Vietnamese English
Lãng phí 2 tỷ USD tiền phân bón thải ra môi trường

11/9/2015 8:07:00 AM

Ứớc tính phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho nền nông nghiệp khoảng 2 tỷ USD và còn kéo theo hàng loạt những hệ lụy khác cho người sản xuất và môi trường.

Nếu tính trung bình thì mỗi năm ngành trồng trọt trong nước đang lãng phí trên 5 triệu tấn phân các loại, tương đương ít nhất khoảng 2 tỷ USD – Báo Hải Quan Online cho biết. Đó là chưa kể việc sử dụng phân bón không đúng cách, đúng liều lượng còn làm tăng dịch bệnh, dẫn tới phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn, kéo theo tình trạng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn.


Điển hình như, sử dụng nhiều phân đạm làm chua hóa đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và rau quả. Bón nhiều phân đạm còn làm tăng phát thải khí nhà kính. Đối với phân lân khi bón quá nhiều sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

500.000 m3 nước thải xả vào sông Đồng Nai mỗi ngày

Theo đại tá Dương Văn Linh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), sông Đồng Nai đang phải hứng chịu lượng nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, nhà dân. Mỗi ngày, con sông này tiếp nhận gần 500.000 m3 nước bẩn từ 4.500 điểm xả thải.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên 11 tỉnh, thành thành viên sông Đồng Nai đã phát hiện trên 2.100 vụ vi phạm và đã xử phạt hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, có 15 vụ bị ngành chức năng khởi tố. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường yêu cầu các địa phương trên hệ thống sông Đồng Nai phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải và có phương pháp xử lý ô nhiễm. Hiện tại, sông Đồng Nai cung cấp nguồn nước cho 15 triệu dân của 11 tỉnh, thành phố  nên cần được bảo vệ - theo Zing.

Quỹ khí hậu Liên Hợp quốc bắt đầu hành động chống lại biến đổi khí hậu

Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc (GCF) thông báo đã phê chuẩn kinh phí cho 8 dự án đầu tiên nhằm giúp các quốc gia đang phát triển chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Trong thông báo ngày 6/11, hội đồng quản trị GCF cho biết khoản kinh phí 168 triệu USD cho 8 dự án tại các quốc gia bao gồm Peru, Malawi, Senegal, Bangladesh, Fiji và Maldives – TTXVN đưa tin.

Các dự án đầu tiên được GCF hỗ trợ này tập trung giúp các quốc gia này chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với những hiện tượng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu như siêu bão, hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng. Cùng ngày, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo các cam kết cắt giảm khí thải của 146 quốc gia còn xa mới đủ để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo của UNEP cho biết nếu các quốc gia thực hiện đúng cam kết, lượng khí thải cắt giảm theo kế hoạch "Đóng góp quốc gia tự nguyện" (INDCs) cũng chỉ ở mức 6 tỷ tấn, bằng 1/3 so với mức cần thiết 18 tỷ tấn để Trái Đất không tiếp tục nóng lên.

Giải thích các hiện tượng cực đoan năm 2014 từ góc nhìn khí hậu

Các trận bão tuyết lớn tại dãy Himalaya ở Nepal, đợt nắng nóng khủng khiếp tại Argentina hay những trận mưa như trút nước tại miền Nam nước Pháp hồi năm ngoái đều do hiện tượng biến đổi khí hậu. Những cơn bão nhiệt đới tại Hawaii (Mỹ) và lũ lụt tại miền Đông Nam Canada hồi năm ngoái là hệ quả của sự biến đổi khí hậu và việc khai thác đất đai, bắt nguồn từ những hoạt động do con người gây ra. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những trận mưa lớn tại dãy núi Cevennes, miền Nam nước Pháp, những đợt nắng nóng như thiêu đốt tại Hàn Quốc, Trung Quốc năm 2014 và Argentina hồi tháng 12/2013 và những đợt hạn hán tại Đông Phi.

Biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra cũng không phải là nguyên nhân khiến số lượng cơn bão tăng lên mức kỷ lục tại các hòn đảo nhỏ của Anh, các trận mưa lớn tại Anh, siêu bão Gonzalo tại châu Âu và hạn hán tại các nước châu Á như Trung Quốc và Singapore. Kết luận này được đưa ra trong báo cáo "Giải thích các hiện tượng cực đoan năm 2014 từ góc nhìn khí hậu" được công bố ngày 5/11 – TTXVN đưa tin.

