Vietnamese English
Lãnh đạo vacne tham gia hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ”

10/25/2024 12:02:00 PM

(VACNE) - Được sự phân công của Chủ tịch Hội, sáng ngày 24/10/2024, tại Trụ sở Liên hiệp Hội Việt Nam, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó chủ tịch VACNE đã tham gia và trình bày chuyên đề: “Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho cộng đồng”.

 


Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó chủ tịch VACNE trình bày tham luân tại Hội thảo, ngày 24/10/2024.


Dưới đây là nội dung chuyên đề:


 HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHO CỘNG ĐỒNG                                               


1. Đặt vấn đề


1.1.
Phổ biến kiến thức giữ vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng cho cộng đồng. Phổ biến kiến thức là phương tiện chuyển tải nhanh nhất điều chúng ta mong muốn làm cho cộng đồng biết, cộng đồng hiểu, cộng đồng tin và cộng đồng làm theo.


Một thời gian dài, nước ta, phổ biến kiến thức chủ yếu thông qua sách báo, hội nghị, hội thảo, tập huấn,…Gần đây, hệ thống thông tin phát triển, công tác phổ biến kiến thức qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có những kênh truyền thống và thêm kênh thông qua mạng xã hội.


1.2.
Trong nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Việt Nam và các Hội thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho cộng đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng còn có khoảng cách.


1.3. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (gọi tắt là VACNE) là hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong nhiều năm qua, VACNE đã thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ đến các cộng đồng. Song, hoạt động của VACNE chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng về kiến thức khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH),


2. Từ khóa


Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thiết thực nhằm phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ về BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng trong thời gian tới.

                                
NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ


1. Phân loại về cộng đồng


Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên cần phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho các cộng đồng sau:


1.1.
Khái niệm về cộng đồng


Cộng đồng được hiểu là: “Toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội”
[1]. Trong thực tế, ở Việt Nam có một số cộng đồng có trách nhiệm và quyền lợi trong bảo vệ môi trường không khí.


Đó là: (i) Cộng đồng trong các đơn vị kinh tế; (ii)
Cộng đồng hợp tác xã; (iii) Cộng đồng dân cư; (iv)  Cộng đồng trường học; (v) Cộng đồng tôn giáo.


1.2. Đặc điểm cộng đồng


Nhìn chung, các cộng đồng người Việt có chung những đặc điểm sau: (i) Có chung nguồn gốc, lịch sử phát triển, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; (ii) Các cộng đồng có những thành phần xã hội, bao gồm: - Các dân tộc (người đa số và người thiểu số); - Giới nam và nữ; - Các giai cấp và tầng lớp xã hội (công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân…); - Các tôn giáo; - Các lứa tuổi (Thiếu nhi, Thanh niên, Trung niên và người cao tuổi); (iii) Các cộng đồng có quan hệ mật thiết với môi trường thiên nhiên, có tác động tích cực và tác động tiêu cực lên môi trường. Và có mối quan hệ nhiều mặt đối với chất lương của môi trường không khí; (iv) Có các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp (chi bộ Đảng, các đoàn thể nhân dân); (v) Có các mối quan hệ xã hội (dòng họ, đồng hương, đồng nghiệp, đồng môn, đồng niên…).

         
Như vậy, hệ sinh thái trong phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên, trong đó có VACNE rất rộng, đa dạng về thành phần, phong phú về lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, đối tượng của hoạt động phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam còn dư dịa rất lớn. Đó vừa là thuận lợi và thời cơ, vừa là khó khăn và thách thức cho công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên, trong đó có VACNE.


