Vietnamese English
Lắp 300 đèn LED năng lượng mặt trời trên quốc lộ

3/3/2016 2:15:00 PM

Dự án bao gồm lắp đặt mới 300 đèn LED chiếu sáng đường sử dụng năng lượng mặt trời và thay thế 240 đèn LED tiết kiệm năng lượng sử dụng điện lưới; lắp đặt mới hơn 2.700 các loại thiết bị an toàn giao thông đường bộ trên 9 km quốc lộ và cao tốc tại các miền Bắc, Trung và Nam trong thời gian 2016-2018. Tổng mức đầu tư dự án thí điểm hơn 47 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước.

VnExpress cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và phê duyệt chủ trương dự án đầu tư thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời và thiết bị an toàn giao thông dùng năng lượng mặt trời trên một số tuyến quốc lộ, cao tốc nhằm tiết giảm tiêu thụ điện, chi phí khai thác.


Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, cơ quan này đang quản lý khoảng 21.278 km đường quốc lộ và 102 km đường cao tốc. Hiện nay, hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường sử dụng điện và đèn sợi đốt truyền thống, chi phí hàng tháng rất cao, nhiều nơi đã tắt bớt đèn để tiết kiệm. Do vậy, việc ứng dụng năng lượng mặt trời cho hệ thống đèn chiếu sáng sẽ giải quyết các vấn đề như không phụ thuộc vào mạng lưới đường dây điện, thích hợp cho nhiều vùng, đặc biệt là những khu vực xa khu dân cư; giảm nhân công vận hành hệ thống đèn chiếu sáng; không phải chi trả tiền điện hàng tháng.

Quy định 8 loại công trình phải quan trắc khí tượng thuỷ văn

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn.

Theo đó, có 8 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn gồm: 1- Sân bay dân dụng; 2- Hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi có dung tích từ 100 triệu m3 trở lên; Hồ chứa khác thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa; 3- Cảng biển; 4- Bến phà qua vùng cửa sông ven biển; 5- Cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy; 6- Công trình đường cao tốc; 7- Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác kinh doanh du lịch trên tháp; 8- Công trình dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Đề xuất voọc chà vá chân nâu là biểu tượng đa dạng sinh học của Đà Nẵng

Ngày 2/3, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu cho biết sở này đã có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng kiến nghị khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã và đảm bảo đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Theo đó, Sở TN&MT đề nghị TP Đà Nẵng giao Sở NN&PTNT thực hiện báo cáo xác định diện tích, cắm mốc và có biện pháp quản lý chặt đối với Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. TP xem xét, sớm phê duyệt chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2040.

Đặc biệt, năm 2016 cho phép xây dựng hình ảnh cá thể voọc chà vá chân nâu là biểu tượng đa dạng sinh học của TP. Đây cũng là điều kiện để thu hút sự quan tâm, phát triển du lịch, quảng bá cộng đồng biết về tính nguy cấp nhằm bảo vệ sinh vật đặc hữu này của Đà Nẵng. Ông Nguyễn Điều cũng đề nghị các hoạt động phát triển du lịch sinh thái phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của voọc chà vá chân nâu mới được xem xét – theo PL TP HCM.

Hơn 160 thành phố ở Trung Quốc bị ô nhiễm không khí

Bộ Bảo vệ môi trường (MEP) của Trung Quốc thông báo ô nhiễm không khí đã được ghi nhận tại 163 thành phố trên cả nước tính đến giữa ngày 2/3, sau khi mức độ ô nhiễm đã đạt tới ngưỡng đe dọa hôm 1/3.

Thành phố Đường Sơn tại tỉnh Hà Bắc, và thành phố Phụ Dương thuộc tỉnh An Huy là hai thành phố bị ô nhiễm nhiều nhất. 21 thành phố khác, trong đó có Thiên Tân và Lang Phường, ở mức "ô nhiễm nặng." Thủ đô Bắc Kinh cũng bị ô nhiễm nặng với mật độ PM 2.5 trong một giờ lên tới 190 microgram/m3 – theo TTXVN.

Brazil: Hơn 6 tỷ USD khắc phục hậu quả vụ vỡ đập chứa chất thải

Ngày 2/3, Chính phủ Brazil đã đạt được thỏa thuận với công ty khai thác khoáng sản Samarco chi hơn 6 tỷ USD để khắc phục hậu quả của vụ tai nạn vỡ hai đập chứa chất thải độc hại của công ty này tại Bento Rodrigues, bang Minas Gerais, hồi đầu tháng 11 năm ngoái. Thỏa thuận đạt được giữa Brazil và Samarco bao gồm hơn 5 tỷ USD để khắc phục hậu quả xã hội, kinh tế và môi trường do vụ tai nạn gây ra, và hơn 1 tỷ USD để bồi thường cho các nạn nhân trong vòng 15 năm.

