Vietnamese English
Lạng Sơn: Tích cực thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường

5/4/2021 6:32:00 AM

Thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, thời gian qua, nhận thức, ý thức trách nhiêm vụ bảo bảo vệ môi trường (BVMT) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được nâng lên. Môi trường ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng về môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.


Thực hiện Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” (Đề án), UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, đồng thời lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nội dung BVMT luôn được quan tâm, xem xét cụ thể trong quá trình thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cũng như công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hằng năm; công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện theo quy định và ngày được chú trọng nhằm ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.


Vấn đề BVMT được đoàn viên thanh niên Sở TN&MT Lạng Sơn tuyên truyền lồng ghép trong chuyên đề "
Chống rác thải nhựa."

Hằng năm, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan xây dựng lồng ghép nội dung vào các kế hoạch tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, về BVMT, cụ thể như: tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT theo đó có mời các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn môi trường, cung cấp thiết bị xử lý về môi trường,...; lồng ghép trong kế hoạch tổ chức các hoạt đông tuyên truyền BVMT dịp lễ hội; kế hoạch tuyên truyên theo chuyên đề về Chống rác thải nhựa, tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,... qua các hoạt động truyền thông nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân về công tác BVMT, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.

Giai đoạn 2017 - 2020, Sở TN&MT phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường và da dạng hóa hình thức tuyên truyền như: tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội cơ sở, xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình BVMT, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về môi trường, tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức trách nhiệm BVMT của học sinh; xây dựng các chuyên đề, phóng sự, bài viết phản ánh về công tác BVMT, lắp đặt các pa nô khổ lớn, in phát hàng nghìn tờ rơi; tổ chức các hoạt động mít tinh, tọa đàm, diễu hành, chương trình văn nghệ, treo hàng nghìn băng rôn, áp phíc, thu gom rác thải, trồng cây xanh,… tuyên truyền giáo dục về môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước,... thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Việc phát triển dịch vụ môi trường cũng được chú trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 16 đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; hiện đang tổ chức triển khai thực hiện Dự án xử lý nước thải sinh hoạt và thoát nước thành phố Lạng Sơn (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 701,35 tỷ đồng (là nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Tái thiết Đức-KfW), dự án đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm trong năm 2021; triển khai thực hiện dự án Xây dựng trạm thu gom và xử lý nước thải khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình với công suất 600 m3 /ngày đêm…

Về hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị BVMT, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 bãi chôn lấp rác thải, 1 lò đốt rác được đầu tư và đang hoạt động; đang thực hiện đầu tư dự án “Xây dựng lò đốt xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã trên địa bàn huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn” công suất 1.000kg/h theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ do Ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguốn vốn dự phòng 10% Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (hiện đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện lắp đặt lò đốt) và dự án mở rộng, cải tạo bãi rác Tân Lang, huyện Văn Lãng.

Trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng và lắp đặt 5 công trình, trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, trong đó có 3 Trạm quan trắc môi trường không khí để theo dõi đánh giá chất lượng môi trường, kịp thời phát hiện các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, đến nay đã có 2 đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục thực hiện giám sát phát thải tự động. Qua đó việc kiểm soát ô nhiễm môi trường được tốt hơn, thông tin dữ liệu được cập nhật thường xuyên.

Để khắc phục, cải tạo các khu vực bị ô nhiễm, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: thực hiện đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng, kè suối Lao Ly, TP. Lạng Sơn, kè chống sạt lở sông Bắc Khê, huyện Tràng Định, các dự án xử lý về chất thải; tăng cường thực hiện các dự án xử lý nước thải y tế, chất thải rắn y tế,....

Nhằm thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí trong các khu đô thị và nông thôn, tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ trong công tác vận chuyển, xử lý chất thải, thực hiện việc trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường. Trong công tác quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, các công trình xử lý môi trường đã được quan tâm nhằm đảm bảo quy hoạch đô thị gắn với công tác BVMT, hạn chế và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm.


Công nhân Công ty TNHH Huy Hoàng thu gom rác thải trên địa bàn TP.Lạng Sơn.


Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với BVMT, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho công tác BVMT. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong BVMT; ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong việc giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thông qua các chương trình, đề tài dự án BVMT. Chú trọng gắn liền hoạt động BVMT đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải, khuyến khích phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường, nhất là xử lý, tái chế chất thải.

PV/TNMT

Lượt xem : 1116