Khoảng 8 năm trước, về xã Trà Linh (H.Nam Trà My, Quảng Nam) tìm “đỏ mắt” mới thấy một căn nhà đúng nghĩa, bởi hầu hết đều nghèo xơ xác. Nhưng nay, nhà cao tầng đã mọc san sát, đường ô tô cũng vào tận thôn bản. Và rồi, một ngôi làng tỉ phú dần xuất hiện trên đỉnh Ngọc Linh…
Khi thần rừng ưu đãi...
|
|
|
Bao đời nay bà con đã chịu quá nhiều cực khổ, giờ được thần rừng ưu đãi, muốn cho con cái được hưởng những gì mà cha chú nó chỉ biết ao ước. Cũng là cách để cho con cháu thấy nguồn lợi lớn từ sâm Ngọc Linh, rồi tiếp tục gìn giữ và phát triển nó đời này sang đời khác
|
|
|
|
|
|
Nóc Măng Lùng (thôn 1, xã Trà Linh) của già Hồ Văn Du thậm chí còn xa hơn nóc Tắk Lang hiện tại. Cách đây chừng 3 năm, người dân được một phen trầm trồ khi già Du bỏ ra… 200 triệu đồng chỉ để xây nhà vệ sinh khép kín. “Ban đầu họ thấy lạ và không tin đó là sự thật. Ai cũng nghĩ ở xứ núi này nhà ở còn chưa kiên cố, nói gì đến xây cái nhà vệ sinh hàng trăm triệu đồng. Nhưng với mình, cái giá đó cũng hợp lý”, già Du nói.
Già Du là một trong những người có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh ở Măng Lùng. Ông bảo, chuyện bỏ ra tiền tỉ chỉ để xây dựng những ngôi nhà cấp 4 không bất ngờ và cũng chẳng hoang phí. Chi phí gia tăng chủ yếu do công vận chuyển vật liệu. “Thời điểm đó, cõng một bao xi măng từ trung tâm xã lên tới nơi cũng mất 3 tiếng đồng hồ”, già Du giải thích thêm.
Đồng bào Xê Đăng ở vùng sâm muốn xây nhà buộc phải chấp nhận chi phí cao hơn mấy chục lần. Đó là chuyện cũ. Giờ, đã có con đường mở lên tới thôn nên chi phí vận chuyển đã được giảm bớt, dù không hề thấp nếu so với dưới xuôi. Nhà cửa bắt đầu san sát. “Bao đời nay bà con đã chịu quá nhiều cực khổ, giờ được thần rừng ưu đãi, muốn cho con cái được hưởng những gì mà cha chú nó chỉ biết ao ước. Cũng là cách để cho con cháu thấy nguồn lợi lớn từ sâm Ngọc Linh, rồi tiếp tục gìn giữ và phát triển nó đời này sang đời khác. Như là của để dành mà mẹ rừng đã tặng cho người Xê Đăng dưới dãy Ngọc Linh này”, già Du khẳng định chắc nịch.
Đường vào “làng tỉ phú” Tắk Lang được đổ bê tông, ô tô vào tận hiên nhà
|
Đổi sâm... lấy nhà
|
|
Câu chuyện về cách tiêu tiền của người dân Xê Đăng đã làm cho nhiều người sợ rằng họ sẽ sớm tái nghèo.
Như có một thanh niên vì không chạy được xe máy nên mua... ô tô để đi. Lúc học lái xe, anh cũng ra tận Huế để “luyện”, vì cho rằng quanh quẩn ở Quảng Nam hay Đà Nẵng thì… gần nhà quá.
Lối tiêu pha này bắt đầu có chỗ “khác lạ” so với bản tính kỹ lưỡng, hiền lành của người vùng cao bấy lâu nay.
