Vietnamese English
Lắm mối…

8/1/2013 2:51:00 PM

'Đa dạng sinh học” có nội hàm rộng, bao hàm nhiều đối tượng từ các hệ sinh thái, các loại sinh vật đến các nguồn gen. Dự án Luật Đa dạng sinh học 2008 đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi là để điều chỉnh nhiều vấn đề mới, phức tạp. Từ tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích, an toàn sinh học tới sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường…

 

 

 

 
Ảnh minh họa

 
Một số điểm chưa thỏa đáng của Luật Đa dạng sinh học là 3 lĩnh vực còn khá mới mẻ trong thực tiễn quản lý ở ta hiện nay. Đó là tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Quy hoạch đa dạng sinh học và An toàn sinh học. Do đó cần hoàn thiện Luật nhằm tránh được những bất cập cả trong việc thực hiện cũng như trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật. 

 
Tại hội thảo góp ý kiến vào Luật Đa dạng sinh học do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 29-7 tại Hà Nội, các nhà khoa học và đại biểu tham dự đều kiến nghị quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần quy về một mối. 

 
Năm 2008, Luật Đa dạng sinh học được ban hành. Sau 4 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập. Quản lý đa dạng sinh học phân tán ở nhiều bộ, ngành và còn nhiều nội dung bỏ trống. Việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành vẫn bị bỏ ngỏ. Cái khó hiện nay còn là đa dạng sinh học liên quan đến nhiều lĩnh vực như môi trường, đất, nước, rừng, thủy sản, nông nghiệp, y tế, khoa học. Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Khoáng sản… đều có đề cập đến đa dạng sinh học nhưng với các cách tiếp cận khác nhau, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo. Vì vậy, khó khăn lớn nhất của quá trình sửa đổi, bổ sung dự án Luật Đa dạng sinh học là tạo được sự đồng thuận. 

 
Bộ NN&PTNT đang xây dựng "Chiến lược Quản lý hệ thống Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong khi Bộ TN&MT đang xây dựng "Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. "Thực tế Bộ TN&MT quản lý bảo tồn đa dạng sinh học chủ yếu "chỉ là trên giấy tờ”- PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký VACNE thẳng thắn. Vì chồng chéo trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học giữa 2 Bộ nói trên mà việc quản lý sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hại khá lúng túng và thiếu một cơ chế đủ mạnh. Nhiều nhiệm vụ về quản lý đa dạng sinh học, trong đó có quản lý về sinh vật ngoại lai được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật của nhiều ngành khác nhau.

 
Đó cũng là lý do chưa thống nhất quản lý đa dạng sinh học và các trung tâm bảo tồn thiên nhiên hiện nay trên toàn quốc. Sự chồng chéo nói trên không chỉ khiến việc quản lý kém hiệu quả, mà còn gây nên những lãng phí và những lỗ hổng lớn trong xử lý giám sát. 

 
Nội dung bảo tồn đa dạng sinh học ở các bộ luật khác cần phải tích hợp vào Luật Đa dạng sinh học mới, thay vì chia sẻ phân tán "tứ tung” cả quyền lợi và trách nhiệm như hiện nay. Bài học "lắm mối…” tuy không mới, vẫn là điểm yếu trong quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực KT-XH ở ta hiện nay.
Kim Vũ
(Đ Đ K)

Lượt xem : 1050