Tiềm năng lớn chưa được đánh thức
Trung bình mỗi ngày TP.HCM thải ra ngót chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt và con số này đang gia tăng với mức tăng trung bình, năm sau cao hơn năm trước 10%. Trong số rác này, có đến hơn 80% là rác thực phẩm, loại rác có thể SX phân compost chất lượng cao. Nhưng, nguồn tài nguyên ấy lại đang bị lãng phí bởi hầu hết chúng vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Chôn lấp vừa tốn đất, vừa làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh thực phẩm, rác nhựa cũng là một trong những loại rác có thể tái chế để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại TP.HCM, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tấn chất nhựa thải bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác.
Nếu tái chế và tái sử dụng được số nhựa này thì trước hết với chi phí chôn lấp một tấn rác hiện khoảng 300.000 đồng thì việc không phải chôn lấp 50.000 tấn nhựa thải sẽ giúp TP.HCM tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng/năm. Chưa kể, lượng nhựa tái sinh sẽ góp phần làm giảm 30% giá nguyên liệu đầu vào và qua đó làm giảm 15% giá thành sản phẩm.
Theo TS. Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Thích ứng biến đổi khí hậu TP.HCM, điện tiết kiệm trong quá trình vận hành hệ thống tái chế có thể được tính toán, quy đổi ra số lượng khí CO2 không phát thải ra môi trường. Xác định được lượng khí CO2, TP.HCM có thể đưa ra trao đổi mua bán chỉ tiêu giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính theo cơ chế CDM để tìm thêm lợi nhuận.
Cũng theo ông Việt, Nhật Bản vừa thông qua cơ chế tín dụng liên kết JCM. Đây là cơ chế cho phép tính tổng lượng khí CO2 giảm phát từ nhiều dự án nhỏ, để đưa ra trao đổi, mua bán trên thị trường.
Trước đây, cơ chế mua bán chỉ tiêu giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính theo CDM thường chỉ tính lượng khí phát thải ra trong từng dự án, không có cơ chế cho phép tính tổng số như JCM. Do vậy, cơ chế JCM chính là cơ hội cho việc triển khai các dự án giảm phát thải ở tầm mức vừa phải ở TP.HCM.
Cần có cơ chế hỗ trợ
Theo TS. Nguyễn Trung Việt, thiếu một cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện là nguyên nhân chính của tình trạng này. Trong đó, “lệnh hạn chế” đưa hoạt động tái chế vào KCN được ban hành từ nhiều năm trước vẫn là lực cản chính. Đầu tư, xây dựng nhà máy tái chế trong các khu dân cư, các quy định về bỏ vệ môi trường không cho phép.
Một nơi chưa cấm các hoạt động tái chế, đó là cụm công nghiệp nhưng đầu tư vào đây như thế nào, lại chưa được quy định rõ. Công tác phân loại rác từ nguồn, giải pháp quan trọng, tách các loại rác khác nhau ra, để đưa đi tái chế một cách hiệu quả mới trong giai đoạn thí điểm. TP.HCM đã thành lập Quỹ Tái chế TP.HCM với kỳ vọng sẽ là nơi cung cấp các giải pháp về tài chính cho hoạt động tái chế. Tuy nhiên, sau 6 năm thành lập và đi vào hoạt động, Quỹ Tái chế TP.HCM mới cho được… một doanh nghiệp vay vốn.
Theo ông Huỳnh Phú Nam, Giám đốc Quỹ Tái chế TP.HCM, vấn đề lớn nhất là lãi suất cho vay quá cao. Theo quy định của UBND TP.HCM, mức lãi suất cho vay của Quỹ Tái chế “được thực hiện theo nguyên tắc, lãi suất cho vay tính bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi sau) của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố được công bố còn hiệu lực, cộng với phí quản lý 2%”.
Áp dụng chỉ đạo này, hiện Quỹ Tái chế cho vay với lãi suất khoảng 12,5%/năm. Đây là mức lãi suất cao so với nhiều quỹ cho vay phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường tương tự Quỹ Tái chế TP.HCM. Đối tượng được vay của Quỹ Tái chế TP.HCM lại khá bó hẹp.
Theo quy định, đối tượng vay phải là các pháp nhân “Có các chương trình, dự án liên quan đến hoạt động tái chế tại TP.HCM hoặc tái chế chất thải của TP.HCM tại địa phương khác; các chương trình, dự án thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tái chế chất thải trên địa bàn thành phố”.
Trong khi đó, tham gia hoạt động tái chế ở thành phố đa phần là các cơ sở nhỏ lẻ, gia đình… không có tư cách pháp nhân. Quỹ Tái chế TP.HCM đã làm một cuộc sàng lọc danh sách 274 cơ sở tái chế từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố gửi lên thì chỉ có 27 đơn vị đáp ứng được các quy định nêu trên.
Chưa hết, với số vốn ít ỏi, khoảng 50 tỷ đồng và với quy định chỉ được cho vay tối đa 15%/tổng vốn, Quỹ Tái chế TP.HCM chỉ có thể cho DN vay tối đa khoảng 7,5 tỷ đồng. Trong nhiều trường hợp, đây là số tiền rất nhỏ so với nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực tái chế.
“Một vấn đề cần thiết nữa là một hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Như Nhật Bản, công tác bảo vệ môi trường đã được triển khai từ khá lâu, nhưng việc thu gom rác ra sao cũng phải được luật hóa. Năm 1992, Nhật Bản ban hành quy định “Xúc tiến sử dụng những tài nguyên tái chế”. Năm 1997, Luật Xúc tiến thu gom, phân loại, tái chế các loại bao bì được thông qua đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng những sản phẩm tái chế bằng cách định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo luật này người dân phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác theo từng loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác”, TS. Nguyễn Trung Việt nói.
Theo Nongnghiep.vn