2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của cộng đồng


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu sắc cho Nhân dân. Người đã tiếp thu tư tưởng của các bậc tiền nhân để làm công tác vận động Nhân dân tham gia cách mạng. Trong đó, có tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông - Người anh hùng dân tộc đã hai lần lãnh đạo Nhân dân ta đánh thắng đế quốc Nguyên - Mông. Ngay s
au khi nhường ngôi cho con, Phật hoàng đã tìm kế sách khoan dân, để ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm đắc với câu mở đầu trong “Áng thiên cổ hùng văn”, mang tên “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, bậc vĩ nhân của dân tộc  (viết năm 1428): “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Từ câu nói đó,  Nguyễn Trãi đúc kết thành chân lý: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng câu nói của Nhân dân tỉnh Quảng Bình: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” thành tư tưởng “lấy dân làm gốc” của mình. Từ học và làm theo tư tưởng vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết thành tư tưởng sâu sắc: “Nước lấy dân làm gốc...Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
[2].

           
Chủ tịch Hồ Chí Minh
đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò to lớn không thể thay thế của quần chúng Nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”
[3].

         
Tư tưởng Hồ Chí Minh lấy dân làm gốc là tiền đề quan trong cho định hướng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên trong công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng.


3
. Triết lý nâng cao năng lực cho người dân


Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, VACNE đã vận dụng “Triết lý giáo dục” của UNESCO  vào công tác phổ biến kiến thức nhằm nâng cao năng lực cho người dân sinh sống trong cộng đồng. Có thể nói đây là kinh nghiệm của VACNE trong phổ biến kiến thức môi trường và bảo vệ môi trương, biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học,…Triết lý đó được vận dụng như sau: (i) Học để chung sống – Tức là mọi người dân, kể cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân phải tham gia xã hội học tập, phải không ngừng học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời; mọi người, ở đâu, làm gì, thời gian nào cũng phải học để có nhận thức, kiến thức, tri thức bản địa, kinh nghiệm và kỹ năng chung sống với môi trường thiên nhiên, ứng với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (ii) Học để biết – Tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân học để biết những yếu tố của môi trường, những tác nhân gây ra và nguyên nhân của BĐKH và suy thoái ĐDSH; học để hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vai trò của cộng đồng và chủ trương của các đoàn thể nhân dân trong việc huy động người dân tham gia
BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (iii) Học để làm – tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân học để có kiến thức, tri thức bản địa, kinh nghiệp, kỹ năng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; biết cách vận dụng những nội dung học được vào thực hành BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (iv)  Học để tồn tại – Tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân học để có hiểu biết, con người chỉ có thể chung sống hoặc thích ứng hoặc ứng phó với BĐKH. Đây là cách lựa chọn thông minh của loài người, tìm cách chung sống với BĐKH.


4. VACNE đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức trong các cộng đồng


4.1. VACNE đề ra định hướng cho công tác phổ biến kiến thức


VACNE luôn quan tâm đến hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ nhằm nâng cao
năng lực cho cộng đồng. Năng lực của mọi người dân sinh sống, học tập, lao động trong cộng đồng là những đặc điểm cá nhân của mỗi người, được thể hiện mức độ thành thạo và chắc chắn trong thực hiện hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH. Năng lực của mọi người dân tham gia các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH phần lớn được hình thành trong lao động, học tập và đời sống. Năng lực của người dân không phải là bẩm sinh, mà do sự giáo dục của tập thể, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ và sự rèn luyện của bản thân. Năng lực của người dân sinh sống trong cộng đồng phụ thuộc vào môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường xã hội và những hoạt động của các đoàn thể nhân dân nhằm trang bị kiến thức khoa học và công nghệ cho cộng đồng.


Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học của người dân sinh sống trong cộng đồng theo ba định hướng sau: (i) Phát huy khả năng, điều kiện sẵn có của người dân để thực hiện có hiệu quả các hoạt đông
BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (ii) Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của người dân sinh sống trong cộng đồng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (iii) Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chính quyền, cán bộ các đoàn thể nhân dân và đội ngũ doanh nhân có kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH.


