Vietnamese English
Lãng phí lương thực, hủy hoại môi trường sống

10/19/2015 7:42:00 AM

Lãng phí thực phẩm là một vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu trong đó số người bị đói và chết vì thiếu lương thực là con số không nhỏ. Không những thế, lãng phí thực phẩm còn làm hủy hoại chính môi trường sống của con người. Vì vậy việc giảm lượng thực phẩm bị lãng phí sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, qua đó có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, môi trường và xã hội.

>> Con người đã thuần hóa bao nhiêu loài cây lương thực

>> Ngày Lương thực Thế giới: Nói về môi trường


Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Sử dụng lãng phí thực phẩm đang trở thành một thực tế đáng buồn ở các thành phố, những nơi kinh tế phát triển, người dân thừa thãi nguồn thức ăn. Không khó khăn gì để bắt gặp những hình ảnh về sự lãng phí thực phẩm của người dân.

Tại các quán cơm, không ít người gọi suất cơm nhưng chỉ ăn hết một nửa, thậm chí chút ít rồi bỏ. Tại các bữa tiệc, đặc biệt là các bữa tiệc cưới hiện nay (ở nhà hàng cũng như tại gia đình), hầu hết khách khứa chỉ ăn uống qua loa, mâm cỗ vẫn còn nguyên.

Ngay cả khi đi ăn tiệc buffet, một thói quen khó bỏ của khá đông người là lấy thức ăn nhiều hơn lượng cơ thể mình có thể hấp thụ, sau đó bỏ lại. Tất cả những thức ăn thừa này đều được xử lý một cách đơn giản nhất là… bỏ vào thùng rác. Đáng buồn hơn, sự lãng phí này đôi khi xuất phát từ chính ý thức của người dân.

Nhiều người cũng cảm thấy tiếc khi thức ăn bị bỏ đi, nhưng vì sĩ diện, vì người khác nhìn vào nên cố tình gọi lượng thức ăn dôi thừa. Trong khi đó, tại nhiều khu vực miền núi, khu vực nông thôn, người dân- đặc biệt là trẻ em, lại rơi vào cảnh thiếu thực phẩm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Viện Kỹ sư Cơ khí Anh (ImechE), trong khi hàng chục triệu người tại châu Phi, châu Á đang phải đối mặt với tình trạng thiêu lương thực, thì ở nhiều nước khác, con người lại lãng phí tới 30 - 50% lương thực, thực phẩm, tương đương 1,3 - 2 tỷ tấn lương thực mỗi năm.

Báo cáo cũng cho biết, mỗi năm, các nước trên thế giới sản xuất khoảng 4 tỷ tấn lương thực, nhưng gần một nửa trong số này đã không được sử dụng.

Tại nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, mỗi năm có tới khoảng 200 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, hoặc bị vút bỏ tại các cửa hàng, quán ăn, khách sạn. Ví dụ, tại Mỹ, mỗi năm có đến 30% rau quả không được thu hoạch do không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về hình thức; Tại Canada, 7 triệu tấn thục phẩm bị vứt bỏ mỗi năm vì không đạt tiêu chuẩn mà các siêu thị đưa ra, hình thức xấu, hương vị kém, quá hạn sử dụng...

Còn tại Trung Quốc, lượng ngũ cốc bị lãng phí là 50 triệu tấn mỗi năm, chiếm 1/10 tổng sản lượng lương thực của đất nước, tương đương lượng lương thực cho khoảng 200 triệu người dân.

Các chuyên gia cho rằng văn hóa tiêu dùng thải bỏ đã đánh giá thấp các thực phẩm nằm sau đống chất thải khổng lồ. Ngoài ra việc chuẩn bị quá nhiều thức ăn cho các bữa ăn cũng là một trong những lý do gây ra nhiều chất thải.

“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng 7,2 triệu tấn chất thải thực phẩm và đồ uống được tạo ra bởi các hộ gia đình ở Anh mỗi năm. Trong số này, 4,4 triệu tấn là chất thải thực phẩm có thể tránh được. Loại chất thải này có trị giá tương đương khoảng 12 triệu Bảng" - chuyên gia về chất thải từ thực phẩm Emma Marsh cho biết.

Lãng phí thực phẩm là câu chuyện không mới, nhưng nó lại là bài toán chưa tìm được lời giải. Khoảng 1,3 tỉ tấn lương thực bị bỏ đi mỗi năm - tương đương với 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu.

Nhiều người vẫn cho rằng, ô nhiễm môi trường vốn là hậu quả nặng nề của việc thương mại hóa, sản xuất… Song ngoài những hoạt động mang tính vĩ mô này, việc lãng phí lương thực mỗi ngày- được thải ra môi trường của chính từng người dân- đang trở thành một đe dọa mới cho môi trường sống và cho chính bản thân người dân.

Việc sản xuất ra nguồn lương thực, thực phẩm không chỉ tốn nhân lực mà còn phải sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, phân bón… Lãng phí thực phẩm đồng nghĩa với việc lãng phí những chí phí cho sản xuất, nhiên liệu trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, nhiều thực phẩm bị thối rữa, phát thải khí mêtan, ảnh hưởng đến môi trường...

(Còn nữa)

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2223