Cổ thụ ở Khu dự trữ sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản tự thân nó là một hoạt động khoa học mang tính chuyên sâu, không mang tính hành chính đơn thuần và cần làm thường xuyên, liên tục, nhất là trong bối cảnh mối đe dọa của biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, khó lường. Những nghiên cứu giá trị di sản, giám định di vật, cổ vật, nghiên cứu đề xuất các biện pháp bảo tồn gìn giữ... đòi hỏi sự chung tay, góp sức của đội ngũ những người am hiểu chuyên môn, có kinh nghiệm.
Việt Nam ủng hộ Mạng lưới xanh
Tại hội thảo nhân 40 năm thực hiện Công ước 1972, 25 năm Việt Nam thực hiện có hiệu quả Công ước này, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đã đề xuất ý tưởng thành lập một Mạng lưới theo dõi, phát huy, bảo tồn giá trị di sản thế giới ở khu vực Đông Nam Á để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân với di sản, góp sức bảo vệ môi trường, kinh tế du lịch phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hoan nghênh đề xuất này trong phát biểu tối ngày 11-9, tại lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện Công ước 1972 và đón nhận 2 Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình).
Khu dự trữ sinh quyển là "những khu vực hệ sinh thái bờ biển và trên cạn, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”. Khác với Vườn quốc gia hay khu Bảo tồn thiên nhiên chỉ thực hiện 1 trong 3 chức năng của một khu Dự trữ sinh quyển, đó là chức năng bảo tồn, khu Dự trữ sinh quyển ngoài chức năng bảo tồn (thiên nhiên là chủ yếu), còn thực hiện chức năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch sinh thái..., chức năng hỗ trợ nghiên cứu khoa học, giáo dục để nâng cao trình độ dân trí... Hiện 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đều đang làm tốt cả 3 chức năng này.
Đó là Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác, một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. UNESCO công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Hay Khu dự trữ sinh quyển - Vườn quốc gia Cát Tiên - lá phổi xanh giữa miền Ðông Nam Bộ vừa được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Một cuốn hút khác của rừng Cát Tiên là sự tồn tại của đàn bò tót khổng lồ nặng trên hàng tạ với số lượng khoảng 70-80 con, nhưng hiện có nguy cơ tuyệt chủng cao do bị săn bắn trộm và mất chỗ ở vì rừng bị chặt phá.
Các Khu dự trữ sinh quyển - Quần đảo Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, Khu dự trữ sinh quyển - Cù lao Chàm đều đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, rất nên kết nối trong Mạng lưới xanh để bảo tồn bền vững hơn các giá trị văn hóa thiên nhiên, trong sự phát triển bền vững của khu vực.
40 năm công ước Di sảnthế giới
Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản thế giới) – một Công ước đã truyền cảm hứng tới cộng đồng quốc tế để cùng đồng tâm, hợp lực vào hỗ trợ những dự án bảo tồn nổi tiếng.
Chiến dịch vận động năm 1960 kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế bảo vệ di sản thế giới khu Di tích khảo cổ Abu Simbel ở Ai Cập và di tích các Đền đài Nubian ở Sudan khỏi thiên tai lũ lụt, được triển khai bằng việc xây dựng đập nước Aswan trên sông Nile. Chiến dịch vận động của UNESCO vào năm 1960 còn giúp bảo tồn những di sản thế giới quý giá bị lâm nguy như thành phố Venice (Italy) bị ảnh hưởng sau trận lũ lụt nghiêm trọng vào năm 1966...
Các chương trình chuyên đề dành riêng cho di sản vùng biển, di sản thiên nhiên rừng, du lịch bền vững, kiến trúc gạch theo đó được triển khai. Nhiều công trình nghiên cứu mang tính đột phá đã công bố. Như nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tại các di sản trên khắp thế giới. Một mạng lưới toàn cầu của các nhà quản lý di sản vùng biển được thành lập. Việc quản lý bền vững di sản thiên nhiên rừng cũng đã được cải tiến một cách đáng kể (khoảng 13% rừng trên hành tinh được bảo vệ bởi hiệu lực của Công ước). Đây chính là minh chứng không thể phủ nhận cho sự thành công vượt bậc của Công ước Di sản thế giới.
Thanh Lê