Vietnamese English
Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

2/10/2020 8:56:00 AM

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, dự kiến hết năm 2020, sẽ có 3.843 sản phẩm OCOP (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") được 61 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm). Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ sản phẩm OCOP đang gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp...

 

Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ða dạng sản phẩm OCOP

Thanh Hóa, một trong những tỉnh có sự đa dạng về sinh thái gồm: Ðồng bằng ven biển, trung du và miền núi, được xem là những lợi thế để có thể tạo ra sản phẩm đa dạng từ nông nghiệp, nông thôn gắn với đặc trưng của vùng, miền. Song, dù đã có những đột phá về chính sách, nỗ lực trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác, gắn phát triển kinh tế với du lịch… nhưng kinh tế nông thôn vẫn không phát triển, thậm chí còn nảy sinh những bất cập do thiếu đồng bộ trong tổ chức sản xuất từ nghiên cứu, thiết kế sản phẩm… đến bảo quản, xây dựng thương hiệu và nhất là xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hầu như không có. Nhìn rõ những khó khăn nội tại, tỉnh Thanh Hóa đã chọn thực hiện Chương trình OCOP làm mũi đột phá, nhằm biến lợi thế trở thành nguồn lực.

Theo Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa Trần Ðức Năng, tỉnh đã mời các chuyên gia OCOP Trung ương về truyền giảng ở ba hội nghị cấp tỉnh, 27 hội nghị cấp huyện cho 4.845 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh; cấp huyện; các xã, phường, thị trấn, giám đốc các HTX dịch vụ nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình OCOP. Ngoài ra, tỉnh cũng mở lớp tập huấn kiến thức cho 675 học viên là cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã quản lý, điều hành chương trình và một lớp tập huấn cho 71 học viên là lãnh đạo, nhân viên của các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Nhờ đó, chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đã có 57 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình. Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã thẩm định, xếp hạng và Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 13 sản phẩm OCOP... Ngoài ra, Tổ giúp việc của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm tỉnh đã dự thảo chấm điểm cho 21 sản phẩm đạt yêu cầu từ ba sao trở lên; đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân thành công phải kể đến tỉnh Sơn La. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững với những cách làm phù hợp, đến nay toàn bộ 11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Cả tỉnh có gần 200 loại sản phẩm lợi thế mang lại giá trị kinh tế. Riêng năm 2019 có 28 sản phẩm OCOP và 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, cụ thể như: chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà-phê Sơn La…

Theo Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Sơn La Phạm Anh Hữu, địa phương đang triển khai các quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Vùng trồng cà-phê, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả sạch… Ðồng thời, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững…

Ðẩy mạnh hoạt động kết nối

Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ Chính phủ, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương.

Theo Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương Ngô Tất Thắng, để đẩy mạnh chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc, song tiến độ thực hiện Chương trình OCOP tại một số tỉnh, thành phố còn chậm, điển hình như tại Lạng Sơn, Lai Châu, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cao Bằng, Thái Bình, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ và sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt, đội ngũ tư vấn đủ trình độ còn thiếu, do đó công tác xây dựng đề án của địa phương mất nhiều thời gian.

Ðể xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, nhiều địa phương đã có những bước đi cụ thể, linh hoạt. Theo Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa Trần Ðức Năng, tính đến nay tỉnh đã hỗ trợ 13 sản phẩm đạt sao, mức hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm để thực hiện các nội dung: tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; in tem, nhãn, QR code; in bao bì...

Ðể liên kết tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc Phát triển kinh doanh tập đoàn Central Retail Việt Nam Phạm Thị Thùy Linh đã chỉ ra những hạn chế khiến cho sản phẩm OCOP chưa đến được với số đông người tiêu dùng và xuất khẩu cần phải được khắc phục. Ðó là do nhiều doanh nghiệp, HTX chỉ mới lấy chứng nhận OCOP mà chưa thật sự quan tâm đưa sản phẩm vào siêu thị để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Do đó, Big C đã và đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hàng OCOP… trong việc đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu. Ðồng thời hoàn thiện những khâu cuối cùng về hồ sơ, thủ tục để đưa thêm 50 sản phẩm OCOP nữa vào bày bán trên hệ thống Big C và GO!

Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, đã có 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án/kế hoạch, có gần 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia Chương trình OCOP, tăng gần 200 tổ chức kinh tế. Ðã có 583 tổ chức kinh tế đã đề xuất và được đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp Giấy chứng nhận từ ba sao trở lên. Tổng nguồn lực huy động dự kiến của 3.300 tổ chức kinh tế để sản xuất sản phẩm OCOP đạt gần 10.015 tỷ đồng.

 

Sơn Hà/Nhandan

Lượt xem : 1460