồ cũng sẽ đầy.

 

Vấn đề ở chỗ chúng ta tính toán ở thời điểm nào cần phải giữ nước lại, và thời điểm nào ta sẽ cho nó chảy bớt đi. Ở hạ nguồn luôn muốn rằng lúc đỉnh điểm của lũ là chúng ta phải giữ lại. Còn khi lũ về còn nhỏ, mới về chẳng hạn, chưa có gì đe dọa thì cứ cho chảy tự do.

 

Thực tế các nhà điều hành thủy điện luôn luôn lo lắng rằng không biết lũ có về thật hay không. Và giả sử họ muốn xả cạn hồ cũng không xả được. Đa số các hồ theo tôi biết là không xả đáy, chỉ đến một cao độ nhất định thì họ mới xả được thôi.

 

Như vậy, ngay khâu thiết kế người ta đã không tính đến chuyện hạ thấp lượng nước trong hồ xuống ở mức tối đa. Cho nên chỉ ở mức độ nhất định mới xả được thôi.

 

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành về quy trình vận hành hồ chứa nước trên lưu vực sống Ba. Thế nhưng, lũ vẫn hoàn lũ. Nhiều người đặt câu hỏi, quy trình đó liệu có được áp dụng?

 

Tôi phải nói lại rằng thủy điện không sinh ra lũ. Thủy điện chỉ có vai trò như một hồ chứa, chứa không được thì xả. Chỉ có vấn đề vận hành hồ đó cho khoa học hơn. Nước đầy lên đập mà không xả thì nó cũng tràn qua đập đi thôi.

 

Một vài hồ đã xả không đúng quy trình, phải mổ xẻ xem lí do vì sao họ xả như vậy, và việc xả có gây thiệt hại trực tiếp đến người dân hay không, việc xả như vậy là do chủ quan hay khách quan?

 

Ta sẽ không bắt lỗi nếu việc họ xả lũ như vậy là bất khả kháng, nhưng nếu đó là một sai sót thì phải xem xét trách nhiệm.

 

Giới khoa học đã chỉ  rõ, ở nhiều nơi, ta chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa nước. Đơn cử, mới chỉ hai khu vực sông Thu Bồn và sông Ba được duyệt quy trình?

 

Theo tôi biết là có một vài lưu vực mới được duyệt thôi. Vì vậy, việc đầu tiên là phải bổ sung quy trình đã duyệt cho những lưu vực còn lại.

 

Với những nơi đã có quy trình vận hành, cũng phải đưa ra thảo luận rộng rãi xem quy trình đó khoa học hay chưa. Một mặt ta phải có quy trình nghiêm túc, nhưng mặt khác, ta cũng phải trao quyền chủ động nhất định cho những người điều hành trực tiếp, gọi là tướng ở trận tiền. Trên cơ sở ta đo đạc, tính toán được lượng nước về và phối hợp các thông tin từ hạ nguồn, biết khả năng hồ chứa bao nhiêu, an toàn là bao nhiêu, biết tình trạng thượng nguồn và hạ nguồn thế nào, để ra quyết định. Nếu không nắm được thông tin đó, chúng ta sẽ không chỉ huy tốt được trận chống lũ.

 

Vì vậy, thông tin phải thông suốt.

 

Nước đầy mới lo giữ đập

 

Vậy theo ông, việc liên tiếp xảy ra tình trạng xả lũ đột ngột không thông báo khiến người dân không kịp trở tay như Hà Tĩnh hay như ở Phú Yên có phải do xả lũ sai quy trình?

 

Tôi không biết rằng hồ Ba Hạ có quy trình tốt chưa, nhưng ít nhất tôi nghe nói họ đã có một quy trình và quy trình này đã không được chấp hành nghiêm túc. Đó là thông tin từ báo chí và các quan chức.

 

Nếu mình có hệ thống quan sát tốt thì sẽ biết được nước ở thượng nguồn sẽ về nhà máy bao nhiêu, không phải đã về mà là sẽ về.

 

 Ví dụ ta có thể biết trước 3 tiếng, 5 tiếng, chuyện đó là bình thường từ khi có mưa to ở thượng nguồn đến lúc nước về tới hồ bao giờ cũng vài tiếng đồng hồ. Vài tiếng đó chính là thời gian vàng để chúng ta di chuyển dân cư và tài sản có giá trị ra khỏi vùng có khả năng ngập.

 

Tuy nhiên ở đây ta phối hợp thông tin chưa tốt, hoặc nhận được thông tin nhưng không có phương tiện để thông báo tới người dân và không có phương tiện để di dời người dân. Đó là vấn đề cần xem xét.

 

Theo tôi biết những người vận hành hồ chứa thì việc đầu tiên của họ là bảo đảm an toàn cho đập. Có người đặt vấn đề thế còn an toàn dân thì sao? Thực ra hai cái đó là một. Nếu vỡ đập thì dân thiệt mạng nhiều hơn, cho nên giữ đập là cực kì quan trọng.