4.2. Những hoạt động phổ biến kiến thức cho cộng đồng của VACNE


Trong nhiều năm qua, VACNE đã tổ chức những hoạt động sau để phổ biến kiến thức: (i)
Nghiên cứu khoa học, công nghệ và áp dụng vào thực tiễn về BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (ii) Xây dựng, duy trì và phổ biến các mô hình BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH ; (iii) Xuất bản các tạp chí, ấn phẩm về môi trường, trong đó có cuốn sách “Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là xu hướng hợp thời đại trong bối cảnh suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu” do Nhà xuất bản Tri thức thực hiện; (iv) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi viết, thi vẽ tranh, thi sáng tạo về bảo vệ nguồn nước,…; (v) Tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn về BVMT, ứng phó với BĐKH và bảo tồn ĐDSH; (vi) Tổ chức các sự kiện “Vì môi trường xanh quốc gia”, Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái Đất, Làm cho thế giới sạch hơn,…; (vii) Tổ chức Chương trình Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.


5. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến kiến thức của VACNE


5.1. Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác phổ biến kiến thức


Chúng tôi cho rằng, có 6 yếu tố hoặc hệ sinh thái của công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng. Đó là: Phổ biến nội dung gì? Phổ biến cho ai? Phổ biến bằng hình thức nào? Phổ biến khi nào? Ai làm công tác phổ biến kiến thức? Rủi ro nào cần khắc phục trong phổ biến kiến thức cho cộng đồng? Đánh giá như thế nào về tác động của công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng?


5.2. Những giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng


Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau: (i) Cần phổ biến nội dung mà cộng đồng cần, chứ không phải là phổ biến nội dung mà chúng ta có (phải biết, mỗi cộng đồng cần loại kiến thức nào); (ii) Phổ biến cho các cộng đồng nói chung, nhưng cần tập trung vào một số đối tượng – Những đối tượng cần kiến thức và có tác động lan tỏa như: (tuổi trẻ, nông dân, vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo); (iii) Dùng các hình thức phong phú, đa dạng, có thể lồng ghép như: hội nghị, hội thảo, tập huấn và phổ biến qua kênh sách, báo, nhất là thông qua mạng xã hội, trí tuệ thông minh; (iv) Phổ biến vào thời gian thích hợp với từng cộng đồng; (v) Nâng cao năng lực cho người làm công tác phổ biến kiến thức (cán bộ của các đoàn thể nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, các chức săc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng); trong những năm qua, VACNE đã phối hợp hoặc lồng ghép hoạt động phổ biến kiến thức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số dơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam,…(vi) Cần hiểu rủi ro và cách khắc phục rủi ro trong khi làm công tác phổ biến kiến thức trong cộng đồng; (vii) Cần đánh giá tác động của công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng, theo nguyên tắc
SMART, gồm:

          S – Specific: Nội dung cụ thể, phổ thông, dễ hiểu;

          M – Measurabic: Đo lường được số lần, số người tham gia, sự hài lòng của cộng đồng, việc vận dụng kiến thức học được tại cộng đồng;

          A – Attainnable: Những chỉ tiêu đưa ra có thể đạt được (Tính khả thi);

          R – Relevant: Thực tế hoặc bằng chứng thông qua nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng;

T – Time Bound: Xác định thời gian thực hiện phù hợp cho cộng đồng.


Bảy giải pháp nêu trên có tính tổng hợp, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau để nâng cao chất lượng công tác phổ biến kiến thức cho cộng đồng trong thời gian tới.


6. Kết luận và khuyến nghị

6.1. Kết luận


Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên. Trong nhiều năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên, trong đó có VACNE tổ chức nhiều hoạt động, nhưng so với nhu cầu còn chưa đáp ứng. Do đó, cần đề xuất các giải pháp để VACNE nâng cao hiệu quả công tác phổ biến kiến thức cho các cộng đồng trong thời gian tới.


6.2. Khuyến nghị

- Đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam mở các hội nghị hoặc tập huấn trực tuyến để nâng cao năng lực làm công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ của các Hội thành viên;

 - Đề nghị Liên hiệp Hội tổ chức nghiên cứu nhằm đổi mới nội dung và phương thức phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho các cộng đồng người Việt Nam./.

                                               
Bài và ảnh của PV-VACNE

         

 

 

 



[1] Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr.212.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr. 501-502.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 8,tr.276.

Lượt xem : 380