Vietnamese English
Lặng lẽ những tấm lòng...

8/10/2009 6:09:00 AM

TT - Trong những ngày diễn ra các hoạt động của tuần lễ kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tại TP.HCM, có rất nhiều người từ khắp nơi trong và ngoài nước cùng tụ về đây để chung tay góp sức cho Cnạn nhân ĐDC như họ đã từng làm trong suốt những năm qua...

 

 

Bác sĩ Phương Tần và bé Minh Bằng (4 tuổi, bìa trái) cho em Minh Hòa (1 tuổi) uống sữa - Ảnh: My Lăng

Về VN trong những ngày này, chuyên gia kinh tế kiêm nhạc sĩ Hồ Hải Quang, người sáng lập Hội âm nhạc Orange DiHoxyn (Pháp), mang theo 6.000 euro (khoảng 150 triệu đồng VN) quyên góp để gửi tặng nạn nhân CĐDC.

“Anh hùng guitar chống CĐDC”

Ông Quang từng là nhạc sĩ, ca sĩ hát rock ‘n’ roll của Mỹ. “Tôi rất tiếc khi phải dừng lại. Làm sao tôi có thể hát nhạc của Mỹ khi người Mỹ đang giội bom xuống những người dân VN vô tội!” - ông nói. Đó là năm 1963. Ông đang học ngành kinh tế tại Paris. Ông Quang đã cùng với nhạc sĩ Stevie Wonder, Pierre Perret, Franc Alamo trình diễn trong đêm ca nhạc chống chiến tranh VN tại Nhà hát L’Olympia ở Paris năm 1963.

Năm 1990, ông sang sống tại đảo Réunion và dạy tại Đại học Réunion. Nhật báo Le Quotidien de la Réunion (Pháp) từng có bài viết về ông Hồ Hải Quang với tựa đề: “Anh hùng guitar chống CĐDC”. “Năm năm trước, tôi đọc báo mới biết được hậu quả khủng khiếp của CĐDC và những đau đớn mà nạn nhân CĐDC VN phải gánh chịu. Từ lúc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu và nghĩ mình phải làm điều gì đấy cho người VN, cho những nạn nhân CĐDC. Dòng máu trong người tôi là của người VN và VN cũng là nơi tôi sinh ra” - ông giải thích thật ngắn gọn.

Ông gây quỹ bằng nhiều cách. Ông kể: “Tôi lên mạng tìm và chọn những hình ảnh về nạn nhân CĐDC VN rồi đưa cho bạn bè xem. Tôi tổ chức những buổi hòa nhạc từ thiện, những buổi diễn thuyết về hậu quả của CĐDC... để gây quỹ. Tôi viết nhiều bài báo và lên cả truyền hình để nói về những nạn nhân và hậu quả của CĐDC ở VN. Khi về VN, tôi quay những đoạn phim ngắn ghi lại hình ảnh của những trẻ em bị nhiễm CĐDC ở các trung tâm mồ côi, khuyết tật... rồi đưa cho bạn bè, các doanh nghiệp ở đảo Réunion xem để vận động, quyên góp”.

Năm 2008, ông Quang sáng lập Hội âm nhạc Orange DiHoxyn. Đây là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc nhằm thu hút những người quan tâm tới hậu quả của CĐDC và giúp đỡ các nạn nhân tại VN. Trong đó có những nhạc sĩ chuyên nghiệp như Patrick Sida, Meddy Gerville... Ban lãnh đạo Orange DiHoxyn do ông làm chủ tịch và ông Claude Vĩnh San (con trai của vua Duy Tân) làm phó chủ tịch.

Tháng 1-2009 vừa qua, ông trở lại VN gặp người chị cùng cha khác mẹ là bà Đặng Hồng Nhựt cũng là người bị nhiễm CĐDC. Bà Nhựt hiện làm chánh văn phòng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM. “Năm 1960, ở Pháp, khi đang là sinh viên, tôi tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ nhân dân VN. Còn ở VN, chị gái tôi lại tham gia kháng chiến. Khi VN hòa bình, tôi làm công tác tình nguyện cho nạn nhân CĐDC nhưng lại không biết chị mình cũng bị nhiễm CĐDC. Và chính bản thân chị tôi cũng hoạt động tích cực cho nạn nhân CĐDC. Dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng hai chị em lại có chung chí hướng” - ông Quang nói.

Ông Hồ Hải Quang trình diễn với cây đàn do ông tự tay làm từ một hộp bánh - Ảnh: Đình Dân

Hết lòng vì nạn nhân

Các nhân viên của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM thường kể với nhau về tấm lòng của giáo sư Huỳnh Thế Cuộc - chủ tịch hội, hiệu trưởng Trường ĐH Huflit - dành cho nạn nhân CĐDC. “Năm nay bác đã 78 tuổi nhưng vẫn rất nặng lòng với các nạn nhân. Bất cứ người bệnh cần gì là bác gắng sức lo cho chu toàn. Nhiều lần bác bỏ tiền túi ra cho các cháu đi học...” - chị Phạm Thị Nhí, nhân viên hội, kể.

Cách đây ít lâu, khi chị Nguyễn Thị Hồng - một người bị nhiễm CĐDC ở Biên Hòa - mất, dù đang đi khập khiễng do bị gãy chân nhưng giáo sư Cuộc vẫn xuống tận nhà viếng. Trong đám tang đó, nhiều người thấy ông đã khóc...

Cũng như giáo sư Cuộc, nhiều năm qua bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, phó chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP.HCM, cùng các đồng nghiệp đã đi xin từng dụng cụ vật lý trị liệu phục hồi chức năng để điều trị cho trẻ bị nhiễm CĐDC. Công tác ở Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, chị luôn tranh thủ nhờ những đoàn bác sĩ nước ngoài qua làm việc tại bệnh viện để gửi gắm chữa bệnh cho những cháu bị nhiễm. Chị lên mạng tìm thông tin xem những căn bệnh đó ở nước nào chữa tốt nhất, rồi khi có đoàn bác sĩ qua là tiếp cận ngay. Nhiều trường hợp đã được bác sĩ liên hệ với một số bệnh viện tại VN chữa miễn phí. Đến nay, đã có 30 trường hợp được đưa ra nước ngoài chữa trị.

Nhận thấy bé nào có khả năng tiếp thu được, bác sĩ Phương Tần đều bắt phải đi học. Chị tới từng trường học liên hệ xin cho các cháu được vào học. “Tôi đi chọn trường cho các cháu như chọn trường cho con mình vậy. Thấy ban giám hiệu, thầy cô trường nào có tâm, nhiệt tình mới dám gửi các cháu vào” - chị Tần kể. Hiện đã có 40% các em tại làng Hòa Bình được đi học.

Chị Tần cũng là người khởi xướng chương trình đi khám chữa bệnh cho nạn nhân CĐDC ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.  “Dù rất mệt, vất vả nhưng lúc nào tôi cũng muốn đi. Tôi ước gì mình có thêm thật nhiều thời gian để chữa bệnh cho những người bất hạnh. Những việc tôi đã làm quá nhỏ so với nỗi đau của họ” - bác sĩ Phương Tần bảo vậy.

MY LĂNG
(Tuoitre, 10/8/2009)

Lượt xem : 2587