Bởi với họ, lâu nay trước khi tiêu pha tiền bạc vào việc gì, họ đều ngước nhìn về phía rừng sâu, như để xin phép...
|
|
|
Trở lại với Tắk Lang ở thôn 3. Gọi đấy là làng tỉ phú quả không sai. Từ những ngôi nhà nằm chênh vênh bên sườn núi, giờ làng bản đã có nhiều thay đổi. Hơn 20 “đại gia” xây nhà to. Hơn 10 gia đình mua ô tô tiền tỉ. Nhà kiên cố thì càng nhiều…
Gia đình anh Hồ Văn Hình vừa xây dựng cơ ngơi được cho là hoành tráng nhất vùng. Chúng tôi nhìn "quần thể" nhà kéo dài gần 100 m liền kề vừa xây dựng mà không khỏi trầm trồ. Phía dưới, một bờ kè chống sạt lở cao hơn 5 m xây bằng đá cũng ngốn của anh hơn 2 tỉ đồng. Phía trên bờ kè đầu tiên, một nhà xe dành riêng chỉ để ô tô, tiếp đến nhà để xe máy. Khu vực kế bên dùng chứa máy xay xát gạo, rồi đến nhà kho, bếp nấu ăn, cạnh đó là ngôi nhà hai tầng hơn 100 m2. Chưa hết, một căn nhà kiểu biệt thự được lắp điều hòa các phòng. Tổng số tiền đầu tư cho dãy nhà này tính ra cũng hơn 10 tỉ đồng.
Để có được cơ ngơi này, anh Hình đã đổi hơn 1 tạ sâm Ngọc Linh loại 1. Ô tô mua từ trước tết lấy từ nguồn tiền bán hơn 10 kg sâm. “Ở đây xây dựng một cái gì cũng đắt gấp 5 - 10 lần so với dưới đồng bằng. Việc tiền bạc hết bao nhiêu không quan trọng, miễn là mỗi khi trời mưa gió được ở trong ngôi nhà xây chắc chắn là được rồi. Đắt mấy mình cũng chấp nhận. Đổi sâm lấy nhà là chuyện thường tình, khi họ xây nhà xong thì mình đưa sâm cho họ rồi quy ra tiền thôi”, anh Hình bộc bạch.
Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh, phấn khởi khoe rằng nơi đây đang thay đổi từng ngày. Tính đến cuối năm 2018, bà con Xê Đăng ở xã Trà Linh đã gửi tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng, có nhà gửi hàng chục tỉ đồng. Tiền có được đa số là từ nguồn bán sâm Ngọc Linh. Nhưng đối với họ, đó chỉ là con số nhỏ. Tài sản "khủng" hơn của họ còn đang nằm yên ở những rẫy sâm bạt ngàn trên đỉnh Ngọc Linh.
“Với người dân Xê Đăng, chuyện xây nhà tiêu tốn hàng tỉ đồng giờ là chuyện quá bình thường. Nóc Tắk Lang 100% người dân đều trồng sâm Ngọc Linh, giờ họ không tỉ phú mới là... chuyện lạ”, ông Thể cười nói.
Công trình kiên cố của gia đình anh Hồ Văn Hình
Phố núi và biệt thự
Xứ sở Nam Trà My đã trở nên quá quen thuộc với sâm Ngọc Linh, giờ đã trở thành sản phẩm quốc gia. Nhưng người trồng sâm lâu năm cũng không ngờ có một ngày mình lại có thể giàu nhờ giống cây do mẹ rừng ban tặng, được bao thế hệ gìn giữ.
Chừng 8 năm trước, lá sâm Ngọc Linh vẫn còn là một thứ rất thường, nhiều khi người dân bản địa còn đem cho heo ăn. Vậy mà ngoảnh lại, khi giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt, đống lá ngày nào “không biết làm gì” nay đã hơn 10 triệu đồng mỗi ký lá tươi.
Lá khô càng đắt, lên tới 35 - 40 triệu đồng/kg mà chẳng có để mua. Còn sâm củ thì đúng là một tấc lên trời, giá cao ngất ngưởng. Vậy là tiền thi nhau đổ về, người dân Trà Linh đổi đời từ đó.
Trà Linh những ngày cuối tháng 4 vẫn giữ cho mình cái lạnh đặc trưng khi cơn mưa chiều bất chợt ập xuống. Lửa vẫn cháy trong những ngôi nhà sàn, bên cạnh ngôi nhà cao tầng, nhà kiên cố.
Nhưng bản làng Xê Đăng giờ đổi khác nhiều, trên đỉnh núi Ngọc Linh đã “mọc” lên những phố núi mà ô tô chạy đến tận nơi rồi đỗ xịch bên trong các biệt thự trong lành tỉ phú của chính người Xê Đăng…