 

Nhưng không phải chờ nước đầy mới nghĩ đến chuyện giữ đập mà phải có tính toán từ trước. Còn khi nước đã đầy đập rồi thì việc xả lũ là đương nhiên, không còn cách nào khác. Có những chỗ đập tràn thì nước tràn qua lũ tự do xem như không có đập đấy.

 

Thiếu chủ động trong vấn đề lũ này sẽ không phát huy được vai trò của các hồ thủy điện trong việc điều tiết lũ như chúng ta mong muốn.

 

Lỗi tại ông trời?!

 

Người dân hai miền đất nước đang sống trong mùa lũ với tâm trạng lo âu thấp thỏm. Vấn đề khắc phục tình trạng xả lũ đột ngột hoặc sai quy trình sẽ được chất vấn trong kì họp Quốc hội này?

 

Tôi nghĩ rằng vấn đề này sẽ được mổ xẻ và chất vấn trong thời gian tới. Nhưng e rằng chúng ta lại tiếp tục phải nghe lí do, vì mưa to nên lũ, lụt. Nó thành một thứ thông lệ rồi, khi không có điện thì bảo do mưa ít, nhưng khi ngập lụt thì lại bảo mưa nhiều.

 

Không biết chất vấn xong có giải quyết được vấn đề gì không khi sự sống còn của người dân vùng lũ trong gang tấc. Ông có thể đưa ra những biện pháp khắc phục trước mắt thế nào để ứng phó kịp thời nhất trong thời điểm hiện nay?

 

Việc đầu tiên là ta phải nỗ lực để cứu dân, khắc phục hậu quả.

 

Thứ hai là xem xét lại toàn bộ quy trình này, không phải chỉ quy trình không mà cả công trình nữa. Phân tích nguyên nhân chứ không thể nói mãi là do trời được.

 

Không thể đổ lỗi cho ông trời, vậy theo ông, do đâu lũ cứ "đến hẹn lại lên", dân sống chung với lũ, thấp thỏm lo lũ?

 

Chúng ta có khá nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Quan trọng nhất là phải xem lại tư duy và cách làm của ta.

 

Cũng có thể xem mức độ lũ ngày hôm nay ta bị như vậy là hậu quả của nhiều năm về trước. Việc phá rừng là nguyên nhân hết sức quan trọng và không ai chối cãi được. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chính phủ và ở đây có vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương.

 

Tôi đã nhiều lần và sẽ tiếp tục đề nghị nữa nếu tỉnh nào, ban ngành nào để mất rừng thì cách chức, kỉ luật những người đứng đầu để người khác lên làm việc đó. Tại sao cũng một lực lượng, một cơ chế mà tỉnh này giữ được, tỉnh khác giữ không được. Rõ ràng là chưa quyết tâm. Chỉ có vấn đề là thiếu trách nhiệm nên mới xảy ra mất rừng ồ ạt như thế.

 

Ngay cả cách ta giải quyết vấn đề khi phát hiện sự cố ví dụ nhìn thấy gỗ trôi về hạ nguồn chẳng hạn, gỗ đó là của ai, là tài nguyên quốc gia. Có ai đó cắt rời những khúc gỗ đó? Phải điều tra ra người đó là ai và mất ở khu vực nào, ai là người chịu trách nhiệm khu vực đó.

 

Có kỉ luật nghiêm thì những người sau không dám đi vào con đường đó nữa. Mà nước ta không lo là không có người giải quyết những vấn đề như vậy.

 

Rồi nữa, những công trình giao thông của ta tại sao nước lũ lại cuốn trôi đi một đoạn đường và xem đoạn đường đó có vấn đề gì, nếu ta lại làm đoạn đường như cũ để vài năm sau lại cuốn trôi thì đó là sự lãng phí. Vậy phải tính toán vài năm nữa con đường đó nếu có lũ vẫn chịu đựơc. Hoặc là phải xây cầu, tăng khẩu độ cống ở khu vực đó.

 

Chúng ta biết là nước chảy theo hướng Tây Đông, đường thì chạy theo hướng Bắc Nam, vậy làm sao để đường không thành đê, không cản trở dòng chảy của nước thì ta mới thoát lũ ra biển nhanh được.

 

Miền Trung có điểm bất lợi là sườn núi dốc, lũ về nhanh. Nhưng có lợi thế là đất ở miền Trung hẹp, gần biển nên nước rút cũng khá nhanh. Nếu ta cân bằng được hai yếu tố này, tạo điều kiện cho nước ra biển thật nhanh thì lũ sẽ giảm cao độ, ngập thì cũng thời gian ngắn hơn.

Lan Anh
 
(Vietnamnet, 6/11/2010)

Lượt xem : 1583