Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, cho biết: "Hiện Việt Nam có tới gần 6.000 điểm mỏ có khoáng sản, nhưng điểm được quy hoạch thì đếm trên đầu ngón tay, gồm đồng, titan, vàng… và cũng chỉ có ở vài điểm có trữ lượng lớn". Trong khi đó, Luật Khoáng sản ra đời lại quy định chính quyền địa phương các tỉnh được phép cấp giấy phép khai thác.
Khai thác tràn lan
Việc phân cấp này làm cho khoáng sản bị khai thác tràn lan gây tổn thất tài nguyên quốc gia. Tại các địa phương, sự quản lý nhiều khi chỉ trên phương diện hình thức chứ chưa thực sự nắm được bản chất vấn đề.
Một điểm yếu cố hữu nữa là thông tin địa chất quá nghèo nàn. “Đến giờ, chưa thể khẳng định đã có số liệu chính xác về trữ lượng titan của cả nước, vì vậy khi chuyển sang khâu kỹ thuật đầu tư công nghệ thì khập khiễng. Công nghệ khai thác đơn giản chỉ là khoan, xúc, gạt… Đáng ra lấy được 10 phần thì chúng ta chỉ lấy được hai phần, còn lại vứt đi”, ông Sơn phản ánh.
|
Khai thác titan thô gây lãng phí nghiêm trọng. |
Nhìn ở góc độ khác, tiến sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị điện tử, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, người có nhiều năm gắn bó với các nghiên cứu liên quan đến titan - cho rằng: “Chính việc đánh thuế quá nhẹ với tài nguyên trên sản phẩm thô (50.000 đồng mỗi tấn) khiến doanh nghiệp đổ xô khai thác để tiền chảy vào túi càng nhiều càng tốt. Không mấy ai nghĩ rằng xuất quặng thô là mất titan, mất nhiều kim loại quý trong đó”.
Một trong những kim loại quý trong thành phần cát đen là titan. Theo các chuyên gia, 20% khung sườn máy bay được chế bằng titan và khoảng 4% hợp kim được dùng chế tạo các động cơ phản lực là titan. Hợp kim titan có thể chế tạo vỏ xe tăng, đạn tự điều khiển, tàu chiến, thiết bị không gỉ dùng trong các nhà máy hóa chất… “Vậy mà chúng ta lại bán rẻ tài nguyên, không nghĩ đến đầu tư công nghệ chế biến sâu để rồi chịu thiệt đơn, thiệt kép”, tiến sĩ Sơn lo lắng.
Cần phải “bấm đúng huyệt”
Theo tiến sĩ Tĩnh, để chấm dứt tình trạng này cần phải “bấm đúng huyệt”, có chính sách thông minh đánh vào gốc vấn đề. Cách tốt nhất là đánh thuế tài nguyên thật cao. Chỉ cần thực hiện biện pháp này quyết liệt thì sẽ hạn chế tình trạng “chảy máu tài nguyên”.
Hiện Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu cát đen, trong đó xuất thô khoảng 500.000 tấn và khoảng 200.000 tấn đã qua tách tuyển với giá bán thô từ 50 USD đến 200 USD mỗi tấn.
Tiến sĩ Sơn phân tích: “Xuất khẩu khoáng sản là cách nhanh nhất để đẩy GDP của địa phương lên cao. Tuy nhiên đây là cách phát triển nóng, nhiều rủi ro. Đơn cử như đợt khủng hoảng vừa qua, giá đồng đang từ 8.000 USD mỗi tấn giảm xuống còn hơn 4.000 USD mỗi tấn. Cần phải có kế hoạch thông minh với từng loại khoáng sản để biết được thời điểm nào cần tung ra thị trường, thời điểm nào cần đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng giá trị của chúng”.
Nhìn ở góc độ kinh tế, tiến sĩ Sơn nói: “Hiện nay các doanh nghiệp đang thu lợi lớn, trong đó đa số là doanh nghiệp tư nhân, nhưng trách nhiệm với xã hội thấp. Tài nguyên quốc gia đứng trước nguy cơ cạn kiệt mà thuế nhà nước thu được không đáng là bao”.
Theo tiến sĩ Tĩnh, nhà nước phải thắt chặt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là với titan, vì thực tế nhu cầu trong nước rất cao nhưng chúng ta lại xuất thô với giá một đồng rồi nhập nguyên liệu tinh vào với giá 10 đồng. Cần phải có hội đồng tư vấn gồm những người hiểu biết về titan để đưa ra giải pháp khai thác hữu hiệu cho loại khoáng sản quý này.