Vụ vỡ đập của Samarco được coi là tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Brazil khiến 17 người thiệt mạng, hai người mất tích và nhấn chìm cả một ngôi làng. Ước tính đã có 64 triệu m3 bùn đất cùng nước có chứa chất thải độc hại từ khai thác quặng sắt tràn ra từ các đập bị vỡ, làm ô nhiễm 50km sông Doce tại Bento Rodrigues ra tới biển. Các nhà bảo vệ môi trường nhận định phải mất một thế kỷ mới có thể xử lý xong những tác hại đối với môi trường – theo TTXVN.

Bin Laden từng gửi thư kêu gọi Mỹ ngăn chặn biến đổi khí hậu

Trùm khủng bố Osama bin Laden đã từng viết một bức thư kêu gọi nhân dân Mỹ giúp Tổng thống Barack Obama chiến đấu chống lại thảm họa biến đổi khí hậu và “cứu nhân loại”. Theo các tài liệu mới được công bố, đây là bằng chứng mới nhất về các quan ngại của Bin Laden về các vấn đề môi trường. Bức thư “gửi cho nhân dân Mỹ” mà các quan chức tình báo Mỹ khẳng định là của Bin Laden, không ghi ngày tháng và không ký tên – theo VOV.

Dựa vào các nội dung bên trong, người ta cho rằng bức thư này có thể được viết chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất của mình vào năm 2009. Mối bận tâm của Bin Laden với vấn đề biến đối khí hậu cũng nổi bật trong nhóm tài liệu đầu tiên thu được sau cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden – các  tài liệu này được giải mật vào tháng 5/2015. Một đoạn audio được công bố trên mạng al Jazeera vào tháng 1/2010 cũng khẳng định như vậy. Trong một bức thư khác, Bin Laden hối thúc một trợ lý thân cận mở một chiến dịch truyền thông để kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9/2011, trong đó có lời kêu gọi cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Khởi động Cuộc thi "Nhiếp ảnh gia vì môi trường năm 2016”

Hà Nội Mới đưa tin ngày 2/3/2016, cuộc thi "Nhiếp ảnh gia vì môi trường năm 2016" (Environmental Photographer of the Year) đã chính thức khai mạc và tiếp nhận các tác phẩm đăng kí. Các tay máy có thể tham gia hoàn toàn miễn phí và cuộc thi nhận tác phẩm từ cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn không chuyên ở mọi lứa tuổi. Cuộc thi ảnh xoay quay chủ đề chính là những bức ảnh mô tả được các vấn đề nổi cộm về môi trường và xã hội trên quy mô toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức cho con người về nguyên nhân, hậu quả cũng như giải pháp đối với biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng trong xã hội.

Theo công bố, bên cạnh danh hiệu uy tín "Atkins CIWEM Environmental Photographer of the Year", người chiến thắng cuộc thi cũng sẽ nhận được phần thưởng có giá trị 3.000 bảng Anh. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao các giải phụ bao gồm cả Nhiếp ảnh gia trẻ vì môi trường của năm, Ảnh chụp thể loại phim... Theo thể lệ đề ra, hình ảnh tham gia cuộc thi phải được chụp từ ngày 1/1/2015 tới hạn chót là ngày 18/4/2016 (mỗi cá nhân có thể gửi tối đa 10 ảnh khác nhau). Chi tiết đăng kí có thể xem thêm tại: www.epoty.org.

Pháp lên kế hoạch thắp sáng Thủ đô Paris bằng vi khuẩn phát quang

Nhằm tiết kiệm điện năng cũng như bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, một công ty tại Pháp có tên là Glowee đang lên kế hoạch thắp sáng các ngả đường ở Thủ đô Paris bằng các loại vi khuẩn phát quang. Theo tờ IFL Science, công ty Glowee đang lên kế hoạch sử dụng các loại vi khuẩn phát quang để chế tạo ra một loại bóng đèn sinh học. Sau đó, sử dụng loại bóng đèn này để lắp đặt ở phía trước các cửa hàng, khu phố, các nơi công cộng nhằm mục đích thắp sáng cho khắp các nẻo đường ở Thủ đô Paris – theo Khoa học & Phát triển.

Được biết, để làm được loại bóng đèn sinh học kể trên, người ta chế tạo một vật thể trong suốt, rồi cho vào đó khí oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu dạng gel để tạo môi trường sống cho vi khuẩn phát quang. Đáng chú ý, các loại vi khuẩn phát quang này không hề gây bệnh hoặc độc hại cho con người. Nếu dự án này được triển khai và đạt thành công một cách toàn diện, nó sẽ giúp các thành phố tiết kiệm được rất nhiều điện năng trong việc phát sáng. Đồng thời, việc sử dụng vi khuẩn phát quang để tạo ra ánh sáng sẽ giúp một trường được xanh, sạch hơn, bởi chúng tạo ra khí CO2 ít hơn đáng kể so với các phương tiện phát sáng thông thường.

Theo Mai Anh (Moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2542