Lời hứa với rừng chè cổ thụ
6/18/2018 8:25:00 AM
Rừng chè cổ hàng trăm năm tuổi ở Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có diện tích hơn 10 ha mới được phát hiện và đưa vào bảo vệ, nằm ở độ cao trên 1.700 m so mực nước biển. Cây chè cổ đang giúp người dân nơi đây có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
“Kho báu” trên ngàn
Sà Dề Phìn nắng đó, rồi lại xối xả mưa ngay được! Đúng là mưa miền rừng. Trưởng bản Chang Mùa Trù Sinh, người mà bà con đồn là sắp giàu nhất bản, có đến cả nghìn gốc chè cổ do ông cha để lại, nhiều người lặn lội từ thành phố vào tìm mua chè về uống. Giờ thì anh chẳng phải đi đâu, có người đến tận nhà “đặt gạch”, cứ độ ba tháng anh hái khoảng dăm tạ chè tươi, với giá bán lẻ gần 50 nghìn/kg.
Anh đưa chúng tôi lên thăm rừng chè cổ, dẫu mặt trời đã ngả, nhưng nơi đây vẫn bảng lảng sương mù. Trước mắt chúng tôi hiện ra bạt ngàn những gốc chè cổ rêu phong có hàng trăm năm tuổi, ẩn hiện trong mây núi. Nghe người già trong bản kể vào những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đã khảo sát và cho trồng thứ cây quý này rồi.
Tại rừng chè cổ, chúng tôi gặp Hồ Sái Tùng, năm nay đã bước sang tám mươi mùa rẫy, ông được bà con trọng vọng gọi là “bố” bản. Bố bản tay vê vê thuốc lào châm lửa hút, hấp háy đôi mắt mờ đục, sau làn khói nhòa lẫn trong sương núi, ông khà khà: Không biết nữa, từ nhỏ chúng ta vẫn nô đùa dưới những gốc chè này rồi. Khi bố ta sắp về với đất, vẫn phải uống bằng được bát nước trà xanh, rồi mới đi được đấy! Ta và con cháu chỉ biết vâng lời tổ tiên trông giữ, chăm sóc cây chè để nó cho búp uống hằng ngày. Bảo vệ rừng chè, cũng là bảo vệ rừng đầu nguồn là bảo vệ bản mà! Năm nào bản ta cũng làm lễ cúng thần rừng để nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ. Kẻ nào chặt phá rừng. Rừng chết, thần rừng nổi giận, thần linh sẽ không bảo vệ, con cháu đời sau sẽ khổ thôi.
Từ câu chuyện của “bố” bản, tôi lại nhớ cứ đầu tháng Giêng khi hoa đào, hoa lê bung nở kín sườn núi, người Mông Sà Dề Phìn tổ chức lễ cúng rừng. Lễ thường được tổ chức vào ngày con rồng, với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản mạnh khỏe, cây rừng xanh tươi.
Nhìn những thân chè bằng mấy người ôm, được bao phủ bởi những lớp rêu mốc ngả màu theo thời gian, cảnh bà con phải bắc thang chèo lên ngọn mới hái được những “con tôm” đương nhú, mới thấy được sự công phu và tình yêu với rừng chè cổ mà ông cha xưa để lại. Người Sà Dề Phìn mỗi lần đi rừng về, lại tụ tập dưới những gốc chè để thư giãn nghỉ ngơi, miệng ai cũng bỏm bẻm một vài lá chè tươi, cùng cảm nhận vị thanh mát chan chát của lá chè rừng, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ vơi đi cái khát mùa hè. Đã bao đời nay, nước uống hằng ngày của bà con Sà Dề Phìn là chè xanh hãm nước. Bà con bảo, phải là thứ nước mó ở đây hãm chè thì nước mới xanh, hương mới thơm, vị mới ngọt. Đó là mó nước Hảy Đề Xua, theo tiếng bản địa nghĩa là khe nước rừng chè xanh. Chẳng thế mà, các thầy, cô giáo công tác ở đây đến cuối tuần về huyện lại đeo theo can nước và bó chè phía sau. Mọi người bảo nước mó này không những hãm trà ngon mà luộc rau, đun nước uống cũng ngọt. Trước đây, bà con Sà Dề Phìn mỗi khi hạ sơn xuống chợ lại vắt vẻo trên lưng ngựa là bó chè xanh, giá thành cũng chỉ tương đương với cân muối, hay cuộn chỉ, cái kim, số tiền chẳng là bao, nhưng mà vui.
Nghe bà con kể người phát hiện ra “kho báu” bị bỏ quên bấy lâu là những du khách người Nhật. Tình cờ trong một lần du lịch khám phá họ đã tìm đến Sà Dề Phìn. Sau khi được bà con mời nước, những vị khách đến từ xứ sở mặt trời mọc đòi bằng được mọi người đưa lên rừng và tận tay hái thứ lá vừa mới uống kia. Họ quan sát rất tỉ mỉ từng răng cưa, mầu sắc, kích thước của lá chè, rồi cho lên miệng nhai thử. Các du khách đã thốt lên rằng: Ồ ở đây có một “kho báu” do thiên nhiên ban tặng.
