Lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
4/17/2019 8:09:00 AM
Ngày 16/4, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tổ chức tham vấn về lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
Ảnh: IE
Theo Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành được đưa vào trong quá trình quản lý và bảo vệ môi trường, có nhiều công cụ quản lý đã được đưa vào cuộc sống như đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình biện pháp bảo vệ môi trường, các giấy phép về quản lý chất thải, đăng ký chủ nguồn thải và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, quan trắc môi trường.
Những công cụ này đã phát huy được hiệu quả nhất định trong quản lý và bảo vệ môi trường, tuy vậy trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định cần được tiếp tục nghiên cứu và tạo sự kết nối xuyên suốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý môi trường.
Thực tế đã xảy ra sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch phát triển dẫn đến sự phá vỡ cân bằng giữa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa và sự lãng phí, kém hiệu quả trong công tác quy hoạch. Các loại hình quy hoạch phát triển chưa có được sự gắn kết giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các yêu cầu về quản lý và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử... Thiếu các cơ chế và công cụ quản lý về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đối với từng vùng, từng lĩnh vực và hoạt động cụ thể; thiếu sự phân vùng và định hướng bảo vệ môi trường cũng đã và đang là vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu để giải quyết các tồn tại ngay tại thời điểm hiện nay.
Ông Vũ Thế Trung, Tổng cục Môi trường cho rằng, theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia sẽ được thực hiện cho giai đoạn đầu tiên từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác xây dựng và hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng quyết định đến sự thành công của việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia cũng như vấn đề tích hợp nội dung quản lý và bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh.
Các đại biểu đã cung cấp thông tin liên quan đến quy hoạch bảo vệ môi trường, các nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia cũng như vấn đề tích hợp nội dung quản lý và bảo vệ môi trường trong quy hoạch cấp tỉnh, các nội dung chuyên sâu về công tác quản lý,bảo vệ môi trường, tránh xung đột với các quy hoạch khác.
Tiến sĩ Hoàng Hồng Hạnh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng phân vùng có thể coi là công cụ quan trọng và là bước đầu tiên của quy hoạch bảo vệ môi trường. Phân vùng môi trường thường sử dụng công cụ đánh giá đa tiêu chí, cần chú ý đến các đặc điểm đặc trưng của từng vùng và làm rõ những mục tiêu môi trường ưu tiên cần đạt, tiếp tục nghiên cứu phương pháp xác định ngưỡng chịu tải môi trường trong phân vùng môi trường.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội đã thực hiện việc phân thành các tiểu vùng chức năng môi trường, tuy vậy do có sự xung đột với các quy hoạch khác nên vẫn chưa phê duyệt được phân vùng này. Môi trường nước và không khí thì nên có sự liên kết vùng trong xử lý.
Theo chuyên gia môi trường Trịnh Thị Thanh, quy hoạch bảo vệ môi trường chỉ ở mức lồng ghép với cấp tỉnh là chưa phù hợp. Nội dung thực hiện không chỉ bám chắc vào 3 vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải và quan trắc môi trường mà phải có tầm nhìn rộng hơn, trong cái nhìn tổng thể với các quy hoạch khác và buộc phải có phân vùng môi trường.
Minh Nguyệt
(Vea.gov.vn)
Lượt xem : 1603