Tháp Eiffel sẽ giám sát chất lượng không khí ở Paris

Trong cuộc chiến chống ô nhiễm ở Paris, tháp Eiffel sẽ được sử dụng để giám sát chất lượng của không khí. Tháp Eiffel không chỉ là một biểu tượng truyền thống thu hút hàng triệu khách du lịch tới Pháp mỗi năm, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát chất lượng không khí tại thủ đô Paris. Đây là một trong những hoạt động của Pháp nhằm kiểm soát lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biên đổi khí hậu lần thứ 21 từ 30/11 đến 11/12 tới.

Một trạm giám sát nhỏ được đặt trên tháp Eiffel sẽ giám sát các mức độ ô nhiễm không khí trên bầu trời Paris, chủ yếu là từ giao thông đường bộ. Hàng ngày, các kỹ sư của Cơ quan giám sát chất lượng không khí Airparif sẽ thu các dữ liệu để tổng hợp và phân tích. Các số liệu từ trạm giám sát trên cao này sẽ được so sánh, đối chiếu với các trạm giám sát dưới mặt đất, để hiểu rõ hơn về hiện tượng phân tán ô nhiễm không khí – VOV đưa tin.

Mỹ chuẩn bị đối phó hiểm họa từ mặt trời

Lo ngại nguy cơ mất điện trong vài tháng và tổn thất hàng nghìn tỷ USD vì bão mặt trời siêu mạnh, chính phủ Mỹ đang lập kế hoạch để có thể dự báo sớm thảm họa. Trận bão mặt trời dữ dội nhất từng đổ bộ xuống trái đất vào năm 1859 khiến nhiều đường dây điện tín nổ tung, nhiều văn phòng điện tín bốc cháy và hệ thống đường dây điện ở châu Âu và Bắc Mỹ tê liệt. Xung điện từ trường cực mạnh từ bão mặt trời có thể khiến hệ thống điện tê liệt và biến điện thoại di động, thẻ tín dụng và mạng Internet thành những thứ vô dụng.

Vào năm 2008, các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ tính toán rằng, nếu một trận bão mặt trời cực mạnh ập xuống địa cầu, thiệt hại của nền kinh tế Mỹ có thể lên tới 2,6 nghìn tỷ USD, đồng thời hệ thống truyền tải điện có thể ngừng hoạt động trong vài tháng do các trạm biến thế nổ tung. Do các nhà khoa học dự đoán xác suất bão mặt trời tấn công trái đất vào năm 2022 là 12%, Nhà Trắng đang chuẩn bị kế hoạch để đối phó - Theo Zing.

Apple, Google, Microsoft là những công ty bảo vệ môi trường tốt nhất

Theo bảng xếp hạng toàn cầu dựa trên thông tin môi trường mà các tập toàn lớn cung cấp, Apple, Microsoft và Google (nay là Alphabet), là một trong những công ty hoạt động tích cực nhất trong việc chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận CDP Vương quốc Anh cho thấy, ba gã khổng lồ công nghệ Mỹ với tổng giá trị lên tới 1,6 nghìn tỷ USD nằm trong số 113 tập đoàn được xếp hạng A trong nỗ lực nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Danh sách này được chọn lựa dựa trên dữ liệu của hơn 1.997 công ty trên toàn thế giới gửi tới cho CDP.

Những nỗ lực của các công ty từ hãng sản xuất bia Nhật Bản Asahi Group Holding Ltd. tới hãng Nedbank Group Ltd. của Nam Phi cho thấy xu hướng tăng cường bảo vệ môi trường của những tập đoàn trên toàn thế giới. Hiện tại, theo CDP, 9/10 công ty có những hành động nhằm giảm lượng khí nhà kính. Con số này trong năm 2010 chỉ dưới 5. Liên Hợp Quốc đang tìm cách thuyết phục các công ty cũng như 195 quốc gia ký thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại một cuộc họp ở Paris trong tháng 12 tới. Liên Hợp Quốc cũng tạo ra một cổng thông tin trực tuyến riêng để nhận những cam kết giảm khí thải từ các công ty – theo Genk.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2610