Vietnamese English
Làm hòa với thiên nhiên - Nhiệm vụ khẩn cấp bảo vệ môi trường

3/24/2021 12:04:00 PM

Đây là nhận định vừa được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đưa ra tại Báo cáo “Làm hòa với thiên nhiên: Một kế hoạch khoa học chi tiết nhằm giải quyết các vấn đề khẩn cấp về khí hậu, đa dạng sinh học và ô nhiễm”.


Theo Báo cáo này, các hành động đơn lẻ và thiếu phối hợp trong giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang khiến các Mục tiêu phát triển bền vững mà các nước đặt ra trở nên ngoài tầm với. Thế giới đang không đáp ứng được các cam kết hạn chế thiệt hại môi trường bởi những hành động đối nghịch tự nhiên.

Báo cáo nêu rõ, trong 50 năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng gần gấp 5 lần, năng lượng tăng gấp 3 lần. việc tăng trưởng sản xuất phần nhiều vẫn dựa vào khai thác tài nguyên. Cùng với đó, dân số thế giới tăng gấp 2 lần (lên 7,8 tỷ người), nhưng có tới 1,3 tỷ người vẫn nghèo và khoảng 700 triệu người còn đói.

Cho đến nay, không có mục tiêu toàn cầu nào về bảo vệ sự sống trên trái đất hay ngăn chặn sự suy thoái của đất và đại dương được đáp ứng đầy đủ. Nạn phá rừng và đánh bắt quá mức vẫn tiếp diễn, 1 triệu loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Với mức cam kết của các nước như hiện nay về việc cắt giảm lượng khí phát thải CO2 thì cho đến năm 2100, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng thêm ở mức 3°C. Điều đó có nghĩa là đã lỡ mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ mức nóng lên dưới mức 2°C và cố gắng hạn chế mức tăng lên 1,5°C để tránh những tác động xấu nhất.

Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên.

Các rủi ro môi trường như sóng nhiệt/các đợt nóng, lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm cản trở những nỗ lực trong việc xây dựng các thành phố cũng như những nơi định cư an toàn, bền vững cho người dân. Khoảng một phần tư gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu bắt nguồn từ các rủi ro liên quan đến môi trường, bao gồm các bệnh lây truyền từ động vật (chẳng hạn như Covid-19), bệnh do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tiếp xúc với ô nhiễm và hóa chất độc hại. Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời gây ra tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Thay đổi môi trường đang làm chậm tiến trình xóa đói giảm nghèo, cung cấp nước sạch và vệ sinh, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế… Trong khi đó, các hệ thống xã hội, kinh tế và tài chính hiện tại không tính đến những lợi ích thiết yếu mà chúng ta nhận được từ thiên nhiên hay tạo ra động lực để quản lý các hệ sinh thái và nguồn lợi tự nhiên một cách khôn ngoan hoặc duy trì giá trị của chúng.

Các vấn đề khẩn cấp cần chung tay tháo gỡ

Theo UNEP, những vấn đề trên có thể giải quyết khi các Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới cùng nhau hợp tác và hành động mạnh mẽ. Tăng cường hơn nữa cơ sở khoa học trong việc hoạch định chính sách và quy định toàn cầu. Đầu tư vào các giải pháp và công nghệ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực, bao gồm sản xuất nước và thực phẩm có thể giúp huy động các khoản đầu tư cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững…

Các Chính phủ cần kết hợp việc tính toán vốn trong việc ra quyết định. Nên đưa vốn tự nhiên vào các thước đo hiệu quả kinh tế, định giá carbon, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại và chuyển hướng một phần trong số hơn 5 nghìn tỷ đô la Mỹ trợ cấp hàng năm cho nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp, đánh bắt cá không bền vững, năng lượng không tái tạo, khai thác mỏ và giao thông vận tải để hướng tới hỗ trợ các giải pháp carbon thấp, thân thiện với thiên nhiên.

Các nước đang phát triển cần được hỗ trợ nhiều hơn để giải quyết các thách thức về môi trường, bao gồm khả năng tiếp cận nguồn tài chính lãi suất thấp để tăng cường năng lực và cải tổ hệ thống tài chính và khuôn khổ chính sách. Việc chuyển đánh thuế từ thuế sản xuất và lao động sang thuế sử dụng tài nguyên và chất thải là rất quan trọng để thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn giúp bù đắp nguồn lợi từ ô nhiễm đồng thời tạo việc làm.

Báo cáo này được tổng hợp đặc biệt từ các đánh giá lớn của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu và Diễn đàn Khoa học - Chính sách Liên Chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái cũng như Báo cáo Triển vọng Môi trường Toàn cầu của UNEP, Ban Tài nguyên Quốc tế của UNEP và những phát hiện mới về sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật (zoonotic diseases) như Covid-19. Qua đó, UNEP đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng, khẩn cấp về môi trường của Trái đất đó là: Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các nước phải thực hiện đúng các Công ước quốc tế hiện hành. Đơn cử như việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, các nước phải chuyển đổi nhanh chóng hơn nữa các ngành, hệ thống năng lượng, sử dụng đất, nông nghiệp, bảo vệ rừng, phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng và lối sống. Giảm mức độ nóng lên, nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính giúp cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu dễ dàng hơn cũng như bảo vệ tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Sự mất đa dạng sinh học có thể được ngăn chặn và đảo ngược bằng cách mở rộng các khu bảo tồn và cung cấp không gian cho thiên nhiên, đồng thời, giải quyết các nguyên nhân dẫn đến suy thoái như thay đổi trong việc sử dụng đất và biển, khai thác quá mức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự xâm hại của các loài ngoại lai. Nếu chúng ta hiểu rõ giá trị của thiên nhiên và lấy giá trị đó làm trung tâm trong việc ra quyết định thì khủng hoảng về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm có thể giải quyết.

PV/TNMT

Lượt xem : 1415