Từ ngày phát hiện vùng chè cổ, cùng với đề án bảo tồn cây chè cổ được quy hoạch trong phát triển dự án du lịch của huyện, Sà Dề Phìn đã thu hút hàng trăm lượt khách về tham quan, cũng như tìm hiểu văn hóa của bà con bản địa. Cùng với việc bán lá chè xanh, sản phẩm chè khô tự sao và phục vụ du khách ăn nghỉ tại đây. Nhiều gia đình như Mùa Páo Vừ, Mùa Ka Sinh, Giàng Thị Mẩy nhờ có vườn chè cổ lên tới vài trăm gốc, mỗi năm gia đình cho thu hoạch vài đợt, mỗi đợt hái khoảng 3 đến 5 tạ chè tươi một tôm hai lá bán trực tiếp ngay tại gốc chè cho Công ty cổ phần chè Tam Đường với giá 30 nghìn đồng/kg.
Chăm cây, cây “nuôi” người
Thực hiện Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh. Năm 2016 huyện Sìn Hồ đã ban hành nghị quyết phát triển vùng chè tập trung ở các xã vùng cao, cùng với đề án bảo tồn cây chè cổ gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Sau khi các ban, ngành, chuyên môn tỉnh, huyện, phối hợp Công ty cổ phần chè Tam Đường về khảo sát thực địa, bước đầu áp dụng đưa giống chè Shan tuyết trồng ở bốn bản (Sà Dề Phìn, Bản Chang, Hắt Hơ và Can Hồ), với diện tích hơn 70 ha. Từ nguồn giống, phân bón, chăm sóc kỹ thuật, tất cả phải theo đúng quy trình của cán bộ kỹ thuật. Giờ đây, trên khắp các triền đồi đất hoang của Sà Dề Phìn đã được bao phủ bởi một mầu xanh ngút ngàn. Bà con được nhân viên công ty chè hướng dẫn cách thu hái và bảo quản. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn Sùng A Dờ khẳng định: cây chè đã thật sự bám rễ trên miền đất Sà Dề Phìn, và trở thành cây chủ lực dần thay thế các cây trồng khác và đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con.
Ông Giàng A Tùng, bản Chang thì thú thật: Ban đầu bà con còn nghi ngại về sự phát triển của cây chè, không biết có phù hợp không. Bởi bao đời nay, người dân chỉ quen trồng cây ngô, cây lúa trên nương. Thực tế bà con cũng có trồng một số cây mới trên diện tích này, nhưng hiệu quả đem lại không cao. Một điều làm bà con còn lo lắng là đầu ra, vì đó là điều trở ngại lớn nhất. Bởi đã có nhiều dự án đưa ra, bà con hưởng ứng nhiệt tình, nhưng trở ngại vẫn là chuyện tiêu thụ.
Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ trung tâm khuyến nông huyện, Công ty cổ phần chè Tam Đường, bà con đã dần làm quen với và biết chăm sóc cây chè. Đến nay, toàn xã đã có 170 hộ gia đình trồng cây chè Shan tuyết ở bảy bản, với diện tích gần 150 ha. Cùng với việc chăm sóc diện tích chè chất lượng cao và bảo vệ vùng chè cổ, người dân đã tập trung vào công tác bảo vệ rừng đầu nguồn để bảo đảm môi trường và nguồn nước cho vùng chè phát triển.
Nhìn những nếp nhà cổ trình tường, phía trên gắn những mái đá thâm u, nằm xen giữa những đồi chè hình mâm xôi mới nhú. Một mầu xanh ngút ngàn đang bao trùm càng làm cho vùng đất nơi đây trong lành. Trong tương lai không xa, vùng đất này sẽ là điểm đến của các du khách muốn khám phá, trải nghiệm sự mộc mạc, hoang sơ.
Chia tay Sà Dề Phìn, chúng tôi không quên lời bố bản nói trong lâng lâng khói thuốc: “Kẻ nào chặt phá rừng. Rừng chết, thần rừng nổi giận, thần linh sẽ không bảo vệ, con cháu đời sau sẽ khổ thôi”.
Và giờ thì tôi đã tự trả lời cho những băn khoăn bấy lâu: Tại sao những năm trước đây, trong khi nhiều cánh rừng ở Sìn Hồ bị tàn phá đến đau xót bởi nạn du canh, du cư, khai thác lâm sản trái phép để trục lợi. Thì ở Sà Dề Phìn vẫn còn giữ được những bạt ngàn rừng cây nguyên sinh như thế. Đó là trách nhiệm, là lời hứa với rừng.
Trưởng bản Mùa Trù Sinh mời chúng tôi về nhà để thưởng thức trà xanh do chính tay anh hãm. Khi lá chè được cho vào ấm, tôi đã cảm nhận được mùi hương thơm rất quyến rũ. Đó là mùi phảng phất của lá chè đặc trưng, một mùi hương riêng có. Nếu ai đã một lần nhấp chén trà nơi đây sẽ khó quên được cái vị ngọt mát, nhẹ nhàng xông lên mũi, một mùi hương thoảng quyện trong mầu xanh sóng sánh, tinh khiết. Thường đối với trà cổ thụ nước sẽ vàng, nhưng nước của loại trà Sà Dề Phìn thì lại rất xanh tươi, nhìn thật đẹp mắt. Đưa chén trà lên mũi đã thấy mùi thơm ngọt nhẹ, dịu dàng, hòa trong cái vị ngầy ngậy cứ chạy dần vào khoang miệng như không muốn dừng. |
Theo Nhandan
Lượt xem : 1433