Nghiên cứu của Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy mỗi năm có tới 1,3 tỷ tấn lương lực bị lãng phí đã đe dọa, làm hủy hoại chính môi trường sống của con người. Trong khi đó ước tính khoảng 870 triệu người bị đói mỗi ngày.
Mỗi ngày, người tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước giàu, lãng phí thực phẩm nhiều gần bằng toàn bộ
sản lượng lương thực của khu vực Châu Phi cận Sahara. Đồng thời, cứ 7 người trên thế giới có 1 người đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói. Hệ quả của việc lãng phí thực phẩm khổng lồ này đối với tính an ninh và bền vững của lương thực là rất lớn.
Bản báo cáo cho biết
lượng thực phẩm được sản xuất, chưa nói đến việc tiêu thụ, "ngốn hết lượng nước tương đương với lưu lượng hàng năm của sông Volga ở Nga”. Còn thực phẩm không tiêu thụ cũng chịu trách nhiệm thải ra 3,3 tỷ tấn khí thải nhà kính.
Ông Graziano da Silva cho rằng: “Những nước đang phát triển bị thất thoát thực phẩm nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng ở những vùng có thu nhập cao,
lãng phí thực phẩm ở cấp độ buôn bán và tiêu dùng có xu hướng cao hơn. Có tới 40% của tổng số thực phẩm lãng phí ở đây so với chỉ có từ 4 - 16% ở các khu vực có thu nhập thấp”. Ông Graziano da Silva cho biết thêm rằng, hao hụt thực phẩm có trị giá 750 tỷ USD mỗi năm (con số này tương đương với GDP của Thụy Sĩ).
Với nỗ lực duy trì sự sống cho 7 tỉ người trên toàn thế giới, FAO ước tính khoảng 1/3 sản lượng thực phẩm toàn cầu hoặc là bị lãng phí hoặc bị mất mát. Trong đó, chất thải thực phẩm là một nguồn thải khổng lồ đối với tài nguyên thiên nhiên và gây ra các tác động tiêu cực về môi trường.
Nhiều người vẫn cho rằng, ô nhiễm môi trường vốn là hậu quả nặng nề của việc thương mại hóa, sản xuất… Song ngoài những hoạt động mang tính vĩ mô này, việc lãng phí lương thực mỗi ngày - được thải ra môi trường của chính từng người dân- đang trở thành một đe dọa mới cho môi trường sống và cho chính bản thân người dân.
Để giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã thành lập tổ chức đặc biệt, mang tên “Cứu nguy lương thực” (Save Food) và kêu gọi các quán ăn áp dụng những biện pháp phù hợp để sao cho thức ăn không bị lãng phí quá đáng như hiện nay và bước đầu đã thu được thành công.
Hiện nhiều cửa hàng ăn trên thế giới đã đưa ra lời cảnh báo nếu khách hàng gọi quá khả năng dùng bữa của mình, tùy theo mức độ thức ăn thừa, sẽ bị phạt tiền. Ví dụ, một cửa hàng ăn ở thủ đô của Litva, nếu khách hàng để thừa đồ ăn quá nhiều sẽ bị trả gấp đôi số tiền ghi trong hóa đơn. Một số nước khác ở Châu Âu - trong đó có Bồ Đào Nha, cũng đang áp dụng mức phạt tương tự.
Tại Hồng Kông, mỗi món ăn đã gọi ra nhưng không dùng hết, khách hàng phải trả thêm 1,5 đôla Hồng Kông. Còn tại một số quán ăn ở Mỹ, nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn. Ngay ở Arab Saudi - nơi được xem là “sống trên tiền” nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới- các quán ăn cũng bắt đầu áp dụng hình thức phạt tiền những khách hàng bỏ phí